Tại sao Bộ NNPTNT lại gửi công điện khẩn đề nghị tỉnh Đồng Nai ngăn chặn nhập lậu gia cầm?

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 27/03/2024 13:54 PM (GMT+7)
Việc tỉnh Đồng Nai nhận được công điện khẩn của Bộ NNPTNT về việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm khiến nhiều người có phần bất ngờ, bởi Đồng Nai không phải là tỉnh biên giới như nhiều địa phương khác.
Bình luận 0

Công điện khẩn đề nghị Đồng Nai kiểm soát nhập lậu gia cầm

Ngày 22/3/2024, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có công điện khẩn số 2099/CĐ-BNN-TY gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc ngăn chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ NNPTNT nhận định, nhập lậu gia cầm là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Việc nhập lậu sẽ gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân và tác động xấu đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.

Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi gia cầm của cả nước. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi gia cầm của cả nước. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chia sẻ với báo Dân Việt, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, có chút bất ngờ khi nhận được thông tin về công điện khẩn.

Theo ông Công, Đồng Nai không phải là tỉnh biên giới, song là thủ phủ chăn nuôi gia cầm của cả nước. Công điện của Bộ NNPTNT có tính lưu ý cao, đề nghị Đồng Nai kiểm soát chặt việc vận chuyển, nhập lậu gia cầm vào địa bàn tỉnh. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm đang diễn biến phức tạp. 

"Việc lưu ý, đề nghị như thế cũng là cần thiết", ông Công chia sẻ.

Bộ NNPTNT vừa có công điện khẩn cho UBND tỉnh Đồng Nai về việc ngăn chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Bộ NNPTNT vừa có công điện khẩn cho UBND tỉnh Đồng Nai về việc ngăn chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhận định, có 3 tình huống có thể hình dung từ công điện của Bộ NNPTNT. Trước hết, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều nguồn khác nhau có thể đưa gia cầm về Đồng Nai, tìm cách tráo đổi, gắn mác gia cầm Đồng Nai rồi đưa đi tiêu thụ.

Thứ hai, việc kiểm soát không chặt, khiến dịch bệnh lây nhiễm, có khả năng tàn phá ngành chăn nuôi gia cầm trong tỉnh.

Cuối cùng, Đồng Nai có đơn vị đang chăn nuôi gia cầm xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc kiểm soát chặt dịch bệnh lây lan là cần thiết.

Đồng Nai kiểm soát chặt nhập lậu gia cầm

Tính đến tháng 2/2024, tổng đàn gia cầm Đồng Nai ước tính hơn 25,9 triệu con, tăng 1,18% so cùng kỳ. Trong đó, đàn gà hơn 23 triệu con, tăng 1,76%. Đàn gà tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, các trang trại đã chủ động tăng đàn.

Khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh nên đảm bảo chất lượng sinh trưởng vật nuôi.

Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt ở Đồng Nai đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Sản lượng thịt gia cầm 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 33.300 tấn, tăng 0,75%. Trong đó, sản lượng thịt gà ước đạt hơn 29.300 tấn, tăng 0,86% so cùng kỳ.

Đồng Nai đang kiểm soát chặt nguy cơ với dịch bệnh cúm gia cầm ở các vùng chăn nuôi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đồng Nai đang kiểm soát chặt nguy cơ với dịch bệnh cúm gia cầm ở các vùng chăn nuôi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Trường Giang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, về việc phân vùng nguy cơ với dịch bệnh cúm gia cầm, toàn tỉnh có 7/14 huyện, thành phố có nguy cơ thấp, có 4 huyện nguy cơ cao.

Tuy nhiên, tình hình dịch cúm gia cầm tại các địa phương có nguy cơ cao vẫn được kiểm soát tốt.

Cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch về phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Mục đích của kế hoạch nhằm chủ động phòng chống dịch, khống chế, dập tắt dịch từ khi mới phát hiện và và còn ở diện hẹp; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh nhằm đảm bảo sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân.

"Với công điện mới đây, Bộ NNPTNT tập trung chỉ đạo đối với ngành Quản lý thị trường và Công an tỉnh. Trước đó, Bộ NNPTNT đã có công văn cho nhiều tỉnh về việc kiểm soát gia cầm nhập lậu", ông Giang nói.

Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có tổng đàn gia cầm lớn. Việc lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào khiến nguy cơ lây nhiễm cao cho đàn gia cầm trong tỉnh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cúm gia cầm cho người là rất cao.

Hiện tại, Đồng Nai đang nỗ lực triển khai theo các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Đồng Nai đã lập tổ công tác, gồm lực lượng 389, quản lý thị trường, công an cùng các ban ngành chức năng của Sở NNPTNT.

"Đồng Nai tăng cường triển khai tại các đầu mối giao thông, các chốt chặn để kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện gia cầm nhiễm dịch sẽ tiêu hủy", ông Sinh cho biết.

Cuối tháng 2, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Việc chủ động phòng chống dịch nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, đảm bảo sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việc chủ động phòng chống dịch nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, đảm bảo sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đồng Nai là địa phương có quy mô chăn nuôi lớn, việc phòng chống dịch bệnh phải luôn được tập trung thực hiện vì để xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Năm 2023, Đồng Nai không xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cũng như sức khỏe cộng đồng.

Năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục lưu ý, công tác phòng ngừa phải chú trọng ở tất cả các khâu từ tiêu độc khử trùng; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; quản lý vận chuyển, hoạt động kinh doanh. Trong đó, công tác quản lý, kiểm tra giết mổ, vận chuyển, mua bán sản phẩm chăn nuôi cũng phải được kiểm soát và tăng cường quản lý, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

UBND cũng đề nghị các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngày 23/3, một bệnh nhân 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung (TX.Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà) được xác định tử vong vì dương tính với cúm A/H5N1. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014, sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người. Tuy nhiên, virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem