Cựu cán bộ đoàn đam mê mây tre lá

Thuận Hải Thứ năm, ngày 13/11/2014 16:12 PM (GMT+7)
Đến với việc sản xuất, kinh doanh mây tre lá một cách rất tình cờ, ấy thế mà sau nhiều năm gắn bó, anh cán bộ đoàn Lê Văn Quyết năm nào, hay còn gọi là Tư Quyết, giờ được nhiều người biết đến với nghề mây tre lá.
Bình luận 0

Công việc của anh hiện không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn đem lại công ăn việc làm cho gần 100 hộ dân khác trong vùng. Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Quyết còn là một “cây thể thao” tài năng, bởi theo anh, để làm việc tốt thì phải khỏe.

Tình cờ... mây tre lá

Tôi hẹn đến thăm cơ sở sản xuất mây tre lá Tư Quyết (ở ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM) một ngày đầu tháng 11. Người ướt đẫm mồ hôi, anh Quyết mời tôi vào nhà nói chuyện. Căn phòng làm việc chưa đầy 20m2 treo đầy bằng khen, cúp, giải thưởng các loại.

imgCăn phòng nhỏ đầy bằng khen, giải thưởng của anh Tư Quyết.

Với tay lấy cái mẫu thuyền thúng còn dang dở, anh Quyết vừa giới thiệu sản phẩm, vừa kể chuyện cái duyên với nghề của bản thân. Bén duyên với sản xuất các mặt hàng mây tre lá từ những năm 2000, khi Tư Quyết nhận lời thách đấu của một người bạn về việc đan 3 cái rổ tre nhỏ xíu. Tưởng dễ, mà lại không dễ! Cầm 3 cái rổ tre về nhà trong niềm háo hức, tinh thần "háu đá" đúng chất cán bộ đoàn thời bấy giờ, anh Quyết không ngờ công việc này không hề dễ dàng như anh nghĩ. Vật vã mấy ngày không xong, anh quyết tâm đi học đan rổ rá một cách bài bản.

Nói là làm, Tư Quyết đạp xe sang Thái Mỹ - địa phương vốn có nghề mây tre lá truyền thống từ nhiều năm trước, để học nghề. Sáng sáng qua xem cô bác trong làng làm mẫu, chiều về nhà, Tư Quyết tự chẻ tre, vót nan và cặm cụi đan. Cuối cùng, những chiếc rổ cũng thành hình. Say đà chiến thắng, Tư Quyết làm tới luôn với đơn đặt hàng đầu tiên từ một người bạn. Tưởng thành công, ai dè, 100 chiếc rổ tre do anh cất công thực hiện lại bị khách hàng trả về quá nửa. Lỗ mất 1 chỉ vàng!

Bù lại, cũng từ cú lỗ đầu tiên đó mà Tư Quyết có cái nghề mới, là mây tre lá.

“Ăn thua ngựa chạy đường dài!”

Quyết tâm khắc phục lỗi sai trên những sản phẩm bị trả về, Tư Quyết rút ra được nhiều kinh nghiệm hay cho việc sản xuất mây tre lá. Dần dần, anh tạo ra được những sản phẩm tinh xảo hơn. Tỷ lệ sản phẩm bị khách hàng trả về của Tư Quyết cũng không còn nhiều. Tuy thế, những năm đầu mới vào nghề, đơn hàng anh Quyết thực hiện xong, giao cho các cơ sở chỉ để lấy khoản lời 10.000 – 12.000 đồng. Ấy thế nhưng nhờ chăm chỉ, siêng năng, mỗi tháng anh Quyết cũng kiếm được xấp xỉ 300.000 đồng, khá hơn chút đỉnh so với việc đi làm công cho người khác. Anh bảo, ban đầu khó khăn nhưng ăn thua là “ngựa chạy đường dài”, phải kiên trì may ra mới thành công.

Đến năm 2004 – 2005, nhờ có kinh nghiệm trong sản xuất, bán hàng, anh Quyết có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác. Anh bắt đầu mở rộng sản xuất, kinh doanh bằng cách liên kết với bà con trong vùng, đặt hàng nông dân thực hiện các công đoạn đơn giản.

Quan điểm
Anh Lê Văn Quyết
 Để sống được với nghề, phải có đam mê. Có đam mê mới thao thức hàng tháng trời thiết kế sản phẩm, rồi cặm cụi làm mẫu thử, giới thiệu đến khách hàng, rồi hướng dẫn bà con cùng sản xuất… 

“Để có được sản phẩm vừa ý người mua, mình phải hướng dẫn bà con từng chi tiết, kiểm tra cẩn thận các sản phẩm. Vì là sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên vừa phải đẹp vừa phải chất lượng” - anh Quyết chia sẻ. Đến nay, cơ sở sản xuất mây tre lá Tư Quyết mỗi năm xuất khẩu hơn 10.000 sản phẩm các loại sang thị trường Australia, Nhật, Hàn, Malaysia… Trước đây, lúc cao điểm, số lượng sản phẩm xuất khẩu của cơ sở Tư Quyết có thể lên đến 20.000 – 30.000 sản phẩm/tháng. Các sản phẩm như thuyền tre, xe đạp, con chuồn chuồn, con bướm, rổ, rá, thuyền thúng các loại… của anh được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Hỏi chuyện lợi nhuận, anh Quyết cho biết, mỗi năm, sau khi trừ các chi phí đầu tư, cơ sở Tư Quyết còn lại khoản lời hơn 150 triệu đồng. Khoản lợi nhuận không lớn, nhưng theo anh Quyết, việc kinh doanh của anh giúp bà con trong vùng cùng có công ăn việc làm. Hiện tại, có khoảng 60 – 70 hộ trong vùng là vệ tinh, hợp tác sản xuất hàng mây tre lá cho cơ sở Tư Quyết, từ những chị em phụ nữ ở xã Trung Lập Hạ cho đến người già, thanh niên ở Phước Thạnh, Thái Mỹ, Tân An Hội… “Làm mây tre lá không cần sức lao động nặng, chỉ cần chăm chỉ, cần cù và cẩn thận là được. Nhờ đó, mây tre lá giúp tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ lúc nông nhàn” - anh Quyết chia sẻ.

Sống phải có đam mê

Cùng với những khó khăn về thị trường, nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ mây tre lá ở hầu hết các địa phương đang ngày càng mai một. Nguồn nguyên liệu cũng dần cạn kiệt do các lũy tre làng trước đây đã bị đốn bỏ nhiều. Do đó, để sống được với nghề, bên cạnh lợi nhuận, phải có đam mê.

img

“Nhiều lần tui phải đánh xe ra tới Bắc Giang, Bắc Ninh hay lên tít Đăk Lăk, Đăk Nông… để tìm nguồn nguyên liệu, đồng thời, tìm người hợp tác thực hiện các đơn hàng. Làm nghề này, phải biết đi. Đi vừa để tìm mối hợp tác, vừa để tìm cảm hứng cho việc thiết kế các sản phẩm” - anh Quyết cười xòa.

“Hay như những lúc đi du lịch, nghỉ ngơi với gia đình, nhìn thấy những tiểu cảnh bài trí ở khu du lịch là mình phải để ý quan sát, từ đó lên ý tưởng thiết kế sản phẩm mới, theo thị hiếu của thị trường. Mình cũng phải liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm nữa” - anh Quyết tiếp lời.

Vừa nói, anh Quyết vừa cầm chiếc thuyền nhỏ trên tay, giới thiệu với người viết: "Như chiếc thuyền này, tui chế thành nhiều mẫu, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng để làm phong phú, đa dạng mẫu mã cho sản phẩm. Đối với các quán ăn, nhà hàng, tui chế thành cái ống để họ bỏ muỗng đũa hai bên, bỏ ớt tỏi ở giữa. Còn cho dân văn phòng thì mình thay đổi một tí, thành dụng cụ bỏ viết, bánh kẹo và các vật dụng văn phòng khác" - mắt Tư Quyết ánh lên niềm vui khó tả. Anh chia sẻ, có những sản phẩm anh phải thao thức hàng tháng trời mới hình thành. Sau đó, còn phải điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng của từng khách hàng. “Nếu không có đam mê, chắc phải bỏ nghề sớm!”-anh Quyết nói chắc nịch. Cũng nhờ luôn sáng tạo, đổi mới các mẫu mã thiết kế mà cơ sở mây tre lá Tư Quyết liên tục nhiều năm liền giữ được thị trường. Anh Quyết cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Mới đây nhất, anh đoạt giải Nhất Hội thi Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đẹp 2014 do UBND huyện Củ Chi tổ chức.

Dù phải điều hành việc sản xuất kinh doanh bận rộn, thế nhưng, Tư Quyết vẫn dành thời gian cho việc giao lưu, rèn luyện sức khỏe. Bởi theo anh, để sản xuất, kinh doanh giỏi, nhất định phải khỏe. Đó cũng là lý do anh Quyết thành lập đội bóng đá Mây tre lá Tư Quyết, cầu thủ gồm những anh em nông dân trong vùng, là vệ tinh của cơ sở mây tre lá Tư Quyết. Bên cạnh đá giao lưu với các đội bóng trong vùng để rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần đồng đội, hợp tác làm ăn, đội bóng của anh Quyết cũng nhiều lần tham gia các giải đấu do TP.HCM tổ chức. “Công việc nhiều nhưng quan trọng là biết sắp xếp thời gian hợp lí, lúc nào làm việc, lúc nào đá banh, lúc nào giao lưu bạn bè. Có như vậy, mới sống khỏe, sống thành công được” - anh Quyết vui vẻ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem