Nhật Anh
Chủ nhật, ngày 14/11/2021 09:10 AM (GMT+7)
Sự xuống dốc về phong độ của Phan Văn Đức, chấn thương của Nguyễn Trọng Hoàng khiến cầu thủ Nghệ An hiện tại đang rơi vào cảnh “mất giá” ở ĐTQG Việt Nam.
Xuyên suốt một chặng đường dài lịch sử của cấp độ đội tuyển quốc gia Việt Nam, dấu ấn SLNA hiện diện từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thậm chí, họ có thể xem là chủ lực của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Nói không ngoa, trong nhiều lò đào tạo trứ danh của bóng đá thời bao cấp và chuyển mình sang hướng chuyên nghiệp, SLNA luôn là cái nôi sản sinh ra những tài năng của bóng đá nước nhà nói chung và cấp độ đội tuyển quốc gia nói riêng.
Tuy nhiên ở thời điểm này, bóng đá Nghệ An đã sụt giảm đóng góp cho ĐTQG. Bên cạnh số lượng cầu thủ giảm đi đáng kể thì phong độ của các cầu thủ Nghệ An tại ĐTQG cũng là điều đáng phải lên tiếng.
Ngoại trừ Quế Ngọc Hải, tầm ảnh hưởng của các cầu thủ Nghệ An khác hiện tại là rất thấp. Nguyễn Trọng Hoàng đang phải chữa thoát vị đĩa đệm dẫn tới việc vắng mặt hết năm 2021, tức là mất luôn AFF Cup lẫn phần còn lại của vòng loại World Cup 2022 trong năm nay.
Các vị trí như Nguyên Mạnh, Xuân Mạnh chỉ đóng vai trò dự bị và ít khi được lựa chọn thi đấu. Trường hợp của Phan Văn Đức có lẽ là thất vọng hơn cả khi phong độ xuống rất thấp trong năm 2021 này.
Từ hình ảnh một mũi nhọn chủ lực bên hành lang trái từ VCK U23 châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, Văn Đức nhạt nhoà từ 3 trận đấu vòng loại thứ 2 đến 5 trận đấu của vòng loại thứ 3.
Đỉnh điểm phải kể đến trận đấu với Nhật Bản vừa qua. Phan Văn Đức được HLV Park Hang-seo trao cơ hội vào sân ở đầu hiệp 2. Nhưng đến phút 84 của trận đấu, Phan Văn Đức đã phải rời sân dù chẳng hề chấn thương hay thẻ phạt.
Lần hiếm hoi trong sự nghiệp, HLV Park Hang-seo phải rút một cầu thủ giữa chừng như thế. Và đây cũng là lần đầu tiên tại vòng loại World Cup, ông Park đưa cầu thủ vào sân thi đấu và rồi lại phải rút anh ta ra giữa chừng. Điều đó cũng là lý giải cho đỉnh điểm thất vọng của Văn Đức, với màn trình diễn tiếp tục dưới mức kỳ vọng khi gặp Nhật Bản.
Hãy nói kỹ hơn ở trận đấu với Nhật Bản, Phan Văn Đức được tung vào sân để thay Tuấn Anh sau hiệp một. Với Văn Đức, tuyển Việt Nam chuyển sang sơ đồ 5-3-2. Tiền vệ của SLNA đá lệch trái ở tuyến giữa ba người.
So với Hoàng Đức và Quang Hải, Văn Đức là cầu thủ đá thấp nhất ở tuyến giữa. Đó có thể xem là một vai trò rất khác lạ. Bởi thực tế, Văn Đức là mẫu tiền đạo biên thích xuyên phá, chứ không phải mẫu cầu thủ tranh chấp và đảm bảo nhiệm vụ phòng ngự.
Dễ hiểu vì sao mà gần 40 phút trên sân, Văn Đức mờ nhạt hoàn toàn ở thông số tấn công. Anh không có cú dứt điểm nào, không một lần đi bóng thành công. Anh thực hiện 8 đường chuyền (5 thành công), nhưng chỉ một trong số đó hướng lên nửa sân của ĐT Nhật Bản.
Ở khía cạnh phòng ngự, Văn Đức chơi tốt hơn với 4 lần cắt bóng, bằng với Quang Hải trong hiệp hai. Nhưng điều đó không đủ để phủ nhận rằng Văn Đức đã chơi tệ đi so với chính anh ở khoảng năm 2018 và 2019.
Nhiều người cho rằng, sự sa sút của Văn Đức đến từ thay đổi chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Một thực tế là sau khi trở lại đội tuyển ở vòng loại World Cup hồi tháng 6, Văn Đức bắt đầu phải tham gia các nhiệm vụ phòng ngự nhiều hơn. Lý do có lẽ đến từ đội việc tuyển Việt Nam đang phải phòng ngự nhiều hơn trước các đối thủ từ mạnh tới rất mạnh ở vòng loại thứ ba World Cup.
Tuy nhiên, đánh giá về phong độ tụt dốc không phanh của Phan Văn Đức, HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh cho rằng: "Văn Đức là cầu thủ thường xuyên được HLV Park Hang-seo sử dụng, ở U23 Việt Nam lẫn tuyển Việt Nam. Văn Đức có vai trò quan trọng trong lối chơi mà ông Park xây dựng.
Tuy nhiên thời gian qua tất cả đã thấy Phan Văn Đức không đáp lại sự kỳ vọng của HLV Park Hang-seo, khi chơi mờ nhạt, hay mắc sai lầm, đỉnh điểm là ở trận gặp Nhật Bản. Tôi nghĩ vấn đề của Phan Văn Đức chính là tâm lý. Có thể cậu ấy đang bị ảnh hưởng chuyện gì đó từ gia đình, đội bóng. BHL ĐT Việt Nam cần tìm hiểu và có những tác động về mặt tâm lý giúp Văn Đức chơi tốt hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.