Cúm B khiến 700 người mắc, 1 người tử vong ở Bắc Kạn nguy hiểm đến mức nào?

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 29/10/2022 06:21 AM (GMT+7)
Ổ dịch cúm B tại huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) khiến hơn 700 người mắc, chủ yếu là học sinh và đã có 1 trẻ tử vong. Cúm B là chủng cúm mùa phổ biến ở Việt Nam. Bệnh hầu hết tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp biến chứng nguy hiểm.
Bình luận 0

Cúm B là gì?

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm B là một dạng của virus cúm, cúm B cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và có thể lây truyền quanh năm.

Virus gây bệnh cúm ở người được chia làm 3 chủng cúm A, B, C. Trong đó, cúm A là loại cúm rất phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người.

Các đại dịch cúm trong lịch sử phần lớn do chủng cúm A gây ra, như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1… Cúm C có hiểu hiện bệnh rất nhẹ, ít lây nhiễm ở người.

Cúm B khiến 700 người mắc, 1 người tử vong ở Bắc Kạn nguy hiểm đến mức nào?   - Ảnh 1.

Cúm B nói riêng và cúm mùa nói chung thường gia tăng vào các giai đoạn giao mùa. Ảnh minh họa freepik

Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền qua động vật như cúm A. Triệu chứng cúm B thường nhẹ và ít nguy hiểm hơn khi so sánh với các biểu hiện của bệnh cúm A. Hai loại cúm này cũng đồng thời kết hợp và gây nên bệnh cúm mùa hàng năm.

Ngày 28/10, Cục Y tế dự phòng cho biết, 5/7 mẫu bệnh phẩm dịch họng và huyết thanh học của trẻ bị sốt ở Bắc Kạn đã được thu thập và chuyển về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm là dương tính cúm tuýp B;

Đây là 1 trong 2 chủng cúm mùa (A, B) thường lưu hành trên thế giới và tại Việt Nam. Theo kết quả xét nghiệm ban đầu có thể xác định đây là dịch cúm B, thường xảy ra vào thời điểm mùa thu - đông.

Trước đó, UBND huyện Chợ Đồn cho biết, tính đến 12h ngày 27/10, ổ dịch cúm tại huyện Chợ Đồn đã ghi nhận 736 trường hợp, trong đó có 667 trường hợp tập trung chủ yếu tại các trường Mầm non, Tiểu học Thị trấn Bằng Lũng, Trường PT Dân tộc Nội trú huyện Chợ Đồn; 1 trường hơp tử vong.

Hiện còn 70 bệnh nhi đang điều trị tại các cơ sở y tế, các bệnh nhi không có biểu hiện nặng.

Chủng cúm tuýp B chỉ có thể gây bệnh cúm thông thường, không gây ra đại dịch. Tuy không phổ biến như cúm A và ít có khả năng gây dịch, nhưng bệnh cúm gây ra bởi virus cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với các nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, có bệnh lý nền mạn tính:

-Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào nếu mắc cúm cũng có thể sinh non hoặc sảy thai.

-Trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính về chuyển hoá, tim, phổi, thận…

-Người bị suy giảm miễn dịch: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp..

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, các số liệu giám sát trọng điểm hội chứng cúm cho thấy các virus cúm lưu hành quanh năm ở Việt Nam, với tỉ lệ dương tính với virus cúm hàng năm khoảng 21% trong tổng số trường hợp hội chứng cúm đến khám và được lấy mẫu tại các điểm giám sát trọng điểm.

Tỷ lệ dương tính với virus cúm ở các bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) và bệnh nhân viêm phổi nặng nghi do virus dao động trong khoảng từ 12% đến 17%.

Kết quả xét nghiệm hàng năm cho thấy virus cúm lưu hành quanh năm bao gồm các tuýp virus cúm A(H1N1), A(H3N2), virus cúm B thuộc cả 2 dòng Victoria và cúm B dòng Yamagata.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 20 - 30% trẻ em và 5 - 10% người lớn mắc bệnh cúm; trung bình các vụ dịch cúm gây bệnh cho khoảng 500 - 800 triệu người/năm, trong đó khoảng 5 triệu trường hợp bị bệnh cúm nặng và 250.000 -500.000 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Tỷ lệ mắc các chủng cúm cùng dao động từng năm. Có năm cúm A chiếm ưu thế nhưng có năm cúm B chiếm ưu thế.

Cúm B khiến 700 người mắc, 1 người tử vong ở Bắc Kạn nguy hiểm đến mức nào?   - Ảnh 3.

Trẻ em thường dễ mắc cúm A, cúm B và các bệnh đường hô hấp do sức đề kháng kém. Khi mắc cúm thì bệnh cũng dễ bị biến chứng nặng hơn người lớn. Ảnh minh họa weillcornell

Cúm B có thể gây biến chứng nguy hiểm gì?

Theo các chuyên gia y tế, cúm A/H1N1, cúm B, cúm A/H3N2 đều là các loại cúm thông thường và ít khi đe dọa đến tính mạng. Hầu hết các bệnh nhân bị cúm chỉ cần uống thuốc giảm sút và tự khỏi.

Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp biến chứng từ cúm gây tử vong, đặc biệt là ở những bệnh nhân có bệnh mãn tính, người già, trẻ em, thai phụ.

Biến chứng nguy hiểm thường gặp ở cúm là viêm phổi hoặc làm nặng thêm các vấn đề mãn tính khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim. Cúm cũng có thể gây viêm não, tim hoặc cơ bắp của bệnh nhân, dẫn đến nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.

"Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Hầu hết các bệnh nhân cúm đều tự khỏi sau 2-7 ngày.

Tuy nhiên, với người già, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu… có thể diễn biến nặng, biến chứng viêm phổi và có thể tử vong. Người dân nên chủ động phòng cúm cho mình bằng cách đi tiêm vaccine phòng cúm", PGS Trần Đắc Phu, chuyên gia y tế dự phòng, Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết thêm.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em dễ mắc các loại cúm và các bệnh đường hô hấp hơn người lớn vì sức đề kháng kém.

Các biểu hiện ban đầu thường là sốt, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, chán ăn, mệt mỏi. Sau đó là các biểu hiện ngạt mũi, ho, chảy nước mũi. Đối với trẻ nhỏ còn có thêm triệu chứng đau tai, đau họng, sưng hạch, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy, nôn…

Theo PGS Dũng cũng khẳng định, biện pháp tốt nhất để tránh cúm hiện nay là tiêm phòng vaccine phòng cúm hàng năm.

Cúm B khiến 700 người mắc, 1 người tử vong ở Bắc Kạn nguy hiểm đến mức nào?   - Ảnh 4.

Tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng các loại cúm. Ảnh minh họa Today

Các triệu chứng mắc cúm mùa trong đó có cúm B

"Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm thường đến đột ngột. Những người bị bệnh cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:

- Sốt hoặc cảm thấy sốt / ớn lạnh

- Ho

- Viêm họng

- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

- Đau nhức cơ hoặc cơ thể

- Nhức đầu

- Mệt mỏi

- Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn

Virus cúm thường gây bệnh nhiều nhất vào những tháng lạnh hơn trong năm. Tuy nhiên, bệnh cúm cũng có thể xảy ra ngoài mùa cúm điển hình. Ngoài ra, các loại virus khác cũng có thể gây bệnh đường hô hấp tương tự như bệnh cúm.

Vì vậy, không thể biết chắc chắn bạn có bị cúm nếu chỉ dựa vào các triệu chứng. Nếu bác sĩ cần biết chắc chắn liệu bạn có bị bệnh cúm hay không, thì có thể thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán cúm"

Bác sĩ Xuân Anh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân đội 108

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem