Nhập lậu gia cầm diễn ra ngang nhiên: Không kiểm soát được thì chăn nuôi trong nước chỉ có nước... chết

Thiên Hương Thứ ba, ngày 17/10/2023 17:29 PM (GMT+7)
Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng rất cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ.
Bình luận 0
Tình trạng nhập lậu gia cầm diễn ra ngang nhiên, số lượng lớn, thủ đoạn phức tạp - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý nhiều vụ buôn lậu gia cầm, nhất là gia cầm giống từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới rất lớn, lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới.

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục..., ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. 

 Thông tin trên được đưa ra tại "Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững", do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì. Dự hội nghị còn có đại diện Bộ Quốc phòng, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Ban chỉ đạo 389, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài chính, các tỉnh biên giới, các hiệp hội, doanh nghiệp chăn nuôi và khoảng 50 cơ quan báo chí.

Buôn lậu gia cầm giống, gà thải loại rất lớn, thủ đoạn phức tạp

Tình trạng nhập lậu gia cầm diễn ra ngang nhiên, số lượng lớn, thủ đoạn phức tạp - Ảnh 2.

"Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững", với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, xác định là địa bàn trọng điểm có buôn lậu hàng giả, các cấp các ngành của tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chống buôn lậu hàng giả, thu hút doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. 

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã xử phạt vi phạm hành chính trên 214 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính, gồm: 101.800 con gà vịt giống, 8.532 kg sản phẩm từ gia cầm các loại (1.732 kg chân gà, 270 kg đùi gà bảo quản đông lạnh, 4.000 kg vịt thịt nguyên con đã qua giết mổ bảo quản đông lạnh, 2.530 chân gà đóng túi hút chân không).

Thủ đoạn hoạt động là lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng khu vực biên giới để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã biên giới, sau đó vận chuyển bằng xe máy theo các tỉnh lộ, quốc lộ 1A về các tỉnh nội địa tiêu thụ. Tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới, chủ yếu là khu vực biên giới huyện Lộc Bình.

Tình trạng nhập lậu gia cầm diễn ra ngang nhiên, số lượng lớn, thủ đoạn phức tạp - Ảnh 3.

Ông Lê Trọng Đảm - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, gà, vịt giống lậu đã được đưa vào Việt Nam bằng cả đường bộ thông qua các đường mòn, lối mở ở biên giới phía Bắc và đường biển từ nhiều năm qua.

"Thủ đoạn của các đối tượng rất manh động, thậm chí còn đâm xe vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Nắm bắt tình hình, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, cấp huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Từ đó, tình hình buôn lậu xuyên biên giới đã giảm rõ rệt" - ông Quỳnh thông tin. 

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin: Từ phản ánh của bạn đọc, người chăn nuôi, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NNPTNT, trực tiếp là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian qua Báo đã dành nhiều thời gian, công sức thực hiện các loạt bài điều tra về nhập lậu gia súc, gia cầm. Qua đó đã lật tẩy các mánh khóe, thủ đoạn của các đầu nậu nhằm qua mặt lực lượng chức năng, đưa gia súc lớn vào Việt Nam, bất chấp dịch bệnh, đe dọa ngành chăn nuôi trâu, bò trong nước.

Tại tỉnh Long An, chỉ riêng địa bàn xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, ống kính của phóng viên ghi lại được có những đêm hàng trăm con lợn thịt được vận chuyển bằng sà lan qua kênh Cái Cỏ vào Việt Nam. Thậm chí, có đầu nậu còn cung cấp cả chất cấm salbultamol cho lợn ăn kèm để tạo nạc.

Tình trạng nhập lậu gia cầm diễn ra ngang nhiên, số lượng lớn, thủ đoạn phức tạp - Ảnh 4.

Lực lượng liên ngành phối hợp bắt giữ giống gia cầm lậu.

Riêng đối với giống gia cầm (gà, vịt) nhập lậu, từ tháng 8/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã cử nhiều nhóm phóng viên chia thành nhiều mũi để thâm nhập, bóc gỡ các đường dây vận chuyển gà, vịt nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. 

Ông Đảm nói: Phải thừa nhận rằng, gà, vịt giống lậu đã được đưa vào Việt Nam bằng cả đường bộ thông qua các đường mòn, lối mở ở biên giới phía Bắc và đường biển từ nhiều năm qua. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng nhìn chung tình trạng nhập lậu con giống gia cầm vào nước ta không thuyên giảm, thậm có có thời điểm còn gia tăng. Số lượng vận chuyển mỗi chuyến hàng lên tới cả vạn con. 

"Gia cầm nhập lậu thì không giấy tờ, không công khai nguồn gốc, không phân biết được đâu là giống gà nội, gà nhập lậu... Qua điều tra chúng tôi còn nhận thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý của các chốt kiểm dịch. Đơn cử, tại chốt kiểm dịch liên ngành trên quốc lộ 1A, đoạn đường vào chợ gia cầm giống Đại Xuyên, các xe chở gia cầm giống không hề được kiểm tra, hoặc kiểm tra hình thức rồi được đi tiếp" - ông Đảm cho hay. 

Gà "4 không" đè nặng lên chăn nuôi gia cầm trong nước 

Báo cáo về tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và công tác chỉ đạo, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh động vật, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký 2 Công điện chỉ đạo cụ thể như Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam; Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 1/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Nông nghiệp và PTNT thường xuyên, liên tục ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các Đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc triển khai của các địa phương còn rất nhiều hạn chế, dẫn đến số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, khiến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

Tình trạng nhập lậu gia cầm diễn ra ngang nhiên, số lượng lớn, thủ đoạn phức tạp - Ảnh 6.

Lực lượng chức năng thu giữ giống gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Để giải quyết tình hình trên, Cục Thú y đề nghị đề nghị Bộ Công an tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Đề nghị Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.

Đề nghị Tổng cục Hải quan Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới trong phạm vị địa bàn quản lý của Hải quan.

Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép.

Tình trạng nhập lậu gia cầm diễn ra ngang nhiên, số lượng lớn, thủ đoạn phức tạp - Ảnh 7.

Theo VIPA, tình trạng buôn lậu gia súc gia cầm diễn biến phức tạp nhất trong những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và ngước ngoài.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có nhiều chia sẻ thẳng thắn. Ông Sơn chỉ rõ: Tình trạng buôn lậu gia súc gia cầm diễn biến hết sức phức tạp từ nhiều năm nay, nhất là những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và ngước ngoài. Lâu nay vẫn tồn tại các đường dây buôn lậu rất lớn trong từng gành hàng lợn, gia cầm, trâu bò. Hậu quả là gây nên ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của gia cầm trong nước với sản phẩm nhập lậu. Làm sao chăn nuôi chân chính cạnh tranh được với gà "4 không"? 

Theo ông Sơn, việc phòng chống buôn lậu phải làm thường xuyên liên tục chứ không chỉ làm từng đợt cao điểm. Phải đụng chạm đến đường dây buôn lậu lớn thì mới thức tỉnh được dư luận.  

Đồng tình với điều này, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đặt câu hỏi: Lâu nay có bệnh truyền nhiễm nào xuất phát từ Việt Nam không? Mấy chục năm làm trong ngành chăn nuôi, tôi nhận thấy dịch bệnh đều là từ các nước khác vào, từ con đường nhập khẩu. An toàn thực phẩm cũng tương tự như vậy, phải tôn trọng quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng. Rất nhiều sản phẩm lòng mề, phụ phẩm đông lạnh từ các nước khác tràn vào không đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng chúng ta vẫn ăn. 

"Nếu không kiểm soát được thì làm sao bảo vệ được thị trường, mà không bảo vệ được thì "chết". Việc phòng chống sản phẩm nhập lậu chắc chắn là khó và phức tạp, nhưng rõ ràng phải kiểm soát tốt không chỉ ở cửa khẩu, ở biên giới mà kiểm soát trong nước cũng quan trọng không kém. Nếu không làm tốt thì chỉ khổ người chăn nuôi trong nước..." - ông Dương nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem