Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Câu chuyện gói phục hồi kinh tế đã làm nóng nghị trường khi tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế quá sâu. Quy mô gói hỗ trợ thế nào để đủ vực dậy nền kinh tế, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra là 6 – 6,5%... đang là vấn đề cả nước quan tâm.
Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Cung, để tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6- 6,5% thì cần phải có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, có thể lên tới 800.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 35 tỷ USD), trong đó ít nhất 1%GDP là tiền mặt.
Bên cạnh việc kích cầu tiêu dùng, ông Cung cho rằng cần phải tháo được điểm nghẽn của đầu tư công, làm sống lại khu vực kinh tế Nhà nước đã chết 10 năm nay, tạo thị trường cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển…
Tất cả những điều đó sẽ là tổng hòa tạo nên sức đẩy cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong những năm tới, đừng quá lo ngại về lạm phát để cả nền kinh tế "chết đói".
Quốc hội vừa thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với GDP tăng khoảng 6 – 6,5%. Ông đánh giá sao về mục tiêu này?
- Tại Việt Nam, cứ 10 năm có một cuộc khủng hoảng và sau mỗi cuộc khủng hoảng tăng trưởng kinh tế đều xuống mức đáy.
Như cuộc khủng hoảng đầu tiên - cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ xảy ra năm 1997 - 1998 ở khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam bị tác động nhất định giảm xuống mức sâu 4,77% (năm 1999) và đến khi bật trở lại chỉ lên được mức 6,79%, tức là tăng được trên 2 điểm %.
Cuộc khủng hoảng thứ 2 là giai đoạn 2008 – 2011, tăng trưởng GDP lùi về mức 5,2% và sau đó tăng lên 6,4%, tức là tăng trên 1 điểm %.
Điều này cho thấy, để hồi phục kinh tế, chúng ta phải mất rất nhiều năm và đi lên một cách đều đều, năm sau chỉ tăng lên 1 - 2 điểm % chứ không có bước nhảy vọt như ở Châu Âu hay các nước khác (năm trước 3% mà năm nay lên 6%).
Cuộc khủng hoảng lần này sâu và toàn diện là y tế - kinh tế và hy vọng không phải là tài chính. Hai năm nay, mức tăng trưởng GDP của nước ta đã ở mức đáy, như năm 2020 là 2,91% và dự kiến năm 2021 chỉ khoảng 2%. Như vậy, đạt được 6 - 6,5% như mục tiêu đề ra, tăng trưởng GDP năm 2022 phải "nhảy" hơn 4 điểm % so với năm 2021 - tôi nghi ngờ về điều đó.
Nhưng ông nói, cuộc khủng hoảng lần này hy vọng không phải là tài chính mà là cuộc khủng hoảng y tế - kinh tế. Vì sao ông lại hoài nghi về tính khả thi của tăng trưởng GDP năm 2022 là 6 – 6,5%?
- Tôi muốn nói rằng, cuộc khủng hoảng năm 1997 – 1998, kinh tế của Việt Nam chưa phát triển và đây thực tế là cuộc khủng hoảng từ bên ngoài, khủng hoảng từ tài chính Châu Á ập vào và nhu cầu trong nước yếu nhưng không sụt giảm nhiều.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng thứ 2 (2008 – 2011) là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kết hợp với yếu kém của nội tại cơ cấu kinh tế trong nước nên làm khuếch trương tác động đó lên.
Tại thời điểm đó, nhu cầu thị trường trong nước không giảm mà đang rất mạnh. Vì chúng ta tăng trưởng nóng, mở rộng chính sách tiền tệ giai đoạn 2006 – 2008 dẫn tới lạm phát dềnh lên. Khi đó, cộng thêm 1 gói kích cầu nên lạm phát giống như "đổ dầu vào lửa" và đỉnh điểm là năm 2008 lên tới 19,90%.
Nhưng cuộc khủng hoảng lần này rất khác. Thời điểm này kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn nhiều so với thời kỳ 2011 – 2012.
Vấn đề của cuộc khủng hoảng lần này lại nằm ở tổng cầu. Hiện tổng cầu của nền kinh tế rất yếu, khu vực kinh tế thực cũng rất yếu. Do không có cải cách gì đáng kể nên thị trường chưa đủ phát triển để có thể tự phân bổ nhanh nguồn lực tự nơi thừa sang nơi thiếu, từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả.
Cùng với đó việc thực thi chính sách cũng rất chậm, độ trễ rất lớn (nếu như cuối năm thông qua chương trình phục hồi kinh tế thì cuối năm sau mới có tác động). Vì vậy, khả năng tăng trưởng GDP nhảy tới 4% trong năm 2022 là khó khả thi, kể cả có hỗ trợ như hiện nay.
Ông nói rằng, kể cả có hỗ trợ như hiện nay thì kinh tế của Việt Nam cũng khó có thể tăng trưởng cao, ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?
- Hỗ trợ như hiện nay tức là thông điệp hỗ trợ chưa rõ ràng, gói hỗ trợ không đủ mạnh và đủ nhanh.
Chúng ta nhìn thấy rằng, đây là cuộc khủng hoảng y tế chuyển sang kinh tế rất trầm trọng. Nhìn chung các nước chống dịch dù là Zero Covid hay sống chung với dịch thì căn bản giải pháp đều giống nhau ở chỗ: Phong tỏa (lockdown), giãn cách xã hội, sau này có vaccine Covid-19 thì tiêm phòng và áp dụng các tiêu chí 5k sau đó đến thuốc đặc trị.
Khi bị phong toả, giãn cách xã hội người dân ở nhà không được đi đâu, có đi đâu thì đi rất chậm (ngày trước đi 100km thì bây giờ chỉ đi được 20km) dẫn tới việc, người dân không có công ăn việc làm, không có thu nhập. Không có thu nhập và việc làm thì không chi tiêu, dẫn tới cầu giảm xuống và tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước "nhảy vào" hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ về mặt tăng chi tiêu y tế mà hỗ trợ cả thu nhập của người dân và doanh nghiệp để họ sống qua thời kỳ này. Các nước gọi là "trực thăng rải tiền" là thế, cho nên càng các nước phát triển họ hỗ trợ càng nhiều, có nước mức hỗ trợ lên tới 20 – 40%GDP.
Nhờ đó, ở các nước đó, người dân mất việc làm, giảm tiền lương nhưng không giảm thu nhập vì thu nhập được Nhà nước bù đắp vào. Cho nên khi hết phỏng toả, giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường thì nhu cầu chi tiêu của người dân tăng vọt lên và từ đó tăng trưởng kinh tế phục hồi rất nhanh. Những năm trước tăng trưởng GDP của các quốc gia này chỉ 2 – 3% là cao, nhưng năm nay vọt lên 6% và Mỹ là một điển hình.
Tại trong nước, diễn biến cũng hoàn toàn tương tự nhưng mức độ nghiêm trọng hơn. Quý III/2021 gần như cả nước phong tỏa, giãn cách xã hội và hơn 1 nửa dân cư bị lockdown do tập trung tại các thành phố lớn.
Kết quả, tăng trưởng giảm sâu 6,17%, trong đó cầu giảm sâu do người dân giảm chi tiêu. Đến thời điểm hiện tại, đang có sự phục hồi nhưng chắc chắn không thể phục hồi nhanh được vì người dân không có tiền để chi tiêu.
Thời gian qua Chính phủ cũng có hỗ trợ cho người dân nhưng chỉ tiếp cận theo hướng an sinh, mỗi người bình quân chỉ 1 triệu đồng, trong khi đó mỗi tháng giả sử thu nhập của họ là 6 triệu, 4 tháng là 24 triệu. Rõ ràng, mức hỗ trợ quá nhỏ so với số tiền mà người lao động bị mất mát do dịch Covid-19. Thời gian qua, dòng người ồ ạt về quê do dịch Covid-19 cũng là một dẫn chứng cho thấy người dân không thể xoay sở được vì cạn tiền và không vay mượn được nữa.
Về đầu tư, đầu tư công và đầu tư tư nhân được xem là động lực tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cũng đều sụt giảm. Nhưng yếu tố này nói lên một điều, tăng trưởng kinh tế sẽ không thể bật mạnh nếu không có sự đột phá trong giải pháp.
Để hỗ trợ tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 – 2023. Vậy theo ông quy mô gói này bao nhiêu thì có thể thúc đẩy được tăng trưởng?
- Để phục hồi kinh tế, gói hỗ trợ không thể là 1 – 2%GDP. Gói phục hồi kinh tế càng lớn càng tốt và theo tôi có thể lên tới 800.000 tỷ (khoảng 35 tỷ USD), trong đó ít nhất phải có 1%GDP là hỗ trợ bằng tiền mặt – tôi nhấn mạnh đây là ít nhất.
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới 800.000 tỷ đồng? Gói lớn như vậy sẽ tác động thế nào tới các cân đối lớn của nền kinh tế như bội chi ngân sách, nợ công và thậm chí là những bất ổn vĩ mô khác, thưa ông?
- Giả sử Chính phủ có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là 800.000 tỷ đồng trong 2 năm, như vậy mỗi năm khoảng 400.000 tỷ đồng, tức là 17 tỷ USD. Với quy mô như vậy, bội chi ngân sách năm 2022 sẽ lên khoảng 8%. Đây là mức phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng quan trọng là chi tiêu thế nào cho hiệu quả.
Tôi cho rằng, cần phải mạnh dạn sử dụng công cụ tài khóa, tăng bội chi ngân sách lên, đặt con số 4% trong năm 2022 là không đủ, bội chi phải khoảng từ 8 – 10%GDP.
Năm 2023 cũng tương tự, nhưng mức bội chi chỉ vào khoảng 5 – 6%GDP vì GDP 2022 đã tăng lên rồi.
Như ông có đề cập, cần gói lớn và trong đó ít nhất phải có tới 1%GDP là tiền mặt. Tuy nhiên, tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lo ngại việc hỗ trợ bằng tiền mặt có thể gây ra lạm phát. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Khi các nước thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới hàng chục phần trăm GDP họ có lo lạm phát và bất ổn vĩ mô không? Chính phủ nước đó lo chứ. Nhưng họ đánh giá đó chỉ hiện tượng nhất thời và không thể không làm bởi không để dân "chết đói" được.
Như Mỹ, năm nay lạm phát lên tới 5 – 6%, Châu Âu lạm phát 3% - cao hơn nhiều so với những năm trước nhưng họ chấp nhận – Cái giá phải chấp nhận để lo cho cuộc sống người dân sau dịch và sau đó lạm phát sẽ quay trở lại bình thường.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến lạm phát đó là cầu kéo và phí đẩy. Hiện nay cầu đang rất thấp, đồng ý là có phí đẩy nhưng phần lớn chúng ta chủ yếu là nhập khẩu bên ngoài. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu lại là đầu vào cho xuất khẩu, còn trong nước cũng bị ảnh hưởng từ giá xăng dầu, than… nhưng không nhiều, sẽ có thị trường giải quyết.
Chưa kể, khi mình bắt đầu lo lạm phát vào năm 2022, lạm phát của các nước trên thế giới sẽ đi xuống (do tác động này chỉ là tác động nhất thời), cho nên áp lực lam phát từ bên ngoài vào Việt Nam sẽ giảm.
Về cung tiền, vòng quay tiền hiện nay đang rất chậm. Vòng quay đồng tiền năm nay chỉ ở mức khoảng 0,6-0,7 lần, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần ở thời kỳ cao điểm. Do đó, khối lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế không lớn, do đó chưa phải lo gì đến lạm phát.
Mấy năm nay mục tiêu lạm phát 4%, nhưng chúng ta chỉ duy trì 2 – 3% và như các nước, Việt Nam có thể chấp nhận 1 năm (năm 2022) lạm phát vượt 4% hoặc lên tới 5%, năm tiếp theo chúng ta giảm xuống.
Lúc này là lúc phải chi tiền, vai trò của Nhà nước phải tăng lên, phải nhảy vào. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là nằm ở chỗ này, vận dụng vào thời điểm này là phù hợp. Không thể có cơ hội nào vận dụng kinh tế Nhà nước là chủ đạo tốt nhất vào thời điểm này.
Vậy cách tiếp cận hỗ trợ có nên thực hiện như hiện tại hay không, thưa ông?
- Về cách tiếp cận, thứ nhất muốn tăng trưởng nhanh nhất là tăng tổng cầu.
Muốn như vậy, chúng ta phải thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Hiện nay, chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng an sinh xã hội, tức là không cho người ta đói nên gói hỗ trợ còn quá ít, thực hiện quá rón rén.
Bây giờ chúng ta phải mở nhiều hơn trợ cấp tiền mặt cho người dân để người dân không chỉ có tiền mua bánh mì mà phải có tiền mua quần áo, giày dép… Hay nói cách khác, phải nhìn theo hướng tăng chi tiêu, chứ không dừng ở câu chuyện an sinh xã hội. Có người mua, có thị trường tiêu thụ thì doanh nghiệp mới phục hồi sản xuất được.
Hai là, tăng đầu tư công, bởi trong bối cảnh hiện nay đầu tư công là dẫn dắt mạnh nhất cho tăng trưởng. Cái dở của chúng ta là, nói không chi tiêu được thì không chi. Nếu như không giải ngân được thì phải tìm xem vướng ở đâu, mắc chỗ nào từ đó tìm giải pháp. Thực tế ngoài kia, bao nhiêu dự án cần tiền thì không chịu chi hoặc bỏ ra không đủ, trong khi đó lại chi vào những chỗ chưa cần tiền.
Chính phủ cần phải tập trung giải quyết các vướng mắc hiện nay, khởi động nhanh các dự án lớn, tập trung nguồn lực vào đó và dự án đó không thể không làm như vành đai 3, vành đai 4, dự án đường cao tốc kết nối TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Phước, sân bay Long Thành,… càng chần chừ chi phí càng đội lên. Và để đẩy nhanh, theo tôi chuyển tất cả những dự án PPP thành đầu tư công hết, để dùng một cơ chế để xử lý.
Ví dụ như dự án cao tốc Bắc – Nam chuyển hết sang đầu tư công đi, làm sao còn việc khó khăn, dẫn tới sự chậm chạp do thiếu vốn.
Mình thiết kế chương trình kích cầu và tăng trưởng kinh tế theo hướng như thế thì mới vực dậy được nền kinh tế. Chứ bây giờ chúng ta không thể nói nền kinh tế này hấp thụ kém không dám đẩy tiền vào và chấp nhận như thế. Đó là tư duy sai lầm. Chúng ta phải làm cho nền kinh tế hấp thụ tốt, đó mới là chương trình phục hồi và tăng tốc. Nếu không làm gì thì sang năm tăng trưởng GDP không thể đạt 6%.
Ngoài những động lực mà ông nói đó là tăng tiêu dùng, đầu tư công vậy tăng trưởng kinh tế còn có động lực ở đâu?
- Còn có những động lực khác. Ví dụ như khu vực kinh tế Nhà nước, chết 10 năm nay phải cho nó sống lại.
Tài sản công nhiều đừng lo mất tài tài sản công mà hãy lo tạo ra giá trị nhiều hơn từ tài sản công, tạo giá trị gia tăng, quản lý thiên về giá trị đừng thiên về hiện vật. Một cái bàn vứt vào sọt rác thì chả có ý nghĩa gì nhưng mọi người vẫn vỗ tay vì cái bàn vẫn còn, nhưng thực ra không tạo ra giá trị gì.
Doanh nghiệp Nhà nước rất nhiều hãy để nó tạo ra giá trị bằng động lực thị trường. Tức là, hãy để thị trường vận hành thế, động lực thị trường không chỉ là thị trường hàng hóa mà cả thị trường cán bộ. Chúng ta hãy tìm kiếm những người giỏi để điều hành, tạo cơ chế cho họ để họ làm. Cách đây 5 năm tôi đã nói với Thủ tướng nếu cải cách, thay đổi điều hành có thể tăng thêm 1,5 - 2% GDP khối tài sản này.
Chưa nói đến tài sản đất đai, nếu vốn hóa được thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, có nghĩa là có thể chuyển nhượng thành tiền, khi đó lưu chuyển rất nhanh. Nếu làm được nông dân cũng giàu lên chuyển đổi nghề nghiệp…
Vậy còn khu vực kinh tế tư nhân, theo ông điều họ cần nhất bây giờ là gì?
- Thứ nhất, mở cửa thị trường đừng ngập ngừng gì cả. Hai là, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi. Ba là, tạo tăng sức cầu thị trường để có người mua. Sau cùng, chúng ta mới tính đến hỗ trợ và ưu đãi thuế.
Hiện nay có ý kiến cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp khỏe để kéo các doanh nghiệp yếu. Ông nghĩ sao?
- Tôi tiếp cận nền tảng chung, không tiếp cận theo hướng đó.
Trong xã hội này còn nhiều người có sáng kiến kinh doanh và họ sẽ xuất hiện mới - cái đó mới là đáng quan tâm. Bởi những doanh nghiệp hồi phục thì chỉ giữ được mức tăng trưởng bình thường, những doanh nghiệp mới, những cái mới là động lực tăng thêm.
Cho nên tạo 1 khuôn khổ, 1 động lực để thúc đẩy những cái mới - đây mới là quan trọng và hy vọng có thể tăng trưởng cao, nếu không chỉ quay 5 – 6 % như trước.
Doanh nghiệp nào vươn dậy được thì tự vươn dậy được và chắc chắn khi có thị trường phần lớn sẽ vươn dậy được.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.