Cùng với đó, Thứ trưởng Thọ yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam rà soát lại cả các dự án của địa phương, cùng "xắn tay" hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc.
Đối với các dự án đã đưa vào khai thác, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh, hiện nhiều tuyến cao tốc Bắc - Nam còn thiếu trạm dừng nghỉ.
"Cục Đường cao tốc Việt Nam tích cực tham gia cùng các đơn vị để hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ trên cao tốc", Thứ trưởng Thọ yêu cầu.
Thứ trưởng Thọ yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam quản lý, đầu tư, vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ để vận hành hệ thống đường cao tốc hiệu quả, nhất là kiểm soát xe quá tải và thu phí không dừng. Hoàn thành các quy định tại về đường cao tốc tại dự thảo Luật Đường bộ.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện Quy chuẩn về đường cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Phải sát sao, làm việc với các địa phương, nắm bắt lại tiến độ các dự án cao tốc đã và chuẩn bị khởi công, có tham mưu kịp thời, nhất là các dự án đường Vành đai 3 và Vành Đai 4, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh", thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Cung trong báo cáo tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), một trong những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án trong năm 2024. Trong đó, có 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, gồm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ T - Rạch Sỏi.
Ngoài ra, còn có 16 dự án khác gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Dự án cải tạo, mở rộng QL.2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Cải tạo, nâng cấp QL.28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Cùng với đó, xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL.37B (ODA); Cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT; Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Phấn đấu hoàn thành 23 dự án
Bộ GTVT xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT giai đoạn 2021-2025; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện hàng không và kết cấu hạ tầng giao thông HK; Cải tạo, mở rộng QL46 đoạn TP.Vinh - TT.Nam Đàn; Dự án nâng cấp, cải tạo 03 tuyến QL (53, 62, Nam Sông Hậu) tại đồng bằng sông Cửu Long, vốn vay WB; Quốc lộ 4B Lạng Sơn; Đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Bộ GTVT sẽ phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.
Bộ GTVT cũng sẽ hoàn thiện thủ tục để nâng tốc độ khai thác một số tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h, đồng thời tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại, hoàn trả các tuyến đường địa phương, thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đối với các tuyến cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác làm cơ sở triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, sẽ tiếp tục phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bộ GTVT sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.