Thứ cây cổ thụ chả phải bón phân, đều đều mỗi năm mang về 12 tỷ cho nông dân xã này ở Hà Giang

Thứ ba, ngày 02/08/2022 06:14 AM (GMT+7)
Xã Phương Độ (TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) có 192 ha chè Shan tuyết, cho năng suất bình quân 25 tạ/ha; giá trị sản xuất đạt hơn 12 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

5 thôn vùng cao thuộc 2 xã ngoại thành Phương Độ, Phương Thiện của thành phố Hà Giang nằm trên sườn dãy núi Tây Côn Lĩnh. Nơi đây không chỉ giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, hút khách du lịch mà còn sở hữu gần 8.700 cây chè Shan tuyết cổ thụ. 

Với lợi thế này, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang tập trung bảo tồn, khai thác giá trị chè Shan tuyết cổ thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với phát triển DL sinh thái, trải nghiệm.

Thứ cây cổ thụ chả phải bón phân đều đều mỗi năm mang về 12 tỷ cho nông dân xã này ở Hà Giang - Ảnh 1.

Nương chè Shan tuyết cổ thụ – điểm khám phá, trải nghiệm lý thú tại thôn Lùng Vài, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).

Hiện nay, 5 thôn vùng cao: Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài (xã Phương Độ), Gia Vài, Cao Bành (xã Phương Thiện) có trên 320 hộ, gần 1.000 khẩu, đều là người dân tộc Dao. Họ không chỉ có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, giàu bản sắc với các nghi lễ độc đáo như Cúng rừng, Cấp sắc... mà còn có những nương chè Shan tuyết quý giá, được ví như “vàng xanh” của núi rừng Tây Côn Lĩnh. 

Trong tổng số 315 ha chè, có gần 8.700 cây chè Shan tuyết cổ thụ từ 50 đến trên 400 năm tuổi. Cây chè Shan tuyết cổ thụ gắn bó mật thiết với đời sống, trở thành tài sản quý của người dân nên việc chủ động bảo vệ cây chè được thực hiện khá tốt và sản xuất theo hướng hữu cơ. 

Đến nay, chè Shan tuyết đã trở thành một trong những cây trồng “mũi nhọn”, giúp đồng bào 5 thôn vùng cao giảm nghèo bền vững. Trong đó, xã Phương Độ có 192 ha chè Shan tuyết, cho năng suất bình quân 25 tạ/ha; giá trị sản xuất đạt hơn 12 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, tại 5 thôn vùng cao đã hình thành liên kết giữa các hộ trồng chè với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) chế biến chè cổ thụ. Tiêu biểu có thể kể đến: Tổ Hợp tác chè thôn Cao Bành (xã Phương Thiện), HTX Tây Côn Lĩnh, Công ty Cổ phần trà Shan Long, HTX chè toàn thôn Khuổi My, HTX chè Hòa An (xã Phương Độ). 

Thông qua liên kết, các hộ dân không chỉ được bao tiêu sản phẩm mà còn được hỗ trợ phân bón hữu cơ, vốn và kỹ thuật để đảm bảo sản xuất chè thực hiện theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ. Hơn nữa, nhờ liên kết sản xuất, giá trị chè Shan tuyết từng bước được nâng cao khi chế biến thành các sản phẩm độc đáo với mẫu mã đẹp, hướng tới khách hàng cao cấp trong và ngoài nước. 

Điển hình như Công ty Cổ phần trà Shan Long sản xuất các sản phẩm cao cấp từ nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ, được thị trường đón nhận, như: Hồng Trà, Bạch trà mẫu đơn, Lục trà, Lan trà... Còn Công ty TNHH Thành Sơn được biết đến là một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) đầu tiên của tỉnh, tiên phong nghiên cứu, sáng tạo, đưa KHCN vào sản xuất trà Shan tuyết cổ thụ, hướng đến sản phẩm có giá trị cao, tạo ra các sản phẩm dược tốt cho sức khỏe cũng như mỹ phẩm từ trà. 

Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn, Phạm Thị Minh Hải chia sẻ: Hiện đơn vị có 3 sản phẩm từ kết quả nghiên cứu KHCN, như: Trà Lạc hồng, Hồng Shan và Hồng trà Shan tuyết. Ngoài ra, Công ty còn chế biến các dòng sản phẩm độc đáo từ nguyên liệu chè Shan tuyết quý giá, như: Trà trắng, Trà xanh, Hồng trà, Phổ nhĩ, Cao trà, xà bông...

Nằm trên sườn dãy núi Tây Côn Lĩnh – nơi có cảnh quan, khí hậu trong lành; những năm gần đây, 5 thôn vùng cao của xã Phương Độ, Phương Thiện trở thành địa chỉ khám phá, trải nghiệm lý thú của không ít khách DL trong nước và quốc tế. 

Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn thành phố: Gần 20% số hộ tại 5 thôn vùng cao có đủ điều kiện (về kinh tế, nhà ở, diện tích nương chè Shan tuyết, nhân lực, cơ sở vật chất khác) để kết hợp làm DL cộng đồng, sinh thái, DL nông thôn. Riêng 3 thôn vùng cao của xã Phương Độ hiện có 15 hộ làm DL theo hình thức DL cộng đồng, sinh thái (ăn, nghỉ tại homestay). 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy: Chưa có nhiều tour, tuyến du lịch khám phá vùng chè Shan tuyết cho du khách tại 5 thôn vùng cao; chưa xây dựng được hệ thống giao thông nội bộ trên các nương, vườn chè cũng như các điểm nghỉ chân, ngắm cảnh, thưởng thức sản phẩm chè tại nương chè Shan tuyết. 

Thêm vào đó, nhận thức về việc bảo tồn, phát triển chè Shan tuyết, chế biến các sản phẩm từ chè, DL gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao... của người dân còn hạn chế. Quá trình trồng, chăm sóc, phát triển, khai thác giá trị cây chè Shan tuyết cổ thụ vẫn chủ yếu theo tập quán của đồng bào, chưa đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất...

Để bảo tồn nguồn gen quý, nâng cao giá trị chè Shan tuyết cổ thụ, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang triển khai đồng bộ các giải pháp quy hoạch, bảo tồn, phát triển bền vững vùng nguyên liệu sản xuất chè Shan tuyết gắn với phát triển du lịch, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, thực hiện đồng bộ giải pháp về giống, quy trình kỹ thuật, chế biến và thị trường tiêu thụ, đưa các sản phẩm chè Shan tuyết trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sản của thành phố, có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. 

Gắn việc trồng, bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết với xây dựng các mô hình DL sinh thái tại những vườn chè cổ thụ để phục vụ du khách tham quan, khám phá, tìm hiểu về cây chè Shan tuyết cổ thụ cũng như nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao...

Với những giải pháp chiến lược trên, cấp ủy, chính quyền thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tại 5 thôn vùng cao có 2.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là cây di sản; sản xuất, chế biến chè theo hướng thâm canh, hữu cơ và có từ 3 – 5 sản phẩm đặc sản của chè. Phấn đấu có từ 25 – 30 hộ làm du lịch homestay; thu hút khách du lịch đến tham quan theo loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông thôn đạt 10.000 người/năm, lưu trú tại địa bàn đạt 3.000 người/năm, tạo doanh thu từ 3 – 5 tỷ đồng/năm...

Thu Phương (Báo Hà Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem