Trong kho tàng văn hoá phi vật thể của người Cơ Tu có rất nhiều thể loại nghệ thuật đáng tự hào, cần được phát huy, phát triển trong cộng đồng dân tộc như: ba bóoch (dân ca Cơ Tu), bh’ no’onh (hát lý), pr’ ma (nói lý), các điệu dân ca, dân vũ dân gian… Trong đó có một điệu múa đặc trưng của người Cơ Tu mang tính tập thể rất cao, diễn trình múa là sự kết hợp giữa nam và nữ, giữa tân’ tung và da’ dă hoà với điệu thức của âm thanh cồng chiêng cùng với tiếng “hú” vang xa, cao vút như nốt nhấn hạ âm làm mạnh mẽ thêm cho ngôn ngữ múa.
Vũ điệu Tân tung da dắ được diễn trong lễ hội của người Cơ Tu. (Nguồn: CAND)
Tân’ tung hay còn gọi là T’ung theo nghĩa của tiếng Cơ Tu là vươn lên cao, sôi động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và vững chãi hơn nữa… Đó là biểu hiện của khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn đưa con người vươn lên ở tầm cao mới trong không gian thoáng đãng, hằng mong cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Điệu múa này thể hiện rất nhộn nhịp, rất mạnh mẽ và hùng dũng.
Đàn ông mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chắc cây khiên, cây giáo, cây mác hay cây dụ, hoặc không thì nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên vừa bước vừa hú một cách tự tin, sôi động và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng, không sợ khi đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hại, đồng thời còn thể hiện niềm động viên vững tin, yêu cuộc sống, yêu làng quê, yêu núi rừng và nhắn gửi thông điệp hãy vui lên, vươn lên mãi trong cuộc sống bình yên của núi rừng, bản làng.
Còn da’ dă, theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi, ơn đất nghĩa trời, trung thành với người, thương trên nhường dưới, nâng đỡ kẻ yếu hèn…
Để thể hiện điệu múa này, phụ nữ mặc váy dệt bằng thổ cẩm nhiều hoa văn với những sắc màu sinh động, vai trần lộ, cổ đeo vòng cườm, hai tay đưa lên ngang vai, cánh tay vuông góc song song với thân mình, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng, mắt nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi trần nhón gót lên lết tròn ngược kim đồng hồ. Theo đó, động tác múa uyển chuyển, đều đặn, nhẹ nhàng và quyến rũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.