Đa số người lao động rút BHXH một lần rơi vào công nhân
Đa số người lao động rút BHXH một lần rơi vào công nhân
Nguyệt Tạ
Thứ ba, ngày 06/06/2023 17:19 PM (GMT+7)
Thực trạng rút bảo BHXH tăng, làm gì để ngăn làn sóng rút BHXH một lần là một trong những nội dung nhận được nhiều câu hỏi nhất của các đại biểu quốc hội. Đã có gần 10 câu hỏi liên quan tới nhóm vấn đề này trong sáng nay.
“Chưa quốc gia nào hào phóng như Việt Nam khi cho lao động rút BHXH một lần”
Sáng ngày 6/6, tại tòa nhà Diên Hồng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH – Đào Ngọc Dung và các đại biểu quốc hội đã có phiên chất vấn và trả lời chất vấn được đánh giá là khá thuyết phục về nhiều nhóm vấn đề liên quan tới lao động - việc làm.
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các đại biểu trong hội trường là việc rút bảo hiểm xã hội một lần (BHXH) một lần.
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (TP HCM) cho biết, thời gian gần đây làn sóng rút bảo hiểm không những không giảm mà tăng cao, đặc biệt giai đoạn gần đây khi thông tin về việc sửa đổi luật bảo hiểm xã hội được công bố.
Qua nắm bắt, vấn đề công nhân băn khoăn và cảm thấy bất an nhất lúc này là chính sách bảo hiểm xã hội. Họ lo sợ chính sách mới sẽ hạn chế quyền tự quyết và mức lương hưu thấp không đủ sống. Đại biểu Thúy đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết giải pháp giải quyết vấn đề này.
Trả lời đại biểu về vấn đề rút BHXH một lần, theo Bộ trưởng Dung, trước năm 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 người rút BHXH một lần. Diễn biến căng thẳng về việc này bắt đầu từ năm 2022, hiện nay, con số này là 900.000 người rút trong 1 năm. Số người rút bảo hiểm xã hội một lần gần bằng số tham gia vào hệ thống. Đây là nguy cơ, thách thức về sau vì tương lai, nhiều người già không có chế độ an sinh, hệ thống chính sách an sinh khó đảm bảo bền vững.
Nguyên nhân việc rút BHXH một lần là do đời sống, thu nhập của người lao động gặp khó khăn nên mới nghĩ rút “khoản để dành”. Đại bộ phận rút BHXH một lần rơi vào công nhân lao động, công chức viên chức ít.
“Nguyên nhân vì sao rút BHXH một lần tăng, xin thưa, không có quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như Việt Nam. Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2016 rất nhân văn. Đây là đánh giá của chuyên gia ở Liên Hợp quốc mà chúng tôi tham vấn. Ông ấy nói Việt Nam hào phóng quá, kể cả trong chuyện cho hưởng lương hưu với tỷ lệ tới 75% và cả chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần. Thông lệ quốc tế, các nước chỉ cho rút bảo hiểm khi người lao động mắc bệnh nan y hoặc định cư nước ngoài” – Bộ trưởng thông tin.
Ông Dung nhấn mạnh, rút bảo hiểm xã hội là quyền của công dân, không thể cấm. Vấn đề là làm sao để người lao động thấy nhiều quyền lợi, thấy lợi ích hơn thì có rút ra sau đó khi có điều kiện để lao động tham gia lại. Bộ trưởng cho biết, thực tế hiện nay, 1/3 số người rút bảo hiểm đã quay trở lại đóng BHXH.
Vị tư lệnh ngành cũng xác nhận vừa qua có hiệu ứng, khi dự thảo luật Bảo hiểm xã hội được đưa ra, người lao động tưởng không được quyền lợi như hiện nay tranh thủ thời cơ đi rút BHXH một lần. Tuy nhiên, ông khẳng định, tinh thần sửa luật Bảo hiểm xã hội tập trung theo hướng không hạn chế, mà tăng quyền lợi cho người lao động.
“Kết thúc phiên chất vấn, trả lời chất vấn đã có 99 đại biểu đăng ký chất vấn, điều này thể hiện sự quan tâm của cử chi và các đại biểu quốc hội về nhóm vấn đề lao động – Việc làm. Trong số đó có 45 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi, 11 đại biểu tranh luận. 55 đại biểu chất vấn và 1 đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian sẽ gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ LĐTBXH để nhận câu trả lời bằng văn bản”.
Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc Hội
Cũng liên quan tới việc thực hiện BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh, Dự thảo luật BHXH sửa đổi vừa được công khai lấy ý kiến. Hiện cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận trên 380 ý kiến của tập thể, nhiều ý kiến cá nhân.
Riêng về bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải thực hiện nguyên tắc căn bản đóng hưởng, bình đẳng, chia sẻ. Với ý kiến phản ánh, các quy định thiết kế không tiệm cận tuổi hưu, tuổi nghề… Bộ trưởng lưu ý, tuổi nghề khác hoàn toàn với tuổi nghỉ hưu. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề, tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, không chỉ trong chính sách bảo hiểm mà cả trong Bộ Luật Lao động.
Đề xuất lập quỹ hỗ trợ người lao động ngăn rút BHXH một lần
Trước đó, trong phiên chất vấn từ đầu buổi, đại biểu Tráng A Dương cho rằng đại dịch Covid-19 khiến lao động khó khăn, tỷ lệ hưởng bảo hiểm một lần tăng. Tình trạng này diễn ra không những tạo sức ép hệ thống an sinh, còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm toàn dân. Đại biểu đề nghị Trung ương thành lập quỹ hỗ trợ tương tự như hỗ trợ dịch Covid-19 đảm bảo hỗ trợ khó khăn trong cuộc sống và muốn biết quan điểm của Bộ trưởng Lao động.
Về gợi ý thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thì đây chỉ là một trong số nhiều giải pháp. Còn việc để ngăn chặn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản nhất là đảm bảo công ăn việc làm, đời sống của người lao động.
“Việc lập quỹ, nếu có, với quy mô tác động lớn như này phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động một cách thấu đáo và phải xin ý kiến quốc hội”, ông Dung nói.
Tổng kết phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao phần chất vấn của các đại biểu và trả lời chất của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Chủ tịch quốc hội cho biết bên cạnh những thuận lợi, vấn đề lao động Việc làm cũng đối mặt với nhiều những thách thức khó khăn. Ví dụ như: Đào tạo nghề, vấn đề chậm đóng, rút BHXH 1 lần tăng; sai phạm trong trục lợi chính sách BHXH, hay các vấn đề đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu ở tất cả mọi nhóm vấn đề. Đồng thời sớm hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan tới việc khởi tố hành vi chậm đóng, nợ BHXH….
Vui lòng nhập nội dung bình luận.