Đi khám yếu sinh lý "ra" ung thư tiền liệt tuyến

Diệu Linh Thứ hai, ngày 14/03/2022 06:07 AM (GMT+7)
Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý ác tính thường xảy ra với nam giới trên 50 tuổi. Đáng tiếc, nhiều người lại đến viện muộn vì chủ quan và e ngại… "nhạy cảm".
Bình luận 0

Tưởng yếu sinh lý hóa ra ung thư tiền liệt tuyến

Mới đây, ông Nguyễn Văn B (51 tuổi, Hà Nội) như "sét đánh bên tai" khi bác sĩ báo tin ông bị ung thư tiền liệt tuyến. Ông cho biết, ông lấy vợ hai khá trẻ nên khi thấy mình yếu sinh lý nên đã di khám.

"Tôi gặp tình trạng "trên bảo dưới không nghe" cũng phải đến 2 năm mới dám đi khám vì ngại quá. Nhưng vợ tôi mới 35 tuổi, tôi không thể để phong độ của mình giảm sút quá. Nào ngờ, vừa đi khám lại nghe tin động trời bị ung thư tiền liệt tuyến, còn là giai đoạn 3 khá nặng. Bác sĩ bảo giá tôi không ngại ngần đi khám sớm thì đã phát hiện bệnh sớm, dễ chữa khỏi hơn", ông B đáng tiếc.

Đi khám yếu sinh lý "ra" ung thư tiền liệt tuyến - Ảnh 1.

Không ít quý ông bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn muộn do đến khám muộn (Khám tư vấn cho bệnh nhân tại Khoa Phẫu thuật tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý ác tính thường gặp ở nam giới cao tuổi, diễn tiến chậm và liên tục với nhiều mức độ khác nhau nên bệnh có tầm ảnh hưởng đến khoảng tuổi rộng hơn.

Theo PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tiết niệu (Bệnh viện Việt Đức), gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị mắc các bệnh về tuyến tiền liệt về. Nhiều trường hợp tới khám trong tình trạng ung thư tiền liệt tuyến di căn, có những bệnh nhân mới ngoài 50 tuổi.

"Hiện nay các phương pháp điều trị phẫu thuật và xạ trị đều đạt kết quả sống thêm 10 năm tương đương nhau trên 80% trường hợp đối với ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn khu trú".

PGS.TS Đỗ Trường Thành

Theo PGS Thành, bệnh lý ung thư về tiết niệu, bàng quang, tuyến tiền liệt ngày càng có xu hướng tăng hơn so với bệnh lý về tiết niệu thông thường.

Tỷ lệ mắc tiền liệt tuyến ở độ tuổi dưới 50 là khoảng 30-40%, hơn 50 tuổi là khoảng 50% và ở tuổi 70 là 70%.

Ung thư tiền liệt tuyến có thể nhầm với u phì lành tính

Giai đoạn đầu của ung thư tuyến tiền liệt, triệu chứng thường không rõ ràng hoặc có biểu hiện tương tự u phì đại lành tính. Đây chính là lý do khiến nhiều quý ông cho rằng mình bị phì đai tuyến tiền liệt vì… có tuổi mà e ngại, xấu hổ không đi khám sớm, dễ dẫn đến nguy cơ bệnh bị chẩn đoán muộn.

Theo các bác sĩ, các dấu hiệu cảnh báo như: đái nhiều lần, đái vội, đái són. Các triệu chứng chèn ép cũng dễ gặp như đái khó, phải rặn, đái rớt nước tiểu sau cùng, đái không hết. Nặng hơn có thể gặp bí đái hoàn toàn hay không hoàn toàn, nhiễm khuẩn tiết niệu, đái máu.

Nếu không phát hiện sớm, ở giai đoạn muộn, bệnh có các biểu hiện của di căn ung thư là rối loạn tiểu tiện do u xâm lấn vùng cổ bàng quang và xâm lấn lỗ niệu quản; Di căn xương gây đau nhức xương. Nếu di căn cột sống có thể gây chèn ép tủy, gây liệt chi, rối loạn cơ tròn; Di căn hạch chậu, gây phù chân; Xuất tinh ra máu nếu di căn túi tinh.

Đi khám yếu sinh lý "ra" ung thư tiền liệt tuyến - Ảnh 3.

Nam giới trên 40 tuổi cần đi khám nam khoa định kỳ, phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến (PGS.TS Đỗ Trường Thành đang khám và tư vấn cho người bệnh. Ảnh BVCC)

Các chuyên gia khuyến cáo nam giới từ độ tuổi 40 trở đi cần quan tâm và khám sức khỏe nam khoa định kỳ, bước vào độ tuổi 50 cần làm xét nghiệm định lượng kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Hiện nay với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật hiện đại, các cơ sở y tế tuyến đầu có thể phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt qua xét nghiệm định lượng kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA); siêu âm.

Đặc biệt qua trực tràng phát hiện các nhân K trong tuyến tiền liệt và sinh thiết xác định ung thư tuyến tiền liệt hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) phát hiện rõ hơn các nhân K trong tuyến tiền liệt. Xạ hình xương phát hiện K tuyến tiền liệt di căn xương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem