Chiến sự Nga - Ukraine: Các tập đoàn lớn của Mỹ bắt đầu cấm vận, cô lập kinh tế Nga

Huỳnh Dũng Thứ sáu, ngày 04/03/2022 07:17 AM (GMT+7)
Các công ty lớn của Mỹ từ Boeing, Apple, American Express đến Exxon Mobil đều đang rút lui, hoặc cắt giảm các khoản đầu tư của họ vào Nga, làm tăng thêm “nỗi đau kinh tế” của đất nước này sau khi chiến sự Nga - Ukraine chính thức diễn ra.
Bình luận 0

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, hàng loạt các cấm vận dành cho Chính quyền Putin. Có thể thấy, Nga đang phải đối mặt với một loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng trên diện rộng do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Họ đã hạn chế quyền tiếp cận của đất nước này với nguồn dự trữ ngoại tệ, và cấm nhiều ngân hàng của họ tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Kết quả là giá trị của đồng nội tệ Nga RUB đã giảm mạnh, Nga buộc phải tăng lãi suất mạnh và nước này đã đóng cửa thị trường chứng khoán để ngăn chặn những thiệt hại về kinh tế và tài chính. Trước mắt, tác động từ các lệnh trừng phạt đã khiến các công ty Mỹ không thể kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới và cũng là nhà xuất khẩu năng lượng lớn. Và chính cuộc xâm lược Ukraine và tác động của các lệnh trừng phạt đối với thị trường Nga đã phủ bóng đen lên các khoản đầu tư của chính họ.

Trên hết, nhiều công ty Mỹ lo lắng về việc sẽ bị ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín công ty của họ trên toàn cầu nếu họ tiếp tục kinh doanh ở Nga. Vì thế, một số công ty nổi tiếng nhất của Mỹ bao gồm Apple, Google, Ford, Harley-Davidson và Exxon Mobil đã lên tiếng chỉ trích và bắt đầu cấm vận Nga vì hành động xâm lược Ukraine, trước áp lực không ngừng từ các nhà đầu tư và người tiêu dùng chỉ trích bạo lực vũ trang.

Chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Apple ngưng bán iphone cho Nga

Trong đó, Apple Inc vào cuối ngày 2/3 cho biết, họ đã ngừng bán iPhone và các sản phẩm khác ở Nga, đồng thời nói thêm rằng họ đang thực hiện các thay đổi đối với ứng dụng bản đồ của mình để bảo vệ dân thường ở Ukraine.

Hai nhà sản xuất lớn của Mỹ là Boeing và Ford Motor đã tạm ngừng các hoạt động kinh doanh tại Nga, khi nước này leo thang chiến tranh ở Ukraine. Ảnh: @AFP.

Hai nhà sản xuất lớn của Mỹ là Boeing và Ford Motor đã tạm ngừng các hoạt động kinh doanh tại Nga, khi nước này leo thang chiến tranh ở Ukraine. Ảnh: @AFP.

Trong khi đó, các công ty công nghệ bao gồm Google của Alphabet Inc đã loại bỏ các nhà xuất bản nhà nước của Nga khỏi trang tin tức của họ, và Ford Motor - với ba nhà máy liên doanh ở Nga nói với đối tác sản xuất Nga rằng, họ đang tạm ngừng hoạt động ở nước này. Nhà sản xuất mô tô Harley-Davidson Inc đã đình chỉ các lô hàng của mình xuất khẩu sang Nga. Riêng công ty Exxon Mobil Corp cho biết sẽ ngừng hoạt động tại Nga và đang thực hiện các bước để rút khỏi liên doanh Sakhalin-1, tiếp theo bước của gã khổng lồ năng lượng của Anh là Shell Plc và BP, là các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga đã rút khỏi liên doanh này từ trước.

Có thể thấy, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã có lập trường rõ ràng trong việc lên án Nga. "Chúng tôi vô cùng lo ngại về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và sát cánh với tất cả những người dân đang chịu hậu quả của bạo lực", Apple cho biết trong một tuyên bố. 

Làn sóng phản đối này càng tăng lên vào khi tên lửa tấn công các thành phố lớn ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ford cho biết: "Ford quan ngại sâu sắc về cuộc xâm lược Ukraine và các mối đe dọa dẫn đến hòa bình và ổn định lâu dài. Tình hình đã buộc chúng tôi phải đánh giá lại các hoạt động của mình ở Nga".

Đại diện công ty Exxon Mobil Corp nói: "Chúng tôi lên án hành động quân sự của Nga vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và gây nguy hiểm cho người dân của họ", và cho biết thêm rằng, họ sẽ không đầu tư vào những kế hoạch phát triển mới tiếp theo ở Nga nữa.

Không chỉ dừng tại đó, nhà sản xuất máy bay Mỹ, Boeing đã đình chỉ cung cấp các bộ phận, dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật cho các hãng hàng không Nga, một phóng viên của trang thông tấn Politico đã viết trên Twitter. Hãng sản xuất máy bay Mỹ đã đình chỉ các hoạt động chính ở Moscow, và cũng sẽ tạm thời đóng cửa văn phòng ở Kyiv, dòng tweet cho biết. Được biết, Boeing sử dụng hàng nghìn nhân viên ở Nga, họ cũng có một trung tâm hoạt động thiết kế lớn ở Moscow. Công ty cũng điều hành một cơ sở đào tạo chuyến bay và trung tâm nghiên cứu công nghệ hàng không trong thành phố Nga, và cũng có liên doanh ở Nga với VSMPO-AVISMA, nhà cung cấp titan lớn nhất của Boeing.

Sau cú "cắt đứt" này, Boeing cho biết sẽ cố gắng đa dạng hóa nguồn cung titan và hiện họ vẫn có đủ kim loại để tiếp tục chế tạo máy bay thương mại trong thời gian tới.

Chiến sự Nga - Ukraine: Các tập đoàn Mỹ gia tăng cô lập tài chính cho nền kinh tế Nga

Trước mắt, những hạn chế từ phương Tây đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga, với việc đồng tiền nội tệ Nga RUB giảm tới 1/3 xuống mức thấp kỷ lục. Sự cô lập về tài chính đang gia tăng khi các công ty vận tải biển cho biết họ sẽ không phục vụ các cảng của Nga nữa.

TJ Kistner, phó chủ tịch Segal Marco Advisors, một nhà tư vấn hưu trí lớn của Mỹ cho biết, các công ty Nga đặc biệt gặp nguy hiểm khi đối đầu với các nhà đầu tư phương Tây, vì họ thường khó cởi mở với các cuộc đàm phán để thay đổi cục diện cuộc khủng hoảng. Các nhà đầu tư phương Tây có thể phản ứng bằng cách quyết liệt là "Hành động duy nhất là cấm vận và thoái vốn", Kistner nói.

Các công ty Mỹ cắt giảm hoạt động và thương mại tại Nga khi các lệnh trừng phạt thắt chặt. Ảnh: @AFP.

Các công ty Mỹ cắt giảm hoạt động và thương mại tại Nga khi các lệnh trừng phạt thắt chặt. Ảnh: @AFP.

Các công ty Big Tech cũng đang tiếp tục nỗ lực ngăn chặn lực lượng Nga tận dụng các sản phẩm của họ. Apple cho biết họ đã chặn tải xuống ứng dụng của một số dịch vụ tin tức tại Nga. Trước đó, Microsoft cho biết họ sẽ xóa các ứng dụng di động RT của cửa hàng truyền thông nhà nước Nga khỏi cửa hàng Windows App của mình, và cấm quảng cáo trên các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga tài trợ. Google cấm RT và các kênh khác của Nga nhận tiền cho quảng cáo trên các trang web, ứng dụng và video YouTube. Còn Meta (công ty mẹ của Facebook) cũng cho biết, họ đã áp dụng các hạn chế thuật toán đối với các tài khoản truyền thông nhà nước của Nga để ngăn nó xuất hiện nổi bật trong nguồn cấp dữ liệu của người dùng.

Tương tự, Twitter cũng đã công bố kế hoạch "giảm khả năng hiển thị và khuếch đại" nội dung truyền thông nhà nước Nga. Netflix cũng cho biết rằng, họ đã từ chối phát sóng các kênh truyền hình nhà nước của Nga tại quốc gia này. "Với tình hình hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch thêm các kênh này vào dịch vụ của mình", đại diện dịch vụ trực tuyến Netflix nói với trang CNN Business.

Hiện tại, các dịch vụ thanh toán nổi tiếng như Visa, Mastercard và American Express cũng chặn các ngân hàng Nga khỏi mạng lưới thanh toán của mình.

"Do kết quả của các lệnh trừng phạt, chúng tôi đã chặn nhiều tổ chức tài chính Nga khỏi mạng lưới thanh toán Mastercard", Giám đốc điều hành Mastercard Michael Miebach cho biết trong một tuyên bố phát tối hôm 2/3.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý Mỹ trong những ngày tới để tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tuân thủ của chúng tôi khi lệnh trừng phạt tiếp tục phát triển".

Visa cho biết trên trang web của mình rằng, họ đang "thực hiện hành động nhanh chóng để đảm bảo tuân thủ các biện pháp trừng phạt hiện hành và sẵn sàng tuân thủ các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể được thực hiện".

Trong khi American Express cho biết hoạt động kinh doanh của họ ở Nga là "quy mô nhỏ", thế nên hãng này nhấn mạnh rằng, "kể từ đầu cuộc khủng hoảng này, chúng tôi đã tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế".

Trước những động thái di cư vội vàng của các công ty Mỹ khỏi thị trường Nga, chuyên gia thị trường Daniel Tannebaum thuộc công ty tư vấn Oliver Wyman nói: "Chưa bao giờ chúng ta thấy một nền kinh tế quan trọng như Nga lại phải chịu những hành động cắt đứt toàn diện như vậy, và với tốc độ hiện tại, chúng ta có thể thấy Nga đang trên đường đi về lối cũ như Cuba và Iran từng chịu cảnh bị cấm vận".

Huỳnh Dũng  -Theo Nytimes / Economictimes/Firstpost

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem