Chiếc đồng hồ đá cổ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam

Phương Nghi Thứ bảy, ngày 26/04/2014 14:09 PM (GMT+7)
Trong khuôn viên cơ quan tỉnh Đoàn Bạc Liêu (đường 30.4, phường 3, T.P Bạc Liêu) trưng bày một chiếc đồng hồ đá tuổi đời trên 100 năm. Người dân xem giờ bằng cách căn cứ vào ánh nắng mặt trời để nhận biết thời gian.
Bình luận 0
Chiếc đồng hồ đá, hay còn gọi “đồng hồ Thái Dương”, “đồng hồ mặt trời” được nhà khoa học nhà bác vật Lưu Văn Lang (5.6.1880 – 3.8.1969) sinh tại làng Tân Phú Đông – Sa Đéc – Đồng Tháp tự tay làm ra từ đầu thế kỷ XX và duy nhất ở Việt Nam.

Thời Pháp thuộc, chiếc đồng hồ này được dựng ở trước dinh tỉnh trưởng, mặt chính của đồng hồ hướng về phía Đông.

 Bảo tàng Bạc Liêu giới thiệu du khách về đồng hồ Thái Dương kỳ lạ & duy nhất ở Bạc Liêu.
Bảo tàng Bạc Liêu giới thiệu du khách về đồng hồ Thái Dương kỳ lạ & duy nhất ở Bạc Liêu.

Đồng hồ này đặc biệt ở chỗ là không dùng bất kỳ loại máy móc nào, không dùng bất kỳ một thứ kim loại nào, có chiều cao khoảng 0,8m, rộng 1m, gồm ba phần: Một phần được xây theo hình chữ nhật ở giữa, nhô ra phía trước, hai phần hai bên xây theo hình vuông, chỉ được làm bằng gạch và xi – măng mà vẫn có thể nhìn vào đó để biết giờ.

Trên bề mặt đồng hồ kẻ 12 chữ số La Mã phân định đều nhau, giữa mặt đồng hồ xây một cái gờ nhô lên. Cái gờ này giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các con số, phân chia đồng hồ thành hai phần sáng và tối. Phần ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào có màu tối, phần còn lại do không bị gờ che ánh sáng nên có màu sáng rõ hơn.

Nơi tiếp giáp giữa hai màu đó là điểm giờ trong ngày, nhìn vào điểm tiếp giáp đó hiện ở khu vực nào trên mặt đồng hồ, người ta sẽ biết lúc đó là mấy giờ. Nói cách khác, ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật sẽ tạo ra một vệt sáng, tối. Con số nào nằm trong lằn ranh giữa vệt sáng và tối đó chính là số giờ.

Cận cảnh đồng hồ đá hiện nay (lúc 13g 36 phút).
Cận cảnh đồng hồ đá hiện nay (lúc 13g 36 phút).

Sáng sớm, mặt trời vừa mọc thì “chiếc kim” rọi ngay số 7. Mặt trời dần cao đến độ nào thì “chiếc kim” rọi dần lên các con số chỉ giờ cao hơn, cho đến khi đứng bóng thì chỉ đúng số 12. Trời trở về chiều, bóng lại nghiêng theo đúng thứ tự thời khắc. Đến khi “chiếc kim” hạ dần tới bậc tam cấp thấp nhất thì mặt trời đã lặn.

Vì sử dụng ánh nắng mặt trời để xem giờ, nên so với các loại đồng hồ có máy móc, chiếc đồng hồ Thái Dương này “thua” ở điểm nếu ngày âm u không có ánh nắng, hoặc vào buổi tối, nhìn vào đồng hồ chẳng khác gì nhìn... cục đá. Trãi qua hành trình hơn 100 năm hoạt động, chiếc đồng hồ này hiện vẫn chỉ giờ chính xác đến mức sai số dao động không quá 2 phút so với đồng hồ điện tử đeo tay hiện nay.

Khuôn viên tổng thể đồng hồ đá ở Bạc Liêu.
Khuôn viên tổng thể đồng hồ đá ở Bạc Liêu.

Theo tài liệu của Bảo tàng Bạc Liêu, ông Lang là con của thợ mộc Lê Văn Cứng, thuở nhỏ được gia đình cho học chữ nho, đến 10 tuổi học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Thông minh, học giỏi nên ông Lang được cấp học bổng lên Sài Gòn học trường Tây Chasse Loup Laubat.

Năm 17 tuổi cậu học trò này đậu tú tài 2 với số điểm cao và được học bổng sang Pháp học trường đào tạo kỹ sư lớn nhất nước Pháp thời bấy giờ là Đại học Ecole Centrale de Paris. Năm 1904 kỹ sư Lưu Văn Lang tốt nghiệp loại giỏi, xếp thứ 3 trong số 250 sinh viên của Ecole Centrale de Paris và là người Nam bộ đầu tiên tốt nghiệp kỹ sư tại Pháp nên được người dân Nam bộ gọi là nhà bác vật.

 Đồng hồ đá Bạc Liêu khi chưa trùng tu (ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).
Đồng hồ đá Bạc Liêu khi chưa trùng tu (ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

Đương thời, ông Lưu Văn Lang nổi tiếng giỏi nghề và rất đức độ nên được sự kính nể của các người Pháp lẫn người Việt. Đặc biệt, người Nam Bộ bấy giờ thường đồn đại nhiều giai thoại về “nhà bác vật Lang” hiểu thấu nhiều bí mật về “thiên cơ”, chẳng hạn như vùng đất nào sẽ sụp lở, chiếc cầu sắt nào sẽ hư và núi nào sẽ nứt...

Từ năm 1909 – 1940, ông làm việc ở Sở Công chánh Sài Gòn và nhiều lần về công tác ở Bạc Liêu để theo dõi các công trình xây dựng. Biết chuyện, tỉnh trưởng người Pháp ở Bạc Liêu thời đó rất khâm phục tài năng của ông Lang và đối đãi rất hậu. Đáp lại tình cảm đó, ông Lang đã làm chiếc đồng hồ đá kể trên trước dinh tỉnh trưởng để làm quà tặng.

Tại bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, phần “Lý lịch di tích đồng hồ đá” ghi rằng: “Hồi đó, không chỉ những ông Thông, ông Phán, ông Huyện (các chức danh trong bộ máy nhà nước thời thuộc Pháp) ghé vào xem giờ trước khi vào trình giấy cho tỉnh trưởng. Cả các quan Tây cũng thường xuyên ghé xem đồng hồ Thái Dương để... chỉnh giờ đồng hồ đeo tay của mình theo cho chuẩn”.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Bạc Liêu cho biết: Đây là một di tích lịch sử – văn hóa rất độc đáo nên tỉnh đã ý thức được việc phải bảo tồn, giữ gìn công trình cho các thế hệ sau tham quan, nghiên cứu.

“Năm 2006, chiếc đồng hồ được xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh. Hiện chúng tôi cũng đang lập tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa –Thể thao – Du lịch công nhận đồng hồ đá là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, từ đó mới có thêm điều kiện để nâng mức đầu tư, tu bổ, bảo tồn chiếc đồng hồ đá “có một không hai này” – ông Thanh nói.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem