"Đột kích" các tổng kho "hành quyết" chim trời! (Bài 4): "Chợ ảo", lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam!

Lãng Quân - Văn Hoàng Chủ nhật, ngày 27/12/2020 10:21 AM (GMT+7)
"Chợ ảo" trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã là "sân chơi" vượt mọi không gian thời gian. Các đối tượng nhẫn tâm với thiên nhiên và các "sứ giả bầu trời" (chim hoang dã) đã sử dụng công nghệ để "tàn sát" chim trời.
Bình luận 0

Họ mua bán bẫy, nhựa dính, lưới bắt, loa đài, âm thanh giả tiếng các loài chim trống mái rồi cả súng săn các loại. Và hơn hết, họ "tập hợp lực lượng" dạy nhau cách bắn, bẫy, hỏi nhau về giống loài rồi giá cả chợ đen của các con chim hoang dã độc lạ vừa bắt được. Truyền đạt kinh nghiệm cho nhau về cách qua mặt cơ quan chức năng khi làm việc sai trái.

Những chợ "ảo" trên mạng góp phần vào việc sát sinh "sứ giả bầu trời"

Tiến tới, họ có các giao dịch trong nhóm kín, bán hàng nghìn, hàng vạn cá thể chim hoang dã đông lạnh hoặc sống nguyên con. Chỉ cần đọc các đoạn "comments" (bình luận, ý kiến) công khai đặt hàng của họ, bất cứ ai cũng phải thấy lạnh người và thấy tiếng rên xiết của thiên nhiên xứ ở trong các sự vô lối vi phạm luật pháp này.

"Đột kích" các tổng kho "hành quyết" chim trời! (Bài 4): "Chợ ảo", lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam! - Ảnh 1.

Những gì mà các thành viên nhóm săn chim viết lên facebook sặc mùi giết chóc chim trời và vi phạm quy định luật pháp nghiêm trọng.

Kiếm bộn tiền nhờ bán cho thợ săn thông tin về các vùng "đất lành chim đậu"

Để hình dung rõ hơn về các cái chợ ảo và giao dịch rất thật, việc bị thảm sát của chim hoang dã rất cụ thể và đẫm máu này, chúng tôi đã đăng kí vào một hội nhóm săn bẫy chim di cư. Lúc đầu chúng tôi còn dùng facebook "không mang tên mình" để tránh bị soi mình là nhà báo. Tuy nhiên, lúc thử "đăng kí tham gia nhóm" với đích danh tên tuổi các nhà báo – những người mà "tút" nào cũng bàn chuyện báo chí bảo vệ môi trường, chống nạn săn bắt chim thú, xử tù nhiều đối tượng vi phạm – ai ngờ, "ban quản trị" vẫn đồng ý cho tham gia. Điều này cho thấy, nhóm kín kia chả kín tí nào, họ công khai mọi chuyện mà chả ngán ngại gì ai - như đã kể ở trên.

Vào nhóm, chúng tôi sững sờ trước cảnh bẫy, bắn, bắt, lưới giăng kín mọi màn hình. Họ còn livestream (phát trực tiếp trên internet) cảnh đi bẫy chim bằng lưới "vô hình", có khi từng đàn vài chục con sa lưới, tiếng loa giả tiếng chim ầm ĩ, tiếng hỉ hả đắc chí của người đi bẫy vô cùng phản cảm. Các thông tin chửi nhau bán lưới giả, bẫy giả, súng đểu cũng tràn ngập trên nhiều hội nhóm. Đặc biệt, trên nhóm Chim Di Cư, còn có các trò như: "em đang biết ở ven cái hồ chỗ em ở, có khoảng 400 con vịt trời kiếm ăn nhở nhơ. Bác nào có nhu cầu em "bắn" thông tin cho". Chắc thỏa thuận inbox (riêng) rồi tiền trao cháo múc, tôi bắn tin cũng được trả tiền, tôi đi săn vớ bẫm. Hai bên đều có lợi.

Một số người chơi súng săn kiếm tiền, thậm chí mở nhà hàng chim hoang dã, còn có thủ đoạn: bỏ súng săn dưới bờ ruộng nhà chủ đầm, chủ hồ ao, khi có các đàn chim lớn, đông, chủ đầm nổ súng bắn luôn, khỏi cần gọi thợ săn. Tiền nong rồi chia đôi, mà súng đạn ria nhập từ nước ngoài, đạn cũng ngoại nhập, bắn cả chùm roàn roạt rẽ cả mặt nước, chết cả đàn chim lẫn… đàn cá đang ăn nổi. Súng đó, bắn trượt mới là khó.

Tham gia vào các nhóm kín trên mạng xã hội "tư vấn, mua bán, trao đổi, tiêu thụ" chim trời hoang dã, mới thấy tốc độ tàn sát thiên nhiên thật khủng khiếp của người ta bây giờ. Liên tục có các cuộc livestream đi bắn, bẫy chim, có khi họ quảng bá súng săn đến mức bỏ nhiều tiếng đồng hồ ra quay rồi phát lên youtube dạy nhau cách bắn chim, chế biến chim hoang dã. Toàn súng khủng và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đêm nào, ngày nào, trên các hội nhóm cũng thấy cảnh giăng lưới, bắt đủ loại chim, có khi hàng trăm con chim mắc lưới và tiếng thuyết minh cười nói hỉ hả của "thợ săn".

"Đột kích" các tổng kho "hành quyết" chim trời! (Bài 4): "Chợ ảo", lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam! - Ảnh 2.

Một trùm buôn bán chim trời hoang dã ở Quảng Trị gửi nhiều hình ảnh trong quá trình giao dịch với chúng tôi.

Quái dị nhất là một facebook trong nhóm kín có tên Kim…, anh ta chế ra đủ các hình nộm, hình bằng gỗ như tượng nhà mồ, sơn xanh đỏ vẽ vằn y như các con chim thật. Cu gáy, le le, cò, vạc, đủ loài màu sắc sặc sỡ giống con chim ngoài tự nhiên hơn cả… con chim ngoài tự nhiên. Anh ta rao bán, bán cho người ta mua về làm "tượng chim mồi" nhử các loài chim hoang dã đến và mắc lưới, mắc nhựa dính, mắc… họng súng săn. Tiến tới, họ hỏi nhau về giống loài chim, cách bẫy, cách lừa chim di cư và cuối cùng: định giá chúng sau khi bắt được giá bao nhiêu tiền!

Một cái giật lưới nhẫn tâm: thu cả chục triệu đồng

Một thợ săn ở Tuyên Quang kể, anh ta tự tin mỗi tối bắt được ngót chục triệu đồng tiền giăng lưới bắt chim. Nhiều quả đồi vắng, trên đó có hồ nước nhỏ, lũ cu gáy, chim câu béo mẫm kéo cả đàn mấy trăm con đến… soi gương bên mặt hồ phẳng lặng. Và lưới giật ụp một cái. Cứ bỏ rẻ giá đổ buôn tám mươi nghìn đồng một con, mẻ lưới có khi 120 con chim tội nghiệp cùng bị bắt, thợ săn bỏ túi ngon lành cả chục triệu đồng. Các nhà hàng chim trời miền trung du, chúng tôi đến quan sát, thấy bà chủ có khi ôm cả tải chim chăm, chim cuốc, chim sẻ, nhúng thẳng vào nồi nước 80 độ C. Lũ chim kêu thảm thiết, giãy giụa rào rào cùng lúc như cá ăn nổi ầm ĩ mặt ao. Rồi im bặt và các bữa tiệc được mở ra. Nhiều chủ quán thật thà: toàn cán bộ huyện ăn thôi các cháu ạ, dân nghèo lấy đâu tiền mà ăn. Rồi, trong video của chúng tôi, họ kể tên đủ ban ngành, có khi đặt một lúc 150 con chim để nhậu tập thể.

Tại vùng ven biển các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu của tỉnh Nghệ An, mùa đến, năm có hai đợt, chim di cư về sau hành trình vượt núi vượt biển dài hàng nghìn dặm, các chú chim hiền lành mệt nhoài. Chúng dừng lại lấy thức ăn, uống nước và ngẩn ngơ nhìn đoàn người bên cạnh mình. Nhiều người dùng súng cao su, súng chun cũng bắn chết các con chim nặng một đôi cân. Hàng chục người dùng súng săn hiện đại, bắn từng xâu chim, từng bao tải chim bán cho các nhà hàng. Vớ bẫm nhất là mấy người có tấm lưới vài chục nghìn với cái loa nhại tiếng chim vứt ngoài đồng chả ai nhặt, thế nhưng, có đêm thu được vài triệu đồng. Với "hủ tục" tàn sát chim trời này, nếu cơ quan chức năng không tích cực làm nghiêm, thượng tôn luật pháp, thì chim hoang dã chắc chắn sẽ tuyệt diệt trong nay mai.

Quan sát các chợ ảo, chúng tôi choáng nhất là một cậu bán chim ở Quảng Trị. Liên tục livestream (phát trực tiếp trên mạng) các cảnh bẫy bắt, chim to chim bé gom lại kêu gọi người mua, mua tích cóp trong tủ đông để hết mùa chim thì tung ra ăn lãi. Đóng giả là đại gia mở chuỗi nhà hàng cùng tên "Chim To Dần", chúng tôi liên lạc theo số điện thoại đăng trên facebook "Chim…". Anh chàng mừng húm, hứa ngày mai đi thu gom cả vùng, mỗi tuần cung cấp cho tôi dăm bảy trăm con chim, giang, vạc, cuốc, giang sen, sâm sen, cu đất…, vận chuyển qua xe khách. Nói chung đủ cả. Bạn này than thở không có vốn trường, nên không dám mua tủ đông lớn để trữ hàng. Ảnh cậu ta gửi cho chúng tôi, là chân dung về các cuộc tàn sát chim trời thê lương.

"Đột kích" các tổng kho "hành quyết" chim trời! (Bài 4): "Chợ ảo", lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam! - Ảnh 3.

Bên trong một tủ đông đầy chim trời ở nhà Tú Chim Trời.

Quảng Trị hơi xa, chúng tôi quyết định "hiện thực hóa" tìm hiểu xem, từ trên chợ ảo, các đại lý buôn chim siêu to khổng lồ kia mồm ngang mũi dọc thế nào. Tình cờ, trong một nhóm, có một đối tượng tên là "Tú, chim trời… ", lúc nào cũng rổn rảng rao bán rồi kêu gọi ai đó bán để mình nhập cùng lúc cả vạn con chim. Cũng rất nóng nảy và thiết thực: "Ai mua thì liên lạc, xin lỗi không có thời gian nhắn tin hay trả lời bình luận", "tút" nào Tú cũng viết một câu chắc nịch như thế. Hình ảnh anh ta đưa lên kèm nhạc rất chuyên nghiệp.

"Đột nhập" hang ổ chim trời gần Trung tâm Văn hóa Quan họ Bắc Ninh

Lúc đầu chúng tôi cũng nghi ngờ trò "trẻ trâu" đưa tin lên để bán hàng cho hoành tráng. Nhưng không ngờ, khi thị sát khu nhà của Tú ở phía sau một Trung tâm Văn hóa của tỉnh Bắc Ninh, chuyện nào Tú livestream cũng thật hết. Anh này nông dân đặc, ăn to nói lớn, chúng tôi rình ở cổng, mà bao nhiêu "bí mật" đơn hàng 50 con vạc, 50 con le le, tất tần tật anh ta bô bô với khách. Chim mang từ phía Nam ra, từ Hà Nam, Thái Bình sang. Cái gì anh ta cũng nói cho cả xóm nghe. Và chị vợ cũng bé mồm hơn một tí, song cũng là dạng hồn nhiên ở mức bô bô. Tú vô tư đến mức, lúc ế quá, đem chim hoang dã to đùng, cả những con vạc vằn mắt cáu kỉnh… ra đường nhựa, bán công khai. Rồi phát trực tiếp lên mạng xã hội, rủ người ta đến mua. Hàng xóm nhà Tú cũng tương tác và chạy sang mua hàng. Giữa trưa, Tú và vợ mổ chim rầm rầm, có lúc thét lác nhau, rồi Tú chạy bộ xách từng túm chim đi giao hàng. Còn các nhà hàng lớn ở thành phố Bắc Ninh, mua chim của Tú tính theo…. từng xe thồ.

Qua quá trình theo dõi, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự trắng trợn của các vi phạm do Tú và các đối tượng gây ra. Ví dụ, các nhà hàng ở Hà Nội và Bắc Ninh, họ đều bán đủ loại chim trong thực đơn, song khách muốn xuống bếp hay thăm khu nhốt chim là không bao giờ gia chủ đồng ý. Họ biết họ sai và có ý giấu diếm cao tay. Còn Tú, anh ta phát trực tiếp lên mạng facebook toàn bộ nhà cửa, các lồng nhốt giang lớn, vạc to, nhiều loài chim hoang dã bị nhốt chờ hành quyết cứ bay rào rào – tức là vi phạm luật trầm trọng.Tú tránh không gặp mặt chúng tôi, song cứ bô bô nhà em ở sau Trung tâm Văn hóa Quan họ Bắc Ninh. Chúng tôi đi bộ hỏi dò người dân và tìm vào nhà Tú giả vờ mua chim, quan sát thấy từ gốc nhãn làm chuồng nhốt cò vạc, từ các khu ô mắt cáo nhốt le le vịt trời, đến các bao tải, lồng nhựa đi giao chim ầm ầm. Tất cả y như trên mạng. Điều này chứng tỏ cái gì?

"Đột kích" các tổng kho "hành quyết" chim trời! (Bài 4): "Chợ ảo", lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam! - Ảnh 4.

Vợ chồng Tú và những đơn hàng 50 đến 100 con chim hoang dã chuẩn bị đi giao.

Chứng tỏ Tú không sợ luật pháp hoặc không hiểu luật pháp hay ai bảo kê. Anh ta cứ kinh doanh, đi nhận hàng chăm chỉ suốt ngày ngoài "bến xe", rồi chở hàng đi giao cho các nhà hàng, các hộ đánh chén. Rồi quảng bá trên facebook để bán hàng. Việc buôn bán giết thịt chim hoang dã là sai và bị xử lý có thể lên đến mức hơn 10 năm tù, nếu mức độ trầm trọng. Việc quảng cáo bán mặt hàng này ở nhà hàng, ở tờ rơi, ở thực đơn hay trên internet cũng là sai. Luật Hình sự, Luật An ninh mạng nêu rõ các vấn đề trên. Tú không hề biết điều này, hay anh ta có ai "chống lưng" để làm càn bấy lâu nay?

Cơ quan chức năng đứng ở đâu khi mà chim trời vận chuyển đông lạnh qua đường hàng không "thản nhiên", 100% các đơn hàng chim sống từ các tỉnh xa xôi giao dịch với nhau đều đi theo đường xe khách đường dài – liệu chúng ta có kiểm soát được và có một chiến dịch xử lý điểm để làm gương không? Và, khi sai phạm xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, bà con cả khu vực đều biết, các "lái buôn"cả nước xuất nhập hàng với Tú. Đặc biệt, khi chúng tôi tố cáo các vi phạm của Tú với cảnh sát môi trường rồi kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh, thì Giám đốc Công an tỉnh rồi lãnh đạo Chi Cục kiểm lâm chỉ đạo xử lý nghiêm. Tuy nhiên, ngay khi 6 đồng chí kiểm lâm đang làm việc quyết liệt, vợ Tú vẫn vô tư nhận mối hàng là "để chị xử lý, tối nay giao hàng". Và, sau khi bị xử lý, Tú gọi điện đe dọa chúng tôi, nhưng facebook của anh ta vẫn để nguyên mọi thứ rao bán trắng trợn. Không gỡ bỏ cái gì, chẳng ăn năn hối cải gì hết. Vẫn bán một lúc: "2.000 con dẽ giun, 10.000 (mười nghìn) con chim sẻ, 500 con vạc. Em bận không trả lời bình luận, ai mua thì alo số máy 0974836…".

Nếu không ập vào và thấy la liệt chim, cò, vạc bị đóng gói, bị giết thịt, bị cấp đông trong các tủ to kinh hoàng và kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh nghiêm khắc tịch thu hàng, niêm phong đem về xử lý, thì chắc chắn nhiều người còn nghĩ là Tú "chém gió". Và nhà báo chúng tôi bịa chuyện. Kiểu như để trong nhà một lúc 2.000 con dẽ giun, 10.000 (mười nghìn, một vạn) con chim sẻ, 500 con vạc (nguyên văn một "tút" mà Tú viết gần như trùng thời điểm nhóm Phóng viên Dân Việt điều tra và làm việc với cơ quan chức năng để xử lý).

Một người dân tố cáo đường dây buôn chim hoang dã của Tú và "cộng sự", khi xuất hiện ở nhà Tú, cùng với kiểm lâm xử lý vi phạm, niêm phong nhiều chim hoang dã, gồm le le, vạc sống vài chục con, vạc đông lạnh vô số kể, ước tính hàng nghìn con chim sẻ, chưa kể các loài hoang dã khác nhốt đầy chuồng quây lưới ngoài gốc nhãn, lồng sắt ô mắt cáo và các lồng nhựa vừa nhận hàng về hoặc sắp ship hàng đi khắp nơi. Các đường dây hỗ trợ Tú là xuyên nhiều tỉnh thành, từ Bắc vào Nam. Lúc đang kiểm kê, anh bạn trẻ đã bị dọa "xiên chết" vì Tú và vợ rất tức tối. Nửa đêm hôm đó, Tú gọi điện đe dọa sẽ tìm ra "mày", xử lý "mày" với người trong nhóm phóng viên chúng tôi.

"Đột kích" các tổng kho "hành quyết" chim trời! (Bài 4): "Chợ ảo", lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam! - Ảnh 5.

Chim hoang dã bị săn, bắt và giết thịt ngay sau Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh

Vận chuyển chim trời đông lạnh bằng máy bay, các đường dây liên tỉnh, sao không ai xử lý?

Có mấy câu hỏi đặt ra ở đây: vì sao cả một vùng rộng lớn, ai cũng biết Tú buôn chim khét tiếng mà chức năng không xử lý? Tại sao chúng tôi tố cáo rõ ràng, mời chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này phân tích ở góc độ luật và tìm cách thuyết phục, song công an địa phương không vào cuộc? Sao chỉ vào cuộc đúng địa điểm chúng tôi tố cáo, trong khi có hàng chục điểm tương tự "ai cũng biết tiếng tăm" ở thủ phủ đặc sản chim trời vùng Kinh Bắc kia… mà không ai thật sự sờ đến? Sao công an các tỉnh khác lại vào cuộc trong các vụ việc tương tự như nhà Tú buôn chim kể trên? Đấy là chưa kể, các đường dây hầu hết vận chuyển chim trời sống, có con to gần 2kg, sải cánh dài hơn 1m, mà không ai bắt giữ xử lý? Khi điều tra vào đến các đại lý chim hoang dã lớn ở tỉnh Bến Tre, chúng tôi được cho xem sổ gửi chim đông lạnh qua đường hàng không ra Bắc Ninh.. Giờ tìm ra hang ổ của các người "đón hàng phía Nam" của ông kia, mà Tú chỉ là một ví dụ nhỏ.

Dấu hỏi buồn! Trong quá trình điều tra, có lần chúng tôi chứng kiến ở Nhà hàng Chim To Dần trên đường từ Vĩnh Yên đi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), các cán bộ quản lý thị trường vào kiểm tra. Họ kiểm tra từng cái nắp vung bẩn thỉu, song tuyệt đối không đả động gì đến các loài chim trời bị cầm tù và giết thịt, lòng mề, lông lá ngập ngụa bẩn thỉu. Ông chủ nhà hàng bày cách "tồn tại" trước sự giám sát của cơ quan chức năng: rằng một số lực lượng chức năng, không thu chim của chúng tôi được đâu, cũng không bắt đâu, bắt tiệt đi thì lấy gì mà họ… ăn (ý là ăn của lót tay). Cả chuỗi nhà hàng ở Hà Nam, rồi ở Bắc Ninh, nhiều nhân viên và chủ đều một mực khẳng định: có "đi cửa sau" rồi nên vô tư chả sợ bị bắt. Cô quản lý nhà hàng tên "Thứ Cò" thì thẳng ruột ngựa: chị làm luật hết rồi.

Mọi thứ cứ lọt vào ống kính của chúng tôi, rất khách quan, song nói ra thì sợ mình hồ đồ nghe bằng một cái tai. Dù thế nào, cũng không phải vì thế mà dấu hỏi buồn rầu cứ đay đả hiện ra mãi.

Vậy, với các tài liệu trên, chúng ta có quyền đặt câu hỏi về việc: Ngành hàng không vận chuyển chim hoang dã, chim quý hiếm – thứ hàng bị luật cấm bắn bẫy, giết chóc, buôn bán, vận chuyển, sử dụng – các vị có lỗi không? Mạng bán hàng trực tuyến chính quy, danh tiếng ở Việt Nam, bán đủ thứ bẫy, lưới, dụng cụ bắt chim với hình ảnh phản cảm giết chóc chim trời như vậy, rõ ràng là vi phạm. Các đối tương quảng cáo bán chim trời hàng vạn con một lúc, vi phạm về quảng cáo hàng cấm như thế, có ai xử lý không?

Động vật rừng thông thường vẫn được bảo vệ từ trước đến giờ, ngay từ những quy định của Luật phát triển rừng năm 1994. Rồi Luật năm 2004 và cả sửa đổi về Lâm nghiệp năm 2017, nó đều có nguyên tắc, cứ buôn bán trái phép các loài động vật rừng là bị xử lý.

Nếu câu trả lời có cho các dấu hỏi kia là: Không. Thì đúng là chúng ta đã đánh trống bỏ dùi, có luật mà không thực thi, giám sát, xử lý theo luật một cách triệt để chờ đến khi bầu trời tịnh hẳn, biến mất mọi dáng chim, tiếng hót của chim, rồi động vật hoang dã kia lây truyền dịch bệnh hủy diệt sự sống của con người (như Covid-19 hiện nay) thì đã là quá muộn. Có hối cũng không kịp. Và, nếu rủi ro đến thế, thì những cái chết đó - sau khi đã được cảnh báo, đã có những bài học đau lòng nhãn tiền – sẽ là những cái chết vì ngu dốt và đi ngược lại các giá trị tử tế của nhân loại tiến bộ.

"Đột kích" các tổng kho "hành quyết" chim trời! (Bài 4): "Chợ ảo", lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam! - Ảnh 6.

Công an thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra nhà hàng chim Thịnh Yến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem