Minh Nguyệt
Thứ bảy, ngày 29/10/2022 16:59 PM (GMT+7)
Hiện nay Quốc hội đã đồng ý với phương án tăng lương cơ sở của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, vì sao chỉ tăng lương cơ sở mà không cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đề xuất nên tăng lương từ 1/1/2023.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, Nghị quyết 28 ban hành năm 2018 đề ra nhiệm vụ cần cải cách tiền lương, đưa tiền lương về đúng với giá trị thực, đáp ứng đời sống của người lao động. Tuy nhiên, thực tế, do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan nên đến giờ phút này công cuộc cải cách tiền lương vẫn chưa thể thực hiện.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng – Phó ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, bản chất của việc thực hiện cải cách tiền lương là trả lương theo vị trí việc làm - mang tính chất toàn diện, căn bản hơn. Tăng lương chỉ là điều chỉnh tiền lương.
“Một trong những nguyên tắc trả lương theo đề án cải cách tiền lương là không còn mức lương cơ sở mà trả trực tiếp bằng tiền, căn cứ vào vị trí việc làm, khối lượng công việc. Để thực hiện cải cách tiền lương, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn hơn và gắn liền với cải cách bộ máy, tinh giản biên chế” – ông Quảng cho biết.
Theo ông Quảng, về căn bản, cải cách tiền lương mang tính tổng thể hơn, nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì cần trước mắt điều chỉnh mức lương cơ sở.
Trước khó khăn mà lao động đang phải đối mặt do tiền lương thấp, không đủ đáp ứng đời sống tối thiểu, vừa qua Chính phủ đã đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/7/2023.
Tuy nhiên việc tăng lương cơ sở chỉ là giải pháp trước mắt nhằm điều chỉnh một phần tiền lương, giúp rút ngắn khoảng cách tiền lương với trượt giá chứ không phải cải thiện tiền lương hay đưa tiền lương về đúng giá trị thực.
Dù vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội việc tăng lương cơ sở cũng là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Với việc tăng lương cơ sở lên từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, nền tiền lương cơ sở sẽ tăng thêm 20%. Điều này góp phần cải thiện khó khăn của người lao động.
Theo ông Lê Đình Quảng nên tăng lương cho lao động 1/1/2023 thay cho 1/7/2023. Lý do là bởi hiện nay mức lương cơ sở đang quá thấp, đã 3 năm chúng ta chưa điều chỉnh lương cơ sở.
"Trước đây mức lương cơ sở được áp dụng chung cho cả cán bộ khu vực công chức, viên chức, doanh nghiệp. Nhưng năm 2013 thì tách ra, doanh nghiệp áp dụng lương tối thiểu vùng, còn công chức viên chức thì áp dụng lương theo Nghị định 66. Theo đó, tiền lương của cán bộ công chức tính trên hệ số nhân với lương cơ sở", ông Quảng nói.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó tới nay mức lương khu vực công và khu vực tư có nhiều khác biệt chênh lệch. Lương khu vực tư đang chạy nhanh hơn khu vực công. Vì thế cần sớm điều chỉnh lương cơ sở để tăng lương công chức, viên chức.
Ông Quảng cho rằng thường khi đề cập tới vấn đề tăng lương người ta sẽ nhắc tới 3 điều kiện. Căn cứ vào tình hình ngân sách nhà nước; thứ 2 chỉ số tăng trưởng CPI thứ 3 là tốc độ phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Nếu chiếu theo điều này thì các điều kiện tăng lương công chức viên chức đã khá "chín mùi".
"Đặc biệt do tình hình dịch Covid-19, 3 năm nay lương công chức viên chức không được tăng. Đời sống của cán bộ công chức đã rất khó khăn. Vì thế cần phải tăng lương sớm để giải quyết những khó khăn cho người lao động", ông Quảng nói.
Mặt khác cũng theo ông Quảng nên tăng lương từ 1/1/2023 thay vì tăng theo tiền lệ từ 1/7/2023 là bởi điều này cũng tạo thuận lợi cho những người hoạch định chính sách và tính toán cân đối ngân sách theo năm tài chính chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.