Du lịch Điện Biên: Cảnh tượng “hiếm có” khiến dân tình đổ xô tìm đến sau 30 năm "chìm trong bóng tối
Cảnh tượng "hiếm có" khiến dân tình đổ xô đến tỉnh dự kiến không bị sáp nhập này
Kiều Anh
Thứ tư, ngày 26/03/2025 13:00 PM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 3, bản Nặm Cứm (huyện Mường Ảng, Điện Biên) khoác lên mình một diện mạo rực rỡ hiếm có, khiến ai chậm chân cũng phải tiếc nuối...
Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh những địa danh lịch sử, Điện Biên còn hấp dẫn du khách bởi những địa danh có cảnh quan hùng vĩ và gần gũi với thiên nhiên như cánh đồng Mường Thanh, hồ Pá Khoang, Mường Phăng, động Xá Nhè hay đèo Pha Đin hoang sơ, hùng vĩ...
Điện Biên thuộc vùng núi Tây Bắc nên những món ăn ở đây cũng mang hương vị của núi rừng như Pa Pỉnh Tộp, gà nướng mắc khén, xôi nếp nương Điện Biên, gà đen Tủa Chùa,..
Với tiềm năng và giàu tài nguyên du lịch như vậy, Điện Biên sẽ là điểm đến thu hút du khách trong nước và nước ngoài. Điện Biên dự kiến là tỉnh không trong diện sáp nhập với tỉnh khác.
Du lịch Điện Biên: Đi giữa rừng hoa ban cổ, thấy mình như trẻ lại, yêu đời hơn
Tỉnh Điện Biên không bị sáp nhập với tỉnh khác. Tỉnh hấp dẫn du khách mỗi dịp hoa ban nở. (Ảnh: Sa Nguyen)
Cận kề cuối tháng 3, khi cái lạnh đầu xuân dần nhường chỗ cho tia nắng vàng đang xuyên từng vạt dài trên những triền đồi cao, mảnh đất Điện Biên – "kho báu" của đại ngàn Tây Bắc với những trang lịch sử hào hùng, khí thế đang "’vươn mình" rạng rỡ bởi được bao phủ bằng một sắc trắng tinh khôi, thanh khiết, mơ màng. Cảnh tượng đẹp như bức tranh ấy báo hiệu một mùa hoa ban nữa đã về trên từng ngóc ngách, núi đồi Điện Biên. Dù nở rộ chỉ độ 2-3 tuần rồi lại tàn, hoa ban vẫn được nhiều du khách lặn lội đường xa đến săn đón.
Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên khoảng 40km, bản Nặm Cứm, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ và tĩnh lặng. Những cây ban cổ ở đây có thân cao lớn, tán rộng, đứng vững chãi giữa núi rừng bao đời nay. Mùa hoa đến, cả khu rừng như bừng sáng với sắc trắng xen lẫn chút hồng phớt của cánh hoa, nổi bật trên nền xanh của núi rừng Điện Biên.
Là người đam mê xê dịch, từng rong ruổi qua nhiều cung đường Tây Bắc, nhưng chị Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1990, Hải Dương) chưa từng đặt chân vào một khu rừng nào ngập tràn hoa ban như Nặm Cứm.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Dung cho biết: "Tôi muốn đến Điện Biên chơi lâu rồi nhưng chưa có dịp phù hợp. Đợt này thấy hình ảnh về rừng hoa ban cổ và có một người bạn ở Điện Biên rủ về chơi nên tôi đi. Trước đây tôi đã ngắm hoa ban khi đi phượt Tây Bắc rồi, nhưng chủ yếu là hoa mọc lẻ tẻ bên đường.
Tôi chưa bao giờ đến một rừng ban nào cả, khi đến đây tôi vô cùng xúc động và choáng ngợp. Cả một vùng núi phủ trắng màu hoa, cây nào cũng cao lớn, tán rộng, tràn ngập sức sống. Tôi thấy rất xúc động, vì đất nước mình đẹp quá, biết ơn ông cha ta đã gìn giữ non sông để thế hệ sau như chúng tôi có điều kiện sống trong hoà bình mà ngắm cảnh đẹp này".
Đây là rừng ban tự nhiên được tỉnh bảo tồn, có hơn 1.000 gốc to khổng lồ, du khách khi vào check-in sẽ không mất phí. (Ảnh: Sa Nguyen)
Dọc tuyến đường từ trung tâm thành phố Điện Biên ra Nặm Cứm, sắc trắng của hoa ban xuất hiện khắp nơi, xen lẫn với màu xanh mướt của những thửa ruộng, những con suối nhỏ róc rách chảy ven đường. Cảnh sắc thay đổi qua từng đoạn đường, khiến chuyến đi này trở thành một hành trình tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà không đơn thuần là đến một điểm du lịch.
Mỗi thời khắc trong ngày, rừng hoa ban Nặm Cứm lại mang một nét đẹp khác biệt, chạm đến những góc sâu nhất trong lòng người lữ khách. Nếu như vào buổi chiều tà khi hoàng hôn buông xuống, rừng hoa ban cổ khoác lên "lớp áo" trầm mặc khiến cô gái 9X quên đi những bộn bề của cuộc sống, thì trong buổi sớm bình minh, rừng ban bừng lên sức sống mãnh liệt, trong veo và căng tràn. Đi giữa những tán hoa ban rực rỡ, chị Dung thấy mình như trẻ lại, yêu đời và đầy hứng khởi hơn.
Với những ai yêu thích thiên nhiên và muốn tận hưởng mùa hoa ban Điện Biên một cách trọn vẹn, tháng 3 là thời điểm lý tưởng nhất. Đây là lúc tiết trời Tây Bắc mát mẻ, nắng dịu dàng, rất thích hợp cho những chuyến đi khám phá. (Ảnh: Sa Nguyen)
"Mùa hoa ban ở Nặm Cứm không kéo dài lâu, chỉ khoảng 2-3 tuần rồi nhanh chóng tàn. Vì vậy, để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp này, du khách cần canh đúng thời điểm. Đi "săn" hoa mà, nên phải tuỳ thuộc vào thời tiết khá nhiều. Lý tưởng nhất là những ngày trời nắng, khi ánh sáng chan hòa làm bật lên sắc hoa tinh khôi.
Nếu gặp mưa gió, cánh hoa sẽ rụng nhiều, mất đi vẻ đẹp rực rỡ nhất. Theo tôi và nhiều du khách trong cùng chuyến đi hôm ấy, săn hoa ban vào tháng 3 là đẹp nhất, thời tiết mát mẻ, đúng mùa hoa. Mọi người nên cập nhật thường xuyên trên các group và trang du lịch để biết thời điểm hoa nở. Và lưu ý là khi đi, nên giữ gìn cảnh sắc chung, không bẻ cành hoa hay vứt rác bừa bãi", cô gái sinh năm 1990 cho hay.
Không chỉ có hoa ban, Điện Biên còn hấp dẫn du khách bởi những di tích lịch sử, những bản làng yên bình và con người nồng hậu. Được biết, dự kiến tỉnh Điện Biên cũng là một trong những tỉnh không bị sáp nhập. (Ảnh: Sa Nguyen)
Là điểm đến vẫn còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ khi chưa bị "du lịch hóa" quá mức, bản Nặm Cứm tạo nên sức hút riêng biệt bởi không xô bồ, không ồn ào, chỉ có núi rừng, hoa ban, bản làng yên bình cùng nếp sống văn hóa độc đáo. Những hộ dân sinh sống trên sườn núi dốc, từng ngôi nhà như những bậc thang phân tầng bám chặt vào trục đường bê tông uốn lượn giữa bản, tạo thành một hình xương cá độc đáo giữa núi rừng Điện Biên.
Vào mùa hoa ban, hình ảnh những mái nhà đơn sơ nép mình dưới tán hoa trắng xóa tạo nên một khung cảnh thơ mộng, mộc mạc nhưng đầy sức sống. Đây chính là nét đặc trưng hiếm có của Nặm Cứm. Tuy nhiên, cũng vì chưa được khai thác mạnh mẽ, nơi đây vẫn còn thiếu những dịch vụ hỗ trợ du lịch, đặc biệt là chỗ lưu trú cho du khách muốn ở lại trải nghiệm sâu hơn.
Chuyến đi ấy, chị Dung không chỉ mang về những tấm ảnh đẹp mà còn lưu lại trong tim kỷ niệm đáng quý về con người Điện Biên. (Ảnh: Sa Nguyen)
Chia sẻ với Dân Việt, chị Kim Dung cho biết: "Khoảng 2 tháng trước, điện lưới mới được kéo về bản để phục vụ sinh hoạt, cuộc sống của người dân. Cũng chính vì thế mà homestay khan hiếm, khách du lịch muốn ở lại qua đêm thì phải xin nghỉ nhờ tại nhà dân, đó là điều bất cập mà nhiều du khách còn đắn đo. Một hướng đi tiềm năng cho Nặm Cứm là phát triển mô hình homestay cộng đồng, nơi du khách không chỉ nghỉ lại mà còn được hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương.
Việc này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mang lại nguồn thu nhập bền vững cho bà con. Bên cạnh đó, chính quyền và người dân cũng có thể tổ chức thêm các hoạt động du lịch trải nghiệm như ẩm thực bản địa, hướng dẫn du khách đi săn hoa ban, trekking núi rừng, tạo nên những hành trình đáng nhớ mà vẫn giữ được sự mộc mạc, gần gũi của vùng đất này".
Theo chị Dung chia sẻ, đường đến bản được rải nhựa cải thiện nên dễ dàng đi xe ô tô vào. (Ảnh: Sa Nguyen)
Một mình đến Điện Biên "săn" loài hoa đặc trưng nở vào tháng 3, chị Nguyễn Thị Kim Dung chưa từng cảm thấy lạc lõng bởi luôn được đón tiếp bằng tất cả sự nhiệt thành, hiếu khách của người dân bản địa. Dù chỉ quen biết qua những cuộc trò chuyện trên mạng, gia đình và bạn bè của người bạn ở Điện Biên ấy đã dẫn chị đến những nơi chị muốn khám phá, nhiệt tình giới thiệu từng cảnh đẹp, từng món đặc sản của vùng đất này bằng một niềm tự hào vô bờ.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa tới dự lễ đóng điện tại bản Nặm Cứm - nơi gần 30 năm chưa có điện. (Ảnh: Vinh Duy)
Ấn tượng sâu sắc nhất với chị chính là nụ cười của những cô gái Điện Biên – tươi tắn, duyên dáng, rạng rỡ như chính sắc hoa ban bung nở giữa trời xuân Tây Bắc. Ở họ có sự gần gũi, vui vẻ, một vẻ đẹp dung dị nhưng đủ sức làm ấm lòng những kẻ lữ hành xa lạ.
"Điện Biên nhắc nhở tôi về lòng biết ơn và tình yêu Tổ quốc, về lòng tốt và tình người nồng nhiệt ấm áp. Xe chạy giữa cánh đồng trải dài theo dòng suối chảy, hoa trắng hồng nở khắp triền đồi, tôi như nhìn thấy mái tóc xanh bay trong gió và nụ cười rạng rỡ. Đó là tôi trong những ngày rực rỡ nhất. Tôi cảm thấy cảnh sắc đẹp một phần, nhưng nếu nhìn mỗi nơi mình sống, mỗi chặng đường mình đi qua với lòng biết ơn thì cuộc sống sẽ nhiều ý nghĩa và nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này cũng đẹp tuyệt vời", chị Dung chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.