Cập nhật giá vàng hôm nay lúc 14h45 chiều 3/5, giá vàng miếng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết mua vào 83,5 triệu đồng/lượng, bán ra 85,8 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 600.000 đồng so với buổi sáng.
Giá vàng miếng bất ngờ tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy đấu thầu vàng miếng lần thứ 3 vì chỉ có 1 thành viên đăng kí dự thầu. Như vậy, qua 4 phiên đấu thầu được công bố nhưng chỉ 1 phiên diễn ra với 3.400 lượng vàng miếng trúng thầu, các phiên còn lại đều không thành công.
Giá vàng SJC cũng được các doanh nghiệp kinh doanh đẩy lên cao. Cụ thể, Tập đoàn DOJI niêm yết vàng miếng SJC ở mức 83,5 và 85,5 triệu đồng/lượng, trong khi Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 83,6 triệu đồng và bán ra 85,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch 2 chiều mua và bán được đẩy lên mức 2 - 2,2 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC trong lịch sử, vượt qua cả mức 85,5 triệu đồng lập được vào giữa tháng 4 vừa qua.
Giá vàng miếng SJC tăng vọt trong bối cảnh giá vàng nhẫn trong nước và vàng thế giới ổn định. Hiện giá vàng nhẫn trơn 24K được giao dịch quanh 73,1 triệu đồng/lượng mua vào, 74,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm thêm 50.000 đồng so với buổi sáng và mất gần 1 triệu đồng so với trước kỳ nghỉ lễ.
Cụ thể, tại Doji, giá vàng nhẫn đang là 73,60 triệu đồng/ lượng mua vào và 75,30 triệu đồng/ lượng bán ra. Trong khi đó, tại PNJ, vàng nhẫn được niêm yết cao hơn: 73,80 triệu đồng/ lượng mua vào và 75,60 triệu đồng/ lượng bán ra. Chênh lệch mua bán vàng nhẫn ở khoảng từ 1,7 - 1,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang dao động quanh 2.300 USD/ounce. 1 cây vàng theo giá vàng thế giới quy đổi sang tiền Việt Nam Đồng có giá là 69.215.277 VNĐ. Diễn biến này khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng lên hơn 16 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với báo chí, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến vàng đấu thầu liên tục “ế” là do giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra cũng chưa hấp dẫn. Để đấu thầu vàng thành công, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đầu tiên NHNN cần phải xây dựng lại mức giá đấu thầu phù hợp. Thứ hai, tỷ lệ đặt cọc 10% cũng là con số khá lớn, cần xem lại.
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.