Chứng khoán Việt tiếp tục lỡ hẹn với "chuyến tàu" nâng hạng của MSCI: Không bất ngờ!

Quốc Hải Thứ hai, ngày 27/06/2022 14:13 PM (GMT+7)
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam trượt nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market) là không quá bất ngờ. Theo các chuyên gia chứng khoán, khả năng Việt Nam được nâng hạng có thể phải đến năm 2025, khi đáp ứng đủ các tiêu chí nâng hạng.
Bình luận 0
Chứng khoán Việt tiếp tục lỡ hẹn với "chuyến tàu" nâng hạng của MSCI: Không bất ngờ! - Ảnh 1.

Khách hàng đăng ký mở tài khoản chứng khoán tại SSI... Ảnh: SSI

Tiếp tục lỡ hẹn với "chuyến tàu" nâng hạng của MSCI

MSCI vừa công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó Việt Nam một lần nữa "lỡ hẹn" với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).

Trước đó, khi đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, MSCI đã đưa ra những quan điểm mới theo hướng kém tích cực hơn. Cụ thể, MSCI cho rằng các vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, cơ quan này cũng gắn nhãn "-" với 9 tiêu chí định lượng gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài, room ngoại còn lại, quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, đăng ký đầu tư và mở tài khoản; các quy định về thị trường, luồng thông tin, thanh toán bù trừ, khả năng chuyển nhượng.

Nhận định về việc này, chuyên gia chứng khoán Trần Bá Duy - Giám đốc Tư vấn Đầu tư (Công ty Chứng khoán VPS) cho hay, đây toàn là những câu chuyện cũ về việc nới room nước ngoài, đối xử công bằng của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, vấn đề về ngoại hối… Đây là những câu chuyện cũ đã kéo dài từ hàng chục năm nay rồi.

Và khi chưa gỡ được các điều kiện này thì chắc chắn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không xem xét được nâng hạng.

"Theo tính toán của các chuyên gia thì có thể phải đến 2025 mới nâng hạng được thị trường", ông Duy nói.

Chứng khoán Việt tiếp tục lỡ hẹn với "chuyến tàu" nâng hạng của MSCI: Không bất ngờ! - Ảnh 3.

Ông Trần Bá Duy - Giám đốc Tư vấn Đầu tư (Công ty Chứng khoán VPS). Ảnh: FBNV

Rào cản khiến thị trường khó nâng hạng?

Liệu những "xập xình" của thị trường chứng khoán thời gian qua có phải là một trong những rào cản khiến thị trường khó nâng hạng?

Trả lời vấn đề này, ông Duy khẳng định thị trường xập xình thời gian qua không phải là nguyên nhân. Cái trọng yếu vấn là những vẫn đề từ xa xưa của thị trường chứng khoán đến nay vẫn chưa được xử lý xong. Ví dụ như hệ thống mới mà mấy chục năm vẫn chưa làm được, nên không thể triển khai các sản phẩm mới. Khi không có các sản phẩm mới thì nước ngoài đánh giá Việt Nam vẫn không thỏa mãn các điều kiện.

"Vào năm 2021, khi 9 tiêu chí trên chưa có đủ thông tin để đánh giá, MSCI đã gắn mức "-/?". Nhưng giờ đây , cơ quan này đã chính thức gắn nhãn "-", tương đương là chưa đáp ứng được yêu cầu".

"Nói chung vẫn là các nguyên nhân cũ mà thôi, chỉ khi nào giải quyết được các vấn đề này thì mới nghĩ đến được việc được nâng hạng", ông Duy nói thêm.

Đánh giá thêm về thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại, Giám đốc Tư vấn Đầu tư (Công ty Chứng khoán VPS) cho hay, bây giờ thị trường chứng khoán Việt đang bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý, thêm vào đó thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đang hút tiền mạnh về sau khi cơ quan này mở lại kênh tín phiếu.

"Việc Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh tín phiếu sau 2 năm (thả nổi kênh tín phiếu) có thể là để thăm dò phản ứng của thị trường cho việc nâng lãi suất trong tương lai. Vì triển vọng về vĩ mô đang gặp nhiều vấn đề về lạm phát, lãi suất, tỷ giá cũng đang căng thẳng… Đợt này, Ngân hàng Nhà nước cũng đang bán ra kỳ hạn tầm 10 tỷ USD để cung cấp cho thị trường, nên vấn đề áp lực về tỷ giá, lạm phát, lãi suất khiến cho cơ quan này phải điều tiết lại dòng tiền. Chính điều này cũng sẽ khiến cho thị trường chứng khoán khó mà tăng điểm được", ông Duy phân tích.

Cụ thể, chỉ số VN-Index chỉ cần duy trì để không thủng đáy cũ là tốt rồi. Nếu thị trường tiếp tục thủng đáy cũ này, tích vào thêm lực bán nữa thì sẽ không hay.

"Nói chung hiện nay có nhiều khó khăn khiến thị trường chứng khoán khó lên được. Thực ra, nếu thị trường cứ cân bằng trong vùng 1.200 điểm như hiện nay là ổn", ông Duy chia sẻ.

Trong báo cáo chỉ số MSCI Frontier Market vào ngày 31/5/2022, Việt Nam vẫn đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng 28,45%.

Hiện tại, MSCI đã khởi động tham vấn về đề xuất chuyển chỉ số MSCI Nigeria từ thị trường cận biên sang thị trường độc lập. Nếu điều này xảy ra, tỷ trọng của Việt Nam có thể được nâng lên 34,3% nhưng số lượng cổ phiếu của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 28 cổ phiếu…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem