Đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch Đà Nẵng: "Nghiên cứu thật kỹ không sẽ thành nguy hại"

Thành An Thứ sáu, ngày 29/05/2020 07:05 AM (GMT+7)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đề xuất người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng mới chỉ là ý kiến của 2 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nên Quốc hội cần phải nghiên cứu thật kỹ.
Bình luận 0

Mới đây, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV về mô hình chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) và một số đại biểu khác đề xuất để người dân Đà Nẵng được trực tiếp bầu Chủ tịch UBND TP theo chế độ "phổ thông đầu phiếu" để đảm bảo chọn được đúng người người dân cần cho TP của mình.

Nhiều việc cần nghiên cứu

Trao đổi với PV Dân Việt về đề xuất này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận, đây mới là đề xuất của hai vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

"Theo tôi phải nghiên cứu kỹ, chúng ta chưa có tiền lệ về việc này. Theo lý giải của hai đại biểu thì thực sự chúng ta phải cân nhắc" – ông Dĩnh nói và cho rằng "việc này có thể cho phép thí điểm".

Để dân bầu trực tiếp Chủ tịch TP.Đà Nẵng: "Phải nghiên cứu kỹ không sẽ thành nguy hại" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần nhắc kỹ đề xuất để dân bầu trực tiếp Chủ tịch Đà Nẵng

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay chúng ta đang bầu theo hình thức "Đảng giới thiệu để HĐND bầu" và thường chỉ giới thiệu 1 người. "Nhưng bây giờ đưa ra để nhân dân, cử tri bầu trực tiếp… phải đưa ra danh sách ít nhất là 2 người".

Do đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh đặt câu hỏi: "Người này tự ứng cử hay đề cử? Quá trình vận động tuyên truyền về người này như thế nào để người dân hiểu biết năng lực, nắm chắc được quyền dân chủ của mình để lựa chọn ra người lãnh đạo thực sự xứng đáng nhất? Các vị này có "đăng đàn" vận động hay không?....

Chúng ta phải làm rất chắc, xây dựng phương án, lộ trình rõ ràng… tất cả đều mong muốn điều tốt đẹp, mong muốn dân chủ nhưng không làm tốt, lựa chọn nhầm người thì hiệu quả sẽ ngược lại"- ông Dĩnh lưu ý.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hình thức bầu Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố hiện nay cũng có những mặt tốt vì để lựa chọn được người đứng đầu chính quyền địa phương phải trải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, cân nhắc, lựa chọn rồi Đảng mới giới thiệu cho HĐND để bầu. "Nhưng việc này chỉ giới thiệu 1 người nên chưa dân chủ lắm" – ông Dĩnh đánh giá.

Nguyên lãnh đạo ngành Nội vụ cho rằng hiện nay có hai hình thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Đảng đang có xu hướng tăng cường dân chủ trực tiếp và việc các vị đại biểu Quốc hội đề xuất chính là tăng cường dân chủ trực tiếp.

"Nhưng dân chủ trực tiếp này phải được nghiên cứu thật kỹ, phải có đề án trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết. Cái này rất mới liên quan đến rất nhiều các quy trình làm nhân sự và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. 

Do đó, để đảm bảo được dân chủ này là thực chất, đồng thời lựa chọn được đúng người tài, đức thực sự thì phải nghiên cứu thật kỹ… không thì nguy hại hơn nhiều" – ông Dĩnh nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/5. Dự kiến diễn ra trong 19 ngày.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/5, dự kiến diễn ra trong 19 ngày.

Nhấn mạnh thêm về việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đưa quan điểm: "Việc này cũng không phải là Đà Nẵng đề xuất mà chỉ là đề xuất của hai ĐBQH nên phải có đề án cụ thể nếu được thực hiện. Nếu đề án tốt thì theo tôi UB Thường vụ Quốc hội xem xét để quyết. Còn nếu trong kỳ họp này mà Quốc hội quyết cả mô hình chính quyền đô thị và việc dân bầu Chủ tịch thì tôi chưa thực sự yên tâm lắm nên phải nghiên cứu thật kỹ".

Bỏ HĐND quận, phường là bước tiến mới

Đề cập đến việc Chính phủ đề nghị thí điểm mô hình một cấp chính quyền địa phương tại Đà Nẵng, gồm HĐND và UBND; hai cấp hành chính còn lại (quận, phường) không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng đây là "mạnh dạn" của chính quyền TP.Đà Nẵng.

"Tôi ủng hộ việc này. Chúng ta nên bỏ cấp quận và phường vì trong quá trình thí điểm 10 tỉnh chúng ta đã có kế hoạch bỏ HĐND quận, phường. TP.Đà Nẵng làm như vậy cũng là có cơ sở vì đây là TP không lớn, ít dân… cho nên điều này là phù hợp" – ông Dĩnh nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, việc đề xuất hai cấp hành chính còn lại (quận, phường) không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND… là một bước tiến mới.

Theo ông Dĩnh, cách đây khoảng 7-8 năm ông đã có 5 năm nghiên cứu về việc này nhưng thời điểm đó Quốc hội không quyết mà vẫn theo mô hình cũ vì cho rằng một thiết chế dân chủ phải thông qua HĐND để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhân dân giám sát HĐND các cấp mà lại bỏ thì không nên.

"Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân có thể theo nhiều hướng khác không nhất thiết phải thông qua HĐND. Quan trọng là mình có coi trọng thiết chế này hay không? HĐND ở cấp dưới cũng không quyết được nhiều việc, đặc biệt là ngân sách.

Hiện nay nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM đều hướng vào việc này thì sẽ tốt, chính quyền sẽ năng động, uyển chuyển hơn… không có độ trễ trong việc thực hiện chính sách" – ông Dĩnh nhấn mạnh.

Có thể thí điểm dân bầu Chủ tịch theo yêu cầu của địa phương

Bày tỏ quan điểm về đề xuất để người dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND Đà Nẵng, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng yếu tố dân chủ rất quan trọng.

Hiện nay, chúng ta có thể làm thử nghiệm cho từng vùng, từng miền theo yêu cầu của địa phương. Nhưng về lâu dài, cần sớm có cái chung và trong cái chung ấy, quan trọng nhất làm sao nâng được chất lượng về thiết chế dân chủ chứ không phải đi vào số lượng.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc "một trong những quyền lực của người dân tốt nhất chính là trực tiếp bầu cử, để người dân bỏ phiếu, người dân chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình". Và "dân chủ là cả một quá trình tập dượt, tiếp cận, rồi phải từ nhận thức của người dân".

2 ĐBQH đề xuất thí điểm dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND tại Đà Nẵng

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Trung ương Hội cựu Thanh niên xung phong, Đà Nẵng đã là thành phố đáng sống thì khi thí điểm chính sách đặc thù phải đáng sống hơn, thực sự là chính quyền nhân dân theo mô hình mới.

Theo đại biểu Kim, ra đời một mô hình mới thì người dân cần cảm nhận được sự dân chủ, sáng kiến của họ được tiếp thu, quyền lợi và chất lượng cuộc sống tăng lên.

"Tôi đề xuất việc bầu trực tiếp Chủ tịch UBND, phổ thông đầu phiếu để người dân lựa chọn được người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. Tôi nghĩ rằng cũng phải đặt ra trong phạm vi thí điểm sao cho có hiệu quả về vấn đề này" – đại biểu Vũ Trọng Kim đề xuất.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho rằng mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng phải đặc biệt, không giống các địa phương khác.

Do đó, "Người dân phải bầu trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố, để ông ta nhiều quyền tự quyết đồng thời xây dựng cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực", ông Thắng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem