Điểm chuẩn đại học 2019 sẽ tăng ít nhất 1 điểm?

Thuận Hải Chủ nhật, ngày 14/07/2019 11:00 AM (GMT+7)
Bộ GDĐT vừa công bố phổ điểm các môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và phổ điểm một số khối truyền thống. Dựa vào kết quả phân tích điểm thi, các chuyên gia cho rằng, điểm chuẩn đại học năm nay có thể sẽ tăng ít nhất 1 điểm so với năm 2018.
Bình luận 0

Sáng nay (14/7), Bộ GDĐT đã công bố điểm thi THPT Quốc gia 2019 và kết quả phân tích phổ điểm của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Theo đó, điểm trung bình các môn thi năm nay hầu hết đều cao hơn năm 2018.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận định, phổ điểm thi THPT 2019 đã khả quan hơn nhiều. Nguyên nhân là năm nay có khoảng 70% đề thi đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp trong khi con số này kỳ thi năm 2018 chỉ 50%. Đề thi năm nay đã bám sát chương trình trong sách giáo khoa hơn.

Nhìn sơ qua phổ điểm khối A xét tuyển đại học (Toán, Lý, Hóa), số lượng thí sinh đạt dưới 20 điểm năm nay có đến 36.222 em trong khi con số này năm 2017 – năm có đề thi được đánh giá là “dễ ăn điểm”, là đến 28.381 em. Kỳ thi năm 2018 chỉ có 23.929 thí sinh đạt dưới 20 điểm cho ba môn.

img

Điểm thi THPT 2019 đã cao hơn kết qua kỳ thi năm 2018 nhiều. 

Số lượng thí sinh đạt điểm từ 21 đến dưới 23 điểm ở tổ hợp này cũng cao hơn năm trước. Tuy nhiên, số thí sinh đạt dưới 24 điểm chỉ có 11.220 em, thấp hơn con số 15.017 em trong kỳ thi năm 2017, nhưng cao hơn gấp 3 lần so với con số chỉ 4.005 em đạt từ dưới 24 điểm trong kỳ thi năm 2018.

Từ phổ điểm thi THPT 2019 vừa được Bộ GDĐT công bố, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, điểm chuẩn vào Đại học năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, do tỷ lệ các thí sinh đạt từ 18 – 30 điểm cao hơn nhiều.

Đề thi năm nay đã phân hóa được chất lượng thí sinh khá tốt. Đối với những môn như Toán, Văn, học sinh có để đủ điểm để xét tốt nghiệp nhưng khi nhìn vào các môn có tính “chuyên ngành” hơn như Lý, Hóa, Sinh, thí sinh cần phải đầu tư nhiều hơn thì mới có thể đạt điểm cao, đáp ứng mục tiêu xét tuyển đại học.

Theo thầy Dũng, các trường đại học năm nay dễ dàng tuyển sinh hơn, do độ phân hóa điểm thi chuẩn hơn năm trước, không có “mưa điểm 10”, số lượng thí sinh điểm cao cũng không quá nhiều dẫn đến việc khó tuyển sinh.

Tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, thầy Dũng dự báo, điểm sàn năm nay có thể cao hơn năm ngoái khoảng 1 điểm, điểm chuẩn có thể tăng từ 0,5 – 1,5 điểm, tùy ngành. Cụ thể, điểm sàn đại trà sẽ ở mức 18 điểm, các ngành đào tạo chất lượng cao có điểm sàn ở mức 17 điểm.

“Điểm chuẩn đại trà dự báo ở mức 18 – 23,5 trong khi các ngành đào tạo chất lượng cao dao động ở mức 17 – 22,5 điểm. Các thí sinh đã đăng ký vào ĐH Sư phạm kỹ thuật nếu kết quả thi THPT thấp hơn 18 điểm thì nên đổi nguyện vọng sang khối ngành đào tạo chất lượng cao hoặc chuyển sang trường khác”, thầy Dũng khuyến cáo.

img

Từ kết quả điểm thi THPT 2019 vừa công bố, các chuyên gia dự báo điểm chuẩn đại học 2019 sẽ tăng từ 1 điểm.

Cùng quan điểm, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT nhận định, theo phân tích phổ điểm do Bộ GDĐT vừa công bố có thể thấy, điểm trung bình của tất cả các môn năm nay đều cao hơn năm ngoái từ khoảng 10-20%.

Từ kết quả này, một số chuyên gia giáo dục nhận định, việc ra đề thi của Bộ GDĐT năm nay phù hợp hơn với trình độ của học sinh nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa, dễ dàng cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Điểm Lịch sử và tiếng Anh vẫn ở vị trí “đội sổ”, đây là vấn đề kéo dài từ nhiều năm trước. Môn tiếng Anh có sự phân hóa về kết quả điểm rất rõ ràng giữa vùng thành thị và nông thôn. Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, thí sinh có điểm tiếng Anh cao hơn ở các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Đây là môn học bắt buộc để tính điểm thi tốt nghiệp, cũng là công cụ cần thiết cho mỗi học sinh, sinh viên, là thế hệ lao động tương lai nhưng chất lượng đào tạo lại không đồng đều giữa các địa phương.

Môn Lịch sử trong tình trạng tương tự khi số điểm thấp chiếm tới hơn 70% nhưng số điểm 10 khá lớn (hơn 80 điểm 10). Do đó, Bộ GDĐT cần tìm hiểu nguyên nhân của việc môn Lịch sử và tiếng Anh nhiều năm liền là 2 môn có số điểm trung bình thấp nhất để có giải pháp khắc phục trong cách dạy và học.

Theo kết quả phân tích phổ điểm của Bộ GDĐT, kỳ thi THPT 2019 không còn “mưa điểm 10”, riêng môn GDCD có điểm trung bình cao hơn và nhiều điểm 10 hơn các môn khác.

Cụ thể, môn Toán có điểm trung bình là 5,64 điểm và có 12 bài thi đạt điểm 10; môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,49 điểm và không có điểm 10 nào; môn Vật lý có điểm trung bình là 5,57 và có 2 bài thi đạt điểm 10; môn Hóa học có điểm trung bình là 5,35 và có 12 bài đạt điểm 10;

Môn Sinh học có điểm trung bình là 4,68 điểm và có 39 bài thi đạt điểm 10; môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3; môn Địa lý có điểm trung bình là 6,0 và có 42 bài thi đạt điểm 10; môn Giáo dục Công dân có điểm trung bình là 7,37; môn Tiếng Anh có điểm trung bình là 4,36.

Năm nay, Lịch sử và tiếng Anh vẫn có số bài thi đạt điểm dưới trung bình cao nhất, lần lượt là 70,01% và 68,74%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem