Đêm 19.12.1946, sau những loạt pháo hiệu, tại sân bay Gia Lâm, một số máy bay quân Pháp bị ta tiêu diệt. Đây là chiến công rất có ý nghĩa của Tình báo Việt Nam. Có thể đây là những chiếc máy bay đầu tiên của địch bị quân đội ta tiêu diệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Bản báo cáo đặc biệt
Trò chuyện với Đại tá Hà Mai, cán bộ lão thành của Tổng cục II, chúng tôi biết được nhiều chi tiết thú vị về chiến công vang dội này. Ông kể rằng, từ tháng 7.1946, trước tình hình quân Pháp liên tục có những hành động khiêu khích, cố tình gây hấn, tạo cớ để ta mắc mưu, Phòng Tình báo đã có kế hoạch đối phó khi chiến tranh nổ ra.
Đại tá Hà Mai (người đứng phía sau) trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Tháng 7.1946, khi nhận báo cáo từ tình báo các đơn vị gửi về, đồng chí Hoàng Minh Đạo, nguyên Trưởng phòng Tình báo đã phát hiện ra một chi tiết cực kỳ thú vị, khác nhiều với những bản báo cáo cùng loại. Trong báo cáo mà tình báo Tỉnh ủy Bắc Ninh gửi về có một sơ đồ hết sức chi tiết về hệ thống công trình, nơi để phương tiện, nơi ở của lính Pháp… tại sân bay Gia Lâm. Người gửi báo cáo đó là đồng chí Nguyễn Hồng Dân. Đồng chí Hoàng Minh Đạo đã cho gọi đồng chí Nguyễn Hồng Dân về cơ quan và chỉ thị lập kế hoạch đánh phá sân bay Gia Lâm.
Sân bay Gia Lâm nằm trên một khu đất cao, bằng phẳng, kẹp giữa đường số 5 và đê sông Hồng thuộc địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên ngày nay, cách trung tâm Hà Nội khoảng 3,5km về phía Đông Bắc. Sân bay có hai đường băng lớn vuông góc với nhau, theo hình chữ “T”. Vào thời điểm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, sân bay này thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Phía Bắc giáp thôn Gia Thụỵ và xã Việt Hưng, phía Tây là hồ Lâm Du. Từ hồ ra đến bờ sông Hồng là một bãi rộng thuộc xã Bồ Đề. Phía Nam giáp xã Long Biên, phía Tây Nam giáp đê sông Hồng; phía Đông Nam giáp xã Thạch Bàn. Sân bay có hai cổng: Cổng phía Đông thông ra đường số 5, gần thôn Sài Đồng và cổng phía Tây Bắc thông ra thị trấn Gia Lâm và được canh gác nghiêm ngặt. Sân bay Gia Lâm là căn cứ không quân lớn của địch, nơi máy bay địch xuất phát đánh hậu phương của ta, chi viện các cuộc tiến công và tiếp tế cho các mặt trận trên chiến trường Bắc Đông Dương.
Tại thời điểm đó, địch bố trí lực lượng bảo vệ sân bay rất hùng hậu, có pháo binh, xe tăng, tàu chiến và hệ thống đồn bốt dày đặc. Bao bọc bên ngoài sân bay là nhiều lớp hàng rào thép gai, có cài mìn xen kẽ và hệ thống vành đai boong ke, đồn bốt bảo vệ. Ban ngày, thường xuyên có một tiểu đội lính Âu Phi mang theo chó béc giê đi tuần trên đường băng, xe bọc thép tuần tra ở rìa đường băng. Ban đêm, hệ thống đèn pha chiếu sáng khắp sân bay. Mỗi lần nghi ngờ quân ta hoạt động, địch cho máy bay lượn quan sát. Phía ngoài sân bay địch thường dùng từ hai đến ba xe bọc thép tuần tra từ đê sông Hồng qua Thạch Bàn ra quốc lộ 5 đến phố Gia Lâm rồi trở về. Ngoài ra, chúng còn bố trí lực lượng mật thám, chỉ điểm, hội tề, hương dũng thường xuyên sục sạo vào các làng xã xung quanh để nắm tình hình hoạt động của ta.
Kế hoạch bí mật
Việc tiêu diệt sân bay Gia Lâm là một trong những yêu cầu và thách thức lớn đối với ta lúc đó. Vì ở thời điểm này, vũ khí trang bị của ta còn hạn chế, trình độ kỹ, chiến thuật còn yếu. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ sân bay của địch đông, tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt, khiến quân ta rất khó tiếp cận mục tiêu. Để đánh được sân bay, ta chọn phương pháp dùng tình báo bí mật tiếp cận, vẽ sơ đồ bố phòng, nắm quy luật tuần tra và tổ chức lực lượng tại chỗ để tiêu diệt.
Đại tá Hà Mai kể lại những câu chuyện về Tình báo Quốc phòng ngày đầu thành lập và sau ngày Toàn quốc kháng chiến.
Đại tá Hà Mai bồi hồi kể lại: Cuối tháng 8.1946, đồng chí Nguyễn Hồng Dân với bí danh Nguyễn Hồng, được bố trí ở tại nhà một người phụ hồ trong sân bay. Nguyễn Hồng đã nhanh chóng hòa nhập vào đời sống của phu thợ. Nguyễn Hồng dần dần khơi dậy tinh thần yêu nước trong những người dân phu. Dần hiểu được nhiệm vụ của Nguyễn Hồng, những người dân phu đã bí mật giúp anh tìm hiểu sân bay. Một viên thầu xây dựng được Nguyễn Hồng giác ngộ đã tạo điều kiện để anh vào được sân bay dễ dàng. Thậm chí, dưới vỏ bọc công nhân quét dọn, Nguyễn Hồng còn leo cả lên những chiếc máy bay Đa-cô-ta, xác định số lượng, vị trí đỗ từng máy bay.
Sau một thời gian, Nguyễn Hồng đã thuyết phục được một viên thư ký phi trường, giúp anh hiểu thêm về sơ đồ các miệng cống, là chỗ có thể đi qua, đột nhập vào trong sân bay. Cũng chính viên thư ký đã vẽ sơ đồ sân bay cho Nguyễn Hồng, để anh kiểm tra và vẽ lại cụ thể, tỉ mỉ hơn.
Đầu tháng 12.1946, Nguyễn Hồng cùng một đồng chí khác do cấp trên cử về xây dựng kế hoạch đánh sân bay. Kế hoạch này đã được đồng chí Bùi Huy Bê, Phó trưởng phòng xem xét, duyệt đi duyệt lại tới 3 lần. Theo phương án, Nguyễn Hồng sẽ dẫn tự vệ chui theo ống cống từ làng Gia Thụy để vào sân bay. Cống Gia Thụy dùng để thoát nước sân bay, nắp cống gần vị trí máy bay mà địch lại ít ngó ngàng. Để chắc ăn, Nguyễn Hồng từng chui thử một lần, thấy lòng cống rộng, tối tăm, bẩn thỉu, rất bảo đảm bí mật. Trong kế hoạch còn có thêm mũi đột kích 2 từ phía làng Lâm Du.
Tiếng “sét” trong đêm đông
Chiều 19.12.1946, cấp trên giao nhiệm vụ cho bộ phận đánh sân bay. Theo hiệp đồng, khi thấy pháo hiệu 2 tím, một đỏ bắn lên từ phía nội thành thì tiến công sân bay Gia Lâm. Nguyễn Hồng đóng vai một người đi bán rau, đàng hoàng vượt qua cầu Long Biên giữa bốn bề khám xét của thực dân Pháp. Tuy nhiên, chính vì sự khám xét ngặt nghèo này mà bộ phận đánh từ làng Lâm Du đã không vào được vị trí chiến đấu theo kế hoạch.
Đêm đó, anh em quyết tử cải trang thành người đi soi ếch, ém sẵn ở hồ Gia Thụy. Đến giờ, anh em chui vào cống ngầm. Các chiến sĩ quyết tử chui lên khỏi miệng cống, nhẹ nhàng đặt vũ khí áp vào từng máy bay rồi giật mìn. Những tiếng nổ bùng phát, quầng lửa sáng rực, trùm lên những chiếc máy bay. Sau đấy, bộ phận của Nguyễn Hồng còn nán lại xem kết quả rồi mới rút ra ngoài an toàn.
Hôm sau, đài quan sát của cấp trên thông báo: 3 máy bay của địch bị phá hủy hoàn toàn, sân bay Gia Lâm bị hư hỏng nặng. Chiến thắng này đã làm nức lòng quân dân ta, củng cố niềm tin vào đường lối kháng chiến lâu dài do Bác Hồ kêu gọi.
Đại tá Hà Mai kể tiếp: Sau trận đánh đó, nhờ có sơ đồ do đồng chí Nguyễn Hồng Dân và thông tin một số cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cung cấp nên quân ta đã hai lần tập kích sân bay Gia Lâm, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Ngày 25.1.1947 (tức ngày 3 Tết Đinh Hợi), Trung đội sơn pháo 75mm của chiến khu 10 đã cơ động gấp từ Phúc Yên về sau đê làng Vàng. Chiều 25.1.1947, pháo ta bất ngờ nhả đạn, phá hủy 2 máy bay, đốt cháy một kho xăng trong sân bay Gia Lâm.
Vào ngày 4.3.1954, bộ đội ta lại tập kích sân bay lần nữa. Sau khi nổ súng giết lính gác, dùng thủ pháo, bọc phá, lựu đạn đánh máy bay, kho xăng và các trại lính. Hàng loạt máy bay địch nổ tung, kho xăng bốc cháy sáng rực một góc trời. Quân ta nhanh chóng rút ra ngoài. Kết quả, ta huỷ 18 máy bay các loại, 1 kho xăng bị đốt, 16 tên địch bị diệt, ta bị thương nhẹ 2 người.
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Hà Mai cho biết, sau này đồng chí Nguyễn Hồng Dân tiếp tục công tác. Khi về hưu ông học nghề thuốc Đông y, trở thành một vị lương y giỏi.
Đại Dương (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.