Dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM): Sử dụng, tôn tạo 4.000m2 đất suốt 30 năm nhưng không được bồi thường GPMB

Cao Hùng - Đình Việt Thứ năm, ngày 28/09/2023 11:39 AM (GMT+7)
Một hộ dân ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi đang có khiếu nại về việc bồi thường, hỗ trợ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 (TP.HCM). PV Dân Việt đã vào cuộc tìm hiểu.
Bình luận 0

Sử dụng 4.000 m2 đất suốt 30 năm, được bồi thường 0 đồng

Phản ánh tới PV Báo điện tử Dân Việt, ông Võ Văn Nguyền (thường trú tổ 3, ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết: Ông Nguyền đang có khiếu nại về việc bồi thường, hỗ trợ liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 (TP.HCM) - đoạn đi qua xã Bình Mỹ và Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.

Dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM): Sử dụng, tôn tạo 4.000 m2 đất 30 năm, được bồi thường 0 đồng? - Ảnh 1.

Ông Nguyền cho rằng, mảnh đất ông nhận chuyển nhượng, sử dụng, tôn tạo 30 năm nay và đủ điều kiện được bồi thường. Ảnh: Dân Việt.

Theo ông Nguyền, năm 1992, ông có nhận chuyển nhượng hơn 4.000 m2 đất và một căn chòi từ vợ chồng ông bà Dương Văn Tâm - Nguyễn Thị Kiến, với giá 50 triệu đồng. Diện tích đất giáp ranh, chạy dài theo mảnh đất của vợ chồng ông Tâm đang canh tác, tọa lạc tại ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Mảnh đất này có nguồn gốc do vợ chồng ông Tâm khai phá trước năm 1975. Từ năm 1975 đến năm 1992, vợ chồng ông Tâm vẫn canh tác nông nghiệp trên khu đất này.

Việc mua bán được hai bên thỏa thuận với nhau và thống nhất trả tiền thành nhiều đợt. Sau đó, ông Nguyền cất nhà, sinh sống ổn định và canh tác tại mảnh đất đã nhận chuyển nhượng. Đến năm 2005, ông Nguyền thanh toán hết số tiền chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Tâm.

Việc mua bán được vợ chồng ông Tâm, bà Kiến xác nhận tại tờ thỏa thuận ngày 26/8/2005. Theo đó, vợ chồng ông Tâm khẳng định đã chuyển nhượng đất cho ông Nguyền từ năm 1992.

Năm 2010, ông Nguyền được cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân và số nhà tại địa chỉ trên. Lúc này, ông mới đủ điều kiện để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2011 và năm 2014, ông Nguyền làm thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM): Sử dụng, tôn tạo 4.000 m2 đất 30 năm, được bồi thường 0 đồng? - Ảnh 3.

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xác định, đất của ông Nguyền là đất lấn chiếm nên không có căn cứ bồi thường. Ảnh: Dân Việt

Tuy nhiên, khi đang làm thủ tục thì năm 2015, UBND xã Bình Mỹ mời ông lên họp và thông báo về việc quy hoạch đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ đi qua mảnh đất của ông. Vì vậy, ông không tiếp tục làm thủ tục nữa, mà vẫn sinh sống, canh tác trên mảnh đất từ đó cho đến nay.

Ngày 25/5/2023, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn đi qua xã Bình Mỹ và Tân Thạnh Đông của UBND huyện Củ Chi (Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) gửi văn bản số 5356 cho ông Nguyền, thông báo về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người có đất bị có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

Được bồi thường 0 đồng vì là đất … "lấn chiếm" (!?)

Ông Nguyền cho biết, theo phương án này, ông không thuộc trường hợp được bồi thường về đất, không được bồi thường, hỗ trợ về công trình, kiến trúc xây dựng trên đất và không thuộc trường hợp được bố trí tái định cư.

"Tôi chỉ được bồi thường một số tài sản khác là 26 loại cây trồng trên đất với giá là hơn 21,4 triệu đồng. Quá bức xúc với việc, mảnh đất của mình nhận chuyển nhượng, sử dụng, tôn tạo 30 năm, mà chỉ được bồi thường 0 đồng, nên tôi đang làm đơn khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền" – ông Nguyền thông tin.

Về lý do ông Nguyền được bồi thường 0 đồng tiền đất, tài liệu PV Dân Việt có được thể hiện, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xác định: Căn cứ theo Công văn số 1153 ngày 25/5/2023 của UBND xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi xác định trường hợp của ông Nguyền sử dụng đất rạch từ năm 2009.

Theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 11 Quyết định số 28/2018 của UBND TP.HCM thì trường hợp lấn, chiếm đất từ ngày 1/7/2004 trở về sau không được tính bồi thường hỗ trợ về đất.

Bên cạnh đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng xác định diện tích đất ông Nguyền sử dụng chỉ có 916 m2, còn hơn 3,582 m2 còn lại thuộc quản lý của UBND xã Bình Mỹ.

Phản biện về vấn đề trên, ông Nguyền cho biết mình không đồng đồng ý với nội dung phương án trên và cho rằng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có dấu hiệu chưa khách quan.

Bởi, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho rằng đất của ông thuộc trường hợp đất lấn chiếm nên không được bồi thường, hỗ trợ về đất.

Dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM): Sử dụng, tôn tạo 4.000 m2 đất 30 năm, được bồi thường 0 đồng? - Ảnh 4.

Diện tích đất ông Nguyền nhận chuyển nhượng giáp ranh, chạy dài theo mảnh đất của vợ chồng ông Tâm. Hiện nay vợ chồng ông Tâm đã nhận được bồi thường. Ảnh: Dân Việt

Trong khi đó, mảnh đất này ông được vợ chồng ông Tâm, bà Kiến sang lại năm 1992, ông đã cất nhà ở và sử dụng ổn định đến nay. Vì vậy, việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhận định ông sử dụng đất rạch từ năm 2009 và thuộc trường hợp lấn, chiếm đất là không có cơ sở, không đúng với thực tế.

Tiếp đến, theo Điều 75, Luật đất đai 2013, điều kiện được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm: "hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền đất hàng năm, có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của luật này mà chưa được cấp".

Vì vậy, ông Nguyền cho rằng, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 100 Luật đất đai 2013, ông đã đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đủ điều kiện để được bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Để có thông tin khách quan về vụ việc, PV Dân Việt liên lạc và chuyển nội dung tới bà Phạm Thị Thanh Hiền – Chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Bà Hiền gửi số và đề nghị phóng viên gọi cho ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua huyện Củ Chi để trao đổi.

Ông Nguyễn Thanh Phong yêu cầu PV gửi văn bản đề nghị cung cấp thông tin để có cơ sở chỉ đạo các cơ quan có văn bản phản hồi.

Ngày 19/9, Báo điện tử Dân Việt đã gửi công văn kèm câu hỏi tới Chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Ngày 27/9, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, huyện đã nhận được công văn và giao bộ phận liên quan tham mưu để trả lời Báo. 

Ở một diễn biến liên quan, theo thông tin PV Dân Việt nắm được, sau khi gửi đơn khiếu nại, Thanh tra huyện Củ chi đã vào cuộc xác minh và có một số buổi làm việc với ông Nguyền nhưng hiện chưa có kết luận.

Trong khi đó, ngày 30/8 vừa qua, Thường trực tiếp công dân của Quốc hội cũng chuyển đơn và tài liệu liên quan về vụ việc đến UBND huyện Củ Chi để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

Với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án có mức đầu tư lớn nhất trong các công trình giao thông phía Nam từ trước đến nay. Tuyến đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Dự án có điểm đầu tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), điểm cuối tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Khi hoàn thành, vành đai này cùng cao tốc Bến Lức sẽ tạo trục giao thông bao quanh khu vực TP.HCM, hạn chế xe phải chạy xuyên tâm qua nội đô.

Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics... Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển Vùng trọng điểm phía Nam.

Theo quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 được UBND TP.HCM ban hành, mức đền bù cao nhất là ở TP Thủ Đức.

Đây cũng là địa phương có đoạn Vành đai 3 dài nhất ở địa bàn thành phố, với gần 15 km trong hơn 47 km. Đoạn còn lại 33 km qua huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi.

Tại huyện Củ Chi, đường Hà Duy Phiên có giá đất ở cao nhất. Tuỳ vị trí, mức giá 9,4-19,5 triệu đồng mỗi m2. Đường Võ Văn Bích, mỗi m2 có mức giá 10,3-19,5 triệu đồng.

Tỉnh lộ 15 giá đất ở cũng xấp xỉ như trên với mức 9,1-19,2 triệu đồng mỗi m2. Giá đền bù thấp nhất tại huyện này là 2,1 triệu đồng/m3, thuộc loại đất trồng cây hàng năm, khu vực 2, vị trí 3 ở xã Bình Mỹ.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem