Chính sách nào là "đũa thần" giúp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi năng lượng xanh?
Chính sách nào là "đũa thần" giúp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi năng lượng xanh?
An Linh
Thứ hai, ngày 01/01/2024 13:00 PM (GMT+7)
Chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo là chìa khoá giúp Việt Nam tránh rơi vào bẫy tăng trưởng trung bình, bị kìm kẹp trong tình trạng thiếu hụt năng lượng và phải chi trả phí tổn đối với môi trường. Tuy nhiên, để hiện thực hóa lộ trình này, hàng loạt thách thức đã và đang đặt ra cho Việt Nam.
LTS: Phát triển kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu trên thế giới. Kể từ sau COP 26 ở Glasgow, Việt Nam đã triển khai 12 biện pháp lớn, toàn diện thuộc 3 nhóm nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế. Tháng 12 vừa qua tại Hội nghị COP 28, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trước cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và đã đưa ra chương trình cụ thể của nước ta. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, các lĩnh vực, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề xanh vào trọng điểm hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đã có những kết quả bước đầu được ghi nhận, song những hạn chế cũng lộ diện. Cùng Dân Việt đi tìm lời giải cho bài toán "xanh" của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.
Từ nay đến năm 2050, hệ thống năng lượng của Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng.
Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam (bao gồm điện sạch) sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ năng lượng tái tạo. Để hiện thực hóa được chiến lược phát triển năng lượng sạch, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo
Giới chuyên gia cho rằng, nếu có giải pháp cụ thể, rõ ràng về phát triển điện tái tạo kết hợp pin lưu trữ, duy trì với thủy điện và chuyển đổi vận hành các nhà máy nhiệt điện sạch (nhiệt điện tích năng, sử dụng amoniac..), Việt Nam hoàn toàn sớm thay thế hoàn toàn điện than trong tương lai.
Tuy nhiên đó chỉ là tiềm năng, tính đến tháng 9/2023, theo Bộ Công Thương tổng công suất điện mặt trời, điện gió trong tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam mới chỉ đạt 13,8%. Trong khi đó, các nguồn điện lớn như nhiệt điện, thủy điện lớn, vừa của Việt Nam đã phát triển quy mô cực đại. Nguy cơ thiếu điện miền Bắc các năm 2024, và những năm tiếp theo đã được đưa ra nếu thủy điện vẫn thiếu nước như năm 2023.
Theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tổng công suất điện mặt trời, điện gió mới chỉ chiếm 26-27% tổng nguồn điện. Như vậy, từ mức 13,8% cơ cấu điện hiện nay, sau 7 năm nữa điện gió, điện mặt trời chiếm 26-27% tổng nguồn điện con số cực kỳ thách thức.
Đó là chưa nói mục tiêu năm 2050, cơ cấu điện gió, mặt trời chiếm trên 60% tổng công suất điện sẽ là thách thức lớn, đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ, chiến lược về huy động nguồn lực, mở cửa thị trường... để đưa
Tiềm năng là thế, mục tiêu và chiến lược là vậy, song để hiện thực hóa không hề đơn giản. Nhiều chuyên gia cho rằng để thay đổi căn bản cần ưu tiên thu hút vốn, thậm chí "xé rào" ưu đãi cho nhà đầu tư. Hơn hết, phải luật hóa các cơ chế, chính sách mới bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ ngành lĩnh vực kinh doanh đặc thù, chiến lược.
Về vốn, phát triển điện tái tạo đòi hỏi vốn ban đầu rất lớn, theo Quy hoạch điện VIII được Chính phủ ban hành, giai đoạn 2021 - 2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD.
Giai đoạn 2031-2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD.
Muốn nhanh, muốn mạnh phải có đột phá cơ chế, đặc thù chính sách
TS Thiên cho rằng, "từ thực tiễn mất điện", phải nghĩ ngay các giải pháp để ngành điện thay đổi toàn diện rồi mới tính đến khả năng thay thế, chuyển đổi sang năng lượng xanh, phát thải 0%. Trước mắt là giá điện cần vận hành theo cơ chế thị trường sẽ giúp ngành điện thu hút nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Ông Thiên cho rằng, nếu ngành điện vẫn giữ cơ chế cũ trong khi thế giới đang khai thác tốt tiềm năng hàng ngày, hàng giờ về điện gió, điện mặt trời và thậm chí chuyển sang dạng năng lượng mới là hydrogen, khiến Việt Nam sẽ không bắt kịp sự phát triển bởi tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng Việt Nam cần phải gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh: Cần thống nhất chung giữa các chính sách phát triển điện gió chung giữa trung ương và địa phương. Ngoài ra, không hồi tố chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển…
Ông Sơn cho rằng, sau những bước phát triển thần kỳ về đầu tư năng lượng tái tạo, hiện Việt Nam đang bị chậm lại trong khi các quốc gia xung quanh như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore đang đẩy mạnh đầu tư về năng lượng tái tạo thông qua các chính sách và đây cũng là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam.
"Yếu tố kiên quyết lúc này chính là chính sách giá đối với điện tái tạo làm sao để kéo vốn tư nhân vào phát điện, truyền tải và xây dựng trung tâm lưu trữ pin lớn cần được nhắc đến", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) nói: Huy động các doanh nghiệp điện gió lớn ngoài khơi lớn vào Việt Nam là rất quan trọng, những dự án tỷ USD, thậm chí hàng chục tỷ USD là những "tay chơi lớn" có tác động lan tỏa và thay đổi cả ngành, Việt Nam không thể thiếu được.
Ông Cường cho rằng, nguồn lực từ gió, mặt trời là vô hạn, nhưng nguồn lực vốn là hữu hạn. "Nếu chúng ta chậm một ngày là chúng ta thiệt một ngày. Một dự án năng lượng ngoài khơi tối thiểu cần 6-8 năm mới vận hành và phát điện được. Nếu mục tiêu năm 2030, Việt Nam muốn có điện gió 6 GW, chúng ta phải bắt đầu vào từng việc từ ngay bây giờ", ông Cường nhấn mạnh.
Theo PGS, TS Phạm Hoàng Lương, chuyên gia năng lượng, Đại học Bách Khoa Hà Nội: Các dự án tỷ USD của điện tái tạo như điện gió ngoài khơi ngoài cung ứng điện cho Việt Nam mà còn cung ứng điện cho các nước khu vực, như Singapore.
"Ta phải đặt ta vào chuỗi tính toán của các nhà đầu tư, của khu vực, bởi tương lai, chúng ta có kết nối năng lượng ASEAN, nếu một doanh nghiệp điện gió lớn của quốc tế đầu tư tại Ấn Độ, Singapore thì sẽ không đầu tư ở Việt Nam nữa và ngược lại. Do đó, cần nhanh chân có chính sách, cơ chế để kéo luồng vốn này vào đầu tư ở Việt Nam, bởi chúng ta có điều kiện lý tưởng, nhưng cái chúng ta thiếu là vốn, công nghệ", GS Lương nhấn mạnh.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Chính phủ đã có những chính sách rất cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ khá cao cho phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, rõ ràng về mặt thực hiện thì còn khá nhiều vấn đề, vướng mắc, khiến một số doanh nghiệp điện tái tạo khó khăn.
Ông Cơ cho rằng: Dịch chuyển năng lượng xanh cần số vốn lớn, Chính phủ có thể xây dựng các trái phiếu và cho vay lại để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi năng lượng xanh với lãi suất thấp, vốn dài hạn. Ngoài ra, khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế lãi suất để cho doanh nghiệp cân nhắc chọn lựa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.