Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã lý giải về "tinh thần Mai An Tiêm" trong giải thưởng cùng tên
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lý giải về "tinh thần Mai An Tiêm" trong giải thưởng cùng tên
Bách Thuận
Thứ năm, ngày 05/12/2024 14:45 PM (GMT+7)
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quyết định, trao Giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024 (Coop Gold Product Awards 2024) cho sản phẩm của các hợp tác xã tiêu biểu trên toàn quốc.
Ngày 5/12, thông tin từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đơn vị này sắp tổ chức Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã, trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024 (Coop Gold Product Awards 2024) vào ngày 11/12 tại Hà Nội.
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đơn vị này lựa chọn tôn vinh sản phẩm hợp tác xã mang ý nghĩa từ câu chuyện Mai An Tiêm là biểu tượng đẹp về tinh thần khởi nghiệp của người Việt từ hàng ngàn năm trước.
Bị đày ra đảo hoang, nhưng với ý chí vượt khó và sự sáng tạo, Mai An Tiêm đã biến nơi hoang vu thành vườn quả, để lại giống dưa hấu quý mãi gắn liền với tên tuổi của ông. Tinh thần kiên cường và sáng tạo ấy không chỉ là niềm tự hào của quá khứ mà còn được kỳ vọng trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ hôm nay.
"Đặc biệt, với kinh tế hợp tác và mô hình hợp tác xã, tinh thần Mai An Tiêm sẽ tiếp tục lan tỏa, góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước" – Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thông tin.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mong muốn có một sân chơi riêng dành cho các hợp tác xã, thông qua đó nuôi dưỡng, xây dựng nhiều sản phẩm được giải thưởng thương hiệu quốc gia. Ảnh: LMHTXVN
Cũng theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ý nghĩa của giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh các sản phẩm của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có uy tín, chất lượng, sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ rộng lớn, được người tiêu dùng tin cậy, đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; hỗ trợ, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm; tiêu chuẩn hóa, định vị thương hiệu sản phẩm hợp tác xã trên thị trường; giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển các sản phẩm của các hợp tác xã tại địa phương.
Gần nửa năm kể từ khi phát động, Giải thưởng Mai An Tiêm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố. Các sản phẩm được lựa chọn đều thuộc những hợp tác xã có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.
Giải thưởng đã thu hút hàng trăm hồ sơ của các hợp tác xã trên cả nước, với đa dạng ngành nghề, từ nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thực phẩm và đồ uống...
Những sản phẩm tham dự đa dạng về chủng loại, nổi bật với chất lượng vượt trội, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao hoặc các danh hiệu uy tín khác do bộ, ngành trung ương hoặc UBND tỉnh trao tặng. Với mẫu mã, bao bì đẹp mắt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các sản phẩm không chỉ chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Với Giải thưởng Mai An Tiêm, cơ quan này tôn vinh các sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã tiêu biểu. Trong ảnh là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao tặng danh hiệu Ngôi sao Hợp tác xã năm 2024 cho 100 Hợp tác xã tiêu biểu vào tối 11/4/2024. Ảnh: Lê Huy
Sau thời gian dài tiến hành bình chọn, Hội đồng bình chọn cấp Trung ương đã lựa chọn 100 sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã trên cả nước trong danh sách trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất.
Trong 100 sản phẩm được vinh danh tại Giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất, có 75 sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, 10 sản phẩm từ dược liệu và các chế phẩm dược liệu, 13 sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tiểu thủ công nghiệp, cùng 2 sản phẩm thuộc lĩnh vực du lịch.
Trao đổi với Dân Việt, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mong muốn dành một sân chơi riêng cho các hợp tác xã, thông qua đó nuôi dưỡng, xây dựng nhiều sản phẩm được giải thưởng thương hiệu quốc gia.
Với Giải thưởng Mai An Tiêm, lý giải về tên gọi của giải thưởng, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết, tên gọi của giải thưởng lấy tinh thần từ Mai An Tiêm. Theo bà Cao Xuân Thu Vân, theo truyền thuyết, Mai An Tiêm là người đầu tiên trồng ra dưa hấu, qua đó ẩn chứa thông điệp vô cùng ý nghĩa, khẳng định chỉ có những người dám nghĩ, dám làm mới mang đến kết quả như mong muốn và tạo ra kết quả xứng đáng.
Mai An Tiêm đã đương đầu với những khó khăn, thử thách và bằng niềm tin của mình, Mai An Tiêm đã tạo ra sản phẩm quả dưa hấu, từ đó có thương hiệu dưa hấu Mai An Tiêm.
"Với tinh thần khởi nghiệp của Mai An Tiêm, ông là người khởi nghiệp bằng trồng trọt, là mô hình đầu tiên trong tổ hợp tác… Ông cũng vận dụng marketing để quảng bá sản phẩm. Ông cũng có tinh thần hội nhập, thời kỳ đó là tinh thần hội nhập Việt Nam với thế giới, tiêu biểu cho tinh thần dám dấn thân và tạo được thương hiệu. Chúng tôi đã sử dụng hình ảnh ngọn sóng, quả dưa để tạo ra chiếc cúp giải thưởng nhằm truyền tải những thông điệp ý nghĩa đó" – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nói.
Về tổ chức các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã năm 2024, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang tổ chức nhiều sự kiện quan trọng và ý nghĩa, trong đó cao điểm từ 5/12 đến 11/12/2024.
Cụ thể như Hội nghị kết nối giao thương giữa các HTX sản xuất trong ngành dược liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại thuộc Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2024; Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của HTX và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024, phát động Tháng hành động vì HTX và Năm Quốc tế HTX 2025; Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ 13, khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế tập thể, HTX tại một số HTX trên địa bàn Hà Nội...
Tính đến tháng 6/2024, cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng hơn 4.000 sản phẩm so với cuối năm 2022. Hơn 7.000 chủ thể OCOP, trong đó có hơn 32% là HTX, hơn 22% là doanh nghiệp, hơn 39% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Chương trình OCOP tác động đến kinh tế nông thôn ở 3 khía cạnh:
(1) Thúc đẩy về chuyển đổi tổ chức sản xuất khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định với hơn 34% chủ thể OCOP đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; hơn 2.000 HTX có sản phẩm OCOP;
(2) Các sản phẩm OCOP góp phần tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu: 46% sản phẩm OCOP tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP, doanh thu bán hàng tăng bình quân 30%, tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá tăng hơn 50%, mức tăng giá bình quân hơn 17%;
(3) Tạo thêm việc làm, phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và nhóm yếu thế với hơn 34% chủ thể OCOP mở rộng sản xuất, 17% lao động là người dân tộc thiểu số khu vực khó khăn, miền núi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.