Cục Chăn nuôi: Nông hộ nhỏ không trụ được phải chấp nhận chuyển đổi nghề

Minh Huệ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 16/07/2022 20:00 PM (GMT+7)
Bức tranh ngành chăn nuôi đang hình thành 2 phần rõ rệt: Hộ chăn nuôi nhỏ ngày càng teo tóp, chết dần, còn các doanh nghiệp ngày càng mở rộng đàn vật nuôi. Đứng đầu bảng hiện nay là doanh nghiệp FDI, dẫn đến sự lo ngại họ sẽ chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, thao túng giá thịt.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Hộ chăn nuôi nhỏ không trụ được phải chấp nhận chuyển đổi nghề

Thưa ông, vừa qua Báo Dân Việt đã triển khai loạt bài Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí, phản ánh những khó khăn, bí bách của người chăn nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Ông có nhận định gì về điều này?

-Chúng tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của người chăn nuôi, ảnh hưởng nặng nề nhất là những hộ nuôi lợn. Nhưng trong bối cảnh chung của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao nên rất khó.

Cục Chăn nuôi: Nông hộ nhỏ không trụ được phải chấp nhận bỏ cuộc chơi, chuyển đổi nghề - Ảnh 1.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Dân Việt

Hiện chiến sự giữa Nga – Ukraine vẫn đang căng thẳng, trong khi 2 nước này đang chiếm tới 20% sản lượng ngô, 30% lúa mì, 90% sản lượng hạt hướng dương của thế giới.

Tín hiệu đáng mừng là mấy ngày nay, giá lợn hơi tăng lên, người dân đang có tâm lí mong muốn tái đàn. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao nên đối với người chăn nuôi nhỏ, sẽ còn rất nhiều khó khăn.

Hiện đối với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, giá thành nuôi lợn vào khoảng 55.000 đồng/kg hơi, còn người chăn nuôi nhỏ phải hơn 60.000 đồng/kg hơi. Do đó nông hộ nhỏ sẽ phải tìm cách giảm chi phí hoặc nếu thua lỗ mãi, không bám trụ được thì phải chấp nhận chuyển đổi nghề.

Vấn đề này, Bộ NNPTNT đã khuyến cáo rất nhiều lần, tổ chức nhiều hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, một là bà con phải chuyển sang chăn nuôi con đặc sản, gia cầm, hoặc gia súc ăn cỏ để giảm cạnh tranh về mặt thức ăn, đồng thời tận dụng được phế phụ phẩm trong nông nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, sớm muộn những hộ nhỏ lẻ sẽ phải chấp nhận hi sinh, nhường cuộc chơi cho doanh nghiệp lớn, ông nhận định như thế nào?

-Đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế. Ở những nước châu Âu có nền chăn nuôi hiện đại, họ cũng phải trải qua quá trình đó. Chúng ta đi sau, đi tắt đón đầu nên dễ dàng tiếp thu, học hỏi trình độ khoa học công nghệ của thế giới. Chính điều đó lại thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Trước đây, năm 2016, cả nước có hơn 4 triệu hộ chăn nuôi lợn, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 2,2 triệu hộ và sẽ còn giảm nữa.

Đối với chăn nuôi gà thì sao, thưa ông?

-Các hộ nuôi gà thì có thể duy trì tốt hơn, bởi gà quay vòng vốn nhanh hơn con lợn, vốn đầu tư cũng ít hơn. Thêm nữa, với các gia đình ở nông thôn, nuôi vài chục con gà phục vụ nhu cầu của gia đình không có gì khó khăn. Việc nuôi gà với quy mô nhỏ cũng không bị áp lực quá lớn về thức ăn chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại… Do đó, số lượng hộ chăn nuôi gà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.

Nếu khuyến cáo những hộ nuôi lợn chuyển sang gia súc ăn cỏ, sau này thị trường lại dư thừa thì sao, thưa ông?

-Hiện nay thị trường vẫn đang thiếu các sản phẩm thịt, sữa, hàng năm vẫn thường phải nhập khẩu một lượng lớn thịt bò, trâu, sữa. Bên cạnh đó, nhu cầu các loại thực phẩm này tăng lên hàng năm. Do đó, Bộ NNPTNT cũng khuyến cáo bà con chăn nuôi có thể chuyển 1 phần sang nuôi gia súc ăn cỏ, để giảm áp lực cạnh tranh lên thức ăn chăn nuôi công nghiệp, thức ăn tinh bột.

Thứ 2, đối với chăn nuôi gia súc ăn cỏ, nông dân Việt Nam rất có kinh nghiệm, kiểm soát dịch bệnh rất tốt chứ không như con lợn hay gia cầm.

Thứ 3, Việt Nam có lợi thế lớn về đồng cỏ, cộng với 43 triệu tấn rơm/năm, chưa kể các nguồn phụ phẩm khác như cám gạo, cám ngô, bã sắn, thân cây ngô, đậu, khoai, mía… Những phụ phẩm này đều có thể chế biến làm thức ăn chăn nuôi rất tốt.

Ông có thể nhận định nửa năm còn lại, ngành chăn nuôi sẽ có những biến động như thế nào?

-Tôi nghĩ sẽ không có nhiều biến động lớn. Hiện nay, giá lợn hơi đang tăng sát mức 70.000 đồng/kg. Với mức giá lợn hơi này thì người nông dân đã có lãi, giúp họ có động lực duy trì sản xuất. 

Thêm vào đó, hiện nay Bộ NNPTNT đã công bố sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi, thì những hộ có khả năng về vốn sẽ mạnh dạn vào đàn, góp phần cung ứng sản lượng thịt cho người tiêu dùng.

Cục Chăn nuôi: Nông hộ nhỏ không trụ được phải chấp nhận bỏ cuộc chơi, chuyển đổi nghề - Ảnh 3.

Dự báo giá thức ăn chăn nuôi từ nay đến cuối năm 2022 sẽ vẫn ở mức cao. Ảnh: T.L

Trước những khó khăn của người chăn nuôi do chi phí đầu vào tăng cao suốt nhiều tháng qua, nhiều chủ trang trại nợ đại lí cám hàng tỷ đồng và không có khả năng trả nợ, Bộ NNPTNT có giải pháp nào để hỗ trợ nông dân giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về vốn?

-Bộ NNPTNT đã báo cáo, tham mưu với Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội tìm giải pháp hỗ trợ bà con vốn vay, lãi suất ngân hàng.

Trong khi các hộ chăn nuôi ngày càng teo tóp, chết dần thì các doanh nghiệp ngày càng mở rộng đàn vật nuôi. Trong đó, đứng đầu bảng các doanh nghiệp lớn nhất hiện nay đều là doanh nghiệp FDI, dẫn đến sự lo ngại các DN này sẽ chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, thao túng giá thịt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

-Thực tế các doanh nghiệp FDI hiện nay đang hoạt động đúng theo luật pháp Việt Nam. Chúng ta đã tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi, các doanh nghiệp cam kết hoạt động theo luật, cũng như bảo vệ môi trường. Ví dụ khi bán 1 con gà, họ phải trả mấy trăm đồng phí bảo vệ môi trường.

Thêm nữa, Luật Cạnh tranh đã quy định các công ty này không được vượt quá 30% tỷ trọng ở bất kì sản phẩm nào. Thực tế hiện nay chưa có doanh nghiệp nào vượt qua ngưỡng đó nên không có gì phải lo ngại.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem