Cuốn sách in ngang khổ 19cm x 29cm ngoài mấy trang đầu và trang cuối giới thiệu về họa sĩ và sự nghiệp của anh, còn lại phần chủ yếu dành cho 51 bức tranh chân dung Trần Thế Vĩnh vẽ 51 nhân vật của văn hóa văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX. Đó là các tên tuổi: Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Xuân Tiên, Lê Uyên Phương, Cung Tiến, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9, Trúc Phương, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo, Quang Dũng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh, Hàn Mặc Tử, Đỗ Long Vân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Gia Trí, Vĩnh Phối.
Đây quả là cả một phòng tranh thu gọn lịch sử đời sống tinh thần của đất nước trong một thế kỷ đầy biến động thăng trầm. Nhìn vào danh mục nhân vật Trần Thế Vĩnh chọn vẽ trên đây ta thấy có các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà triết học, nhà nghiên cứu văn hóa. Họ đều là những người đã sống hết mình với thiên chức và sự nghiệp của mình, đã kiên gan chống chọi với nghịch cảnh cuộc sống, đã biết vượt lên những truy bức trói buộc của cõi người, để cống hiến cho đời những giá trị tinh thần cao quý và trường tồn. 51 gương mặt được họa gộp lại tạo thành một GƯƠNG MẶT chung của giới trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam khổ đau và bất khuất.
Trần Thế Vĩnh đã chọn vẽ họ như một sự ĐỒNG VỌNG. Vọng về người đã khuất. Vọng về những giá trị người để lại và còn mãi. Vọng về những chân trời sáng tạo đã qua và đang tới. Vọng trong hy vọng và trong tuyệt vọng, trong khắc khoải và chờ đợi. Vọng về người và về mình. Vọng để thoát Vong, trong cuộc đời và trong nghệ thuật. Vọng ư? "Ai có một chân trời / Và mất cái gì sau đó phía chân mây" (Chế Lan Viên).
Trong 51 nhân vật này, trừ họa sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy của Trần Thế Vĩnh ở trường Mỹ thuật Huế, 50 người còn lại anh đều chưa gặp mặt, phần lớn họ đã mất. Nếu ta hiểu tranh chân dung là kết quả của sự họa sĩ đối diện người mẫu thì sẽ thấy Trần Thế Vĩnh đã đặt ra cho mình một thách thức lớn lao và khó khăn nhường nào. Anh không có mẫu sống. Dựa vào những bức ảnh, bức tranh đã có về nhân vật thì không đủ. Vì tranh chân dung, ngay cả khi vẽ trực tiếp từ mẫu sống, không đơn giản là vẽ giống, mà cái chính là vẽ thật. Giống là hình dung bề ngoài. Thật là thần thái bên trong. Người họa sĩ vẽ tranh chân dung là phải làm toát ra được cái thật đó của nhân vật mình vẽ. Khi đó bức chân dung được vẽ ra sẽ trở thành tác phẩm nghệ thuật Thật hơn cả Giống. Muốn thế thường là họa sĩ phải có sự tiếp xúc, tìm hiểu mẫu. Trần Thế Vĩnh không có cơ hội trực tiếp đó. Nhưng anh có cơ hội gián tiếp, đó là những trước tác, sáng tạo họ để lại, "cái thần của họ nằm trong các tác phẩm của chính họ" – như lời anh nói.
VỌNG
Tác giả: Trần Thế Vĩnh
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 115
Số lượng: 1000
Giá bán: 568.000đ
Và anh đã đọc họ như vậy để biết và hiểu họ trước khi cầm cây cọ đưa màu sắc đường nét lên tấm toan trắng cho hiện lên những mặt-người-sáng-tạo. Đọc, và ngẫm, và trò chuyện, và tưởng tượng. Do đó, "Vọng" không chỉ là cuốn vựng tập tranh thông thường. Đó là một cuốn sách tranh mà Trần Thế Vĩnh là tác giả của các bức tranh và cũng là của những bài viết nói lên sự cảm nhận, đánh giá của mình về nhân vật được anh vẽ. Các bài đi cùng tranh, có khi ngắn khuôn trong một trang, có khi dài 2-3 trang, thêm cho bức vẽ màu sắc cụ thể những chân dung khác được phác bằng lời.
Đó là Tuệ Sỹ "một con người xuất gia từ tuổi hài đồng và bước đi trên hành trình của một lữ khách, một cuộc lữ của đạo và đời đẹp bàng bạc như khói sương ở nơi khung trời viễn mộng" (tr. 22). Đó là Bùi Giáng "đến đây và mang theo một khối trí tuệ rộng lớn và một tình yêu thương bao la rồi gửi hết vào văn chương sách vở, biến hóa trong đi đứng nằm ngồi, trong nói cười bỡn cợt, những kỳ dị thăng hoa mà đối với người bình thường là "bất khả tư nghì" (tr. 25). Đó là Tô Thùy Yên "đặc biệt giữa bầu trời thi ca Việt Nam như một vì sao sáng, đứng một mình rực rỡ cô đơn" (tr. 29). Đó là Quang Dũng "khí phách kiêu hùng trộn lẫn trong tâm hồn đẫm tình bay bổng của một kẻ lãng du, nghệ sĩ tính bừng lên trong đau khổ" (tr. 62). Đó là Hữu Loan "Đọc thì sướng nhưng cảm thì thương. Thương cho ông, một nhà thơ tài năng, khí phách, và buồn" (tr. 73). Đó là Minh Đức Hoài Trinh "một nữ sĩ luôn trăn trở và khát khao yêu thương, một tình yêu rộng lớn trùm phủ lên tình yêu lứa đôi bởi hệ lụy của thời cuộc" (tr.84).
Những lời viết của Trần Thế Vĩnh như thế không phải là thuyết minh tranh, chúng là chiếu thêm luồng sáng vào tranh cho làm bừng lên những tầng sau tầng sâu của bức chân dung mà cây cọ bất lực không diễn tả hết được. Nhìn tranh và đọc lời ta thấy gương mặt các nhân vật của Trần Thế Vĩnh động đậy hơn.
Tranh chân dung của Trần Thế Vĩnh vì vậy xoáy vào cặp mắt và cái nhìn của nhân vật. Trên khuôn mặt người, họa sĩ luôn vạch những đường nét xiên chéo vờn tỏa khiến mặt nhìn như chao đảo, mờ ảo, động cựa và bất an. Cách vẽ này có lẽ là ý đồ của anh. Sau khi đã đọc hiểu tác phẩm của các nhân vật, họa sĩ quên hết mọi ngôn ngữ của họ, chỉ để mình đắm vào sáng tạo bằng ngôn ngữ của chính mình. Những nét kẻ vẽ đâm vào mặt người có thể là ngoại cảnh xâu xé thân phận mà cũng có thể là sự vật lộn bên trong của thân phận để tồn tại. Mặt người trong xoáy kẻ đó có lúc khiến người xem cũng thấy chập chờn và bất định, như hãy nhìn chân dung Trịnh Công Sơn (tr. 42) và lời bình đi kèm. Có thể ứng được cho Trần Thế Vĩnh câu này: "Các bức chân dung của tôi làm bằng gì? 10% cho thấy thực tế, 90% cho thấy triết lý của tôi" ("What my portraits are made of? 10% showing the reality, 90% showing my philosophy - Scuro Chiaro).
Họa sĩ vẽ chân dung người cũng là họa chân dung mình. Cuốn sách mở đầu có dẫn câu nói của nhà văn Irish Oscar Wilde: "Every portrait that is painted with feelings is a portrait of the artist, not of the sitter" ("Mỗi bức chân dung được vẽ với tình cảm là bức chân dung của người họa sĩ, không phải của người làm mẫu"). Xem tranh chân dung của Trần Thế Vĩnh, cũng như của các họa sĩ khác theo đuổi thể loại này, là xem ba trong một: chân dung nhân vật đó trong nét vẽ của anh, chân dung nhân vật đó của anh trong so sánh với hình dung của người xem về nhân vật đó, và chân dung của anh hiện ra trong chân dung nhân vật đó. Sau khi đã nhìn ngắm 51 chân dung Trần Thế Vĩnh vẽ và xem mấy chân dung tự họa của Trần Thế Vĩnh trong sách, bạn sẽ thấy ở họ có sự đồng điệu về tâm hồn và tính cách. Một vẻ lặng bên ngoài nhưng bùng nổ bên trong.
Và đó là gương mặt của họa sĩ Trần Thế Vĩnh, sinh năm 1986, quê Quảng Trị, hiện lập nghiệp ở Sài Gòn. Cuốn sách được ra mắt ngày 22/10/2020 và cuộc triển lãm 51 chân dung này sẽ được mở ngày 28/10/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tin Trần Thế Vĩnh sẽ còn vẽ tiếp nhiều gương mặt nữa mà anh yêu-quý-trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.