“Cúng dường online làm xơ cứng, chai sạn… những giá trị nhân văn của việc lễ chùa”

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 25/02/2021 15:12 PM (GMT+7)
PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, việc cúng dường, lễ bái online sẽ làm xơ cứng, chai sạn… đi những giá trị nhân văn của hoạt động lễ chùa.
Bình luận 0

Trước câu chuyện nhận cúng dường, phát tâm công đức làm lễ cầu an của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang gây tranh cãi chưa hồi kết, Dân Việt có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hoà Bình dưới bình diện của một chuyên gia xã hội học.

Dưới góc độ xã hội học, ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện liên quan đến việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương nhận cúng dường và công đức làm lễ cầu an qua ví điện tử gây nhiều ý kiến trái chiều vừa qua?

Thực ra, việc cúng dường và cầu an – giải hạn online thì thời gian qua rất nhiều chùa đã triển khai. Kể cả những người theo chủ thuyết duy vật biện chứng, duy vật lịch sử… thì cũng đã đi theo kênh đó. Tức là việc theo đuổi các giá trị tâm linh trực tuyến đã dần trở nên phổ biến trong xã hội. Trong thời buổi kinh tế thị trường, những hoạt động như thế của nhà chùa cũng xuất hiện dưới dạng dịch vụ.

“Cúng dường online sẽ làm sơ cứng, chai sạn… những giá trị nhân văn của việc lễ chùa” - Ảnh 1.

PGS.TS Trịnh Hoà Bình.

Nhìn nhận các hoạt động tôn giáo nói trên dưới góc nhìn xã hội học thì thấy đó thuần tuý là những hoạt động nghề nghiệp. Và đã là nghề nghiệp (chưa bàn đến chuyện dịch Covid-19) đặt trong đặc trưng của xã hội hiện đại – kinh tế thị trường thì việc gặp trực tiếp hoặc không trực tiếp không sao, miễn người cung cấp dịch vụ nhận được giá trị tương xứng.

Ban đầu, có thể giá trị này được gọi bằng những thuật ngữ "cúng dường", "công đức"... nhưng dần dần chuyển hoá thành thù lao. Chúng ta có thể xem đó là một dạng thù lao của hoạt động tôn giáo – tâm linh.

Trong bức tranh hiện nay, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, chúng ta đã một phần thiết lập tình trạng mới. Trong đó, nổi rõ nhất là thực hành thông điệp 5K ở các lĩnh vực xã hội. Đặc biệt, các cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng cũng đóng cửa để đảm bảo phòng dịch. Đây được xem là "cú hích" cho cả hai phía (nhà chùa và người dân) để ra đời hình thức cầu an – giải hạn online và cúng dường qua ví điện tử.

Phải nói thêm rằng, không cứ chuyện cầu an – giải hạn mà ngay cả việc ma chay, cầu siêu… cho cha mẹ qua đời ở xa cũng tiến hành bằng hình thức trực tuyến và cúng dường điện tử. Tất nhiên, không dịch vụ nào cho không ai cả.

Với cách phân tích trần trụi như trên, hoạt động này cần phải bài xích, tẩy chay, phê phán… Nhưng mà khi điều này đã trở thành trở thành nhu cầu tâm linh đời thường của nhiều thành phần trong xã hội thì mặc nhiên nó sẽ được chấp nhận. Phàm ở đời, cái gì được cả cộng đồng cùng chấp nhận thì mặc nhiên nó sẽ hiện tồn. Cho nên không mấy người phản đối những chuyện thuộc về thói quen như thế cả.

Theo ông, liệu hoạt động này trở nên phổ biến có hạn chế dần thói quen đi lễ chùa của người dân và phai nhạt đi những nét văn hoá mang tính truyền thống trong xã hội ngày nay?

Điều này cũng giống như việc chuyển nguy thành cơ trong đời sống xã hội của chúng ta mà thôi. Người ta biến những điều không thuận lợi trong nghịch cảnh thành những thứ mới mẻ của đời sống. Nhân thể, phải nói luôn, đây là điều kiện để cho các nhà chùa hoặc tổ chức tôn giáo vươn "cánh tay" ra xa hơn.

Ví dụ, bình thường, những ngôi chùa lớn ở Hà Nội đâu cần vươn ra Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, TP.HCM… làm gì. Nhưng như mọi người biết, hiện nhiều ngôi chùa ở Hà Nội có thương hiệu rất mạnh thì dịp này sẽ có cơ hội vươn tay ra xa hơn.

“Cúng dường online sẽ làm sơ cứng, chai sạn… những giá trị nhân văn của việc lễ chùa” - Ảnh 3.

Hình ảnh hòm công đức có đặt biển để Phật tử cúng dường qua ví điện tử ở một ngôi chùa.

Nếu chúng ta chấp nhận việc lễ bái, cúng dường online trở thành một hình thức thể hiện của đời sống tâm linh hiện đại, thậm chí thừa nhận đó là nét văn hoá nghĩa là chúng ta đang cơ học hoá, vật lý hoá, điện tử hoá… câu chuyện nhân văn của văn hoá. Dĩ nhiên, hệ quả là chúng ta sẽ làm xơ cứng, chai sạn… dần những giá trị nhân văn của hoạt động lễ chùa. Điều này cũng giống như việc trẻ em chơi trò chơi điện tử nhiều, sử dụng ngôn ngữ điện tử nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ tự nhiên, đời thường.

Cho nên tôi vẫn nói rằng, sẽ không hay ho gì khi toàn thể xã hội đồng thuận với nhau "thôi, thế cũng được". Điều đó càng làm cho xã hội giảm thiểu đi những giá trị nhân văn, nhân bản. Vật lý hoá, hoá học đi những giá trị của con người. Việc giao tiếp giữa con người bị giảm. Rõ ràng, chúng ta nhận thấy thông qua giao tiếp xã hội thì đời sống xã hội mới nhuần nhuỵ lên, tạo ra các giá trị mới. Nếu thuần tuý chỉ là giao tiếp bằng hình thức "hoá – lý – cơ học" như vậy sẽ làm giảm đi rất nhiều giá trị thực.

Ông có nghĩ, hình thức cúng dường này sẽ tạo ra kẽ hở cho các cơ sở thờ tự lợi dụng để trục lợi?

Tôi nghĩ điều này là có. Nếu người ta không hạn chế, không tiết giảm câu chuyện nêu trên thì điều đó sẽ xuất hiện. Nếu chúng ta xem việc lễ chùa trực tiếp, cúng dường trực tiếp không tiện bằng cúng dường online thì các dịch vụ cung phái sinh sẽ tranh thủ đục nước thả câu.

Nhưng chúng ta không phải sợ xu hướng đó đâu. Xu hướng đó không thắng được xu hướng truyền thống – vốn có đâu. Trừ khi những người dòng chính trong Giáo hội Phật giáo biến điều đó thành lợi ích để kiếm tiền thì mới suy vi.

“Cúng dường online sẽ làm sơ cứng, chai sạn… những giá trị nhân văn của việc lễ chùa” - Ảnh 4.

Một buổi lễ cầu an online ở một ngôi chùa trong đợt dịch Covid-19 năm 2020.

Nhiều người vẫn lo ngại, một khi việc này trở nên phổ biến sẽ đẩy những giá trị ảo trong đời sống tâm linh đi quá xa. Có cách nào để hạn chế và kiểm soát điều này, thưa ông?

Điều mà chúng ta đang bàn ở đây là có thật. Khi đẩy thương mại hoá lên đến tuyệt đối sẽ đe doạ những giá trị nhân văn, nhân bản của đời sống xã hội. Nhưng ở đây, chúng ta phải nhìn nhận rằng, nhu cầu đó đang có thật và đang được kích hoạt. Và khi nhu cầu còn tồn tại thì nguồn cung sẽ tìm cách đáp ứng.

Câu chuyện ở đây liên quan đến thể chế, triết lý, triết học… trong đời sống để người dân không bị nhu cầu cơ học lôi kéo, dồn ép, xô đẩy và con người ta càng ngày càng rời xa những giá trị thực.

Giải pháp ở đây là đồng bộ từ tuyên truyền cho đến quản lý nhà nước. Cần phải có việc tuyên truyền để xây dựng đạo đức của con người trong thời kỳ mới. Cái này không thể xuống tay bằng các hình thức xử phạt trong một sớm, một chiều.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem