ĐBQH đề nghị gói hỗ trợ tiền mặt khoảng 3 - 4%GDP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sợ lạm phát

Thanh Phong Thứ năm, ngày 11/11/2021 17:49 PM (GMT+7)
Trong phiên chất vấn chiều 11/11, ĐBQH cho rằng cần phải sử dụng gói hỗ trợ bằng tiền mặt khoảng 3 - 4%GDP, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực.
Bình luận 0

Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về việc sử dụng gói hỗ trợ bằng tiền mặt khoảng 3-4% GDP.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng KH&ĐT bày tỏ lo ngại nếu cấp tiền mặt cho người dân có thể xảy ra nguy cơ tăng lạm phát. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thể hiện quan điểm ủng hộ nới bội chi và nợ công trong một khoảng có thể kiểm soát được.

Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu không nới thì rất khó có điều kiện để tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng sẽ không thể thực hiện các mục tiêu đề ra.

Phục hồi kinh tế: Ông Nguyễn Chí Dũng lo ngại hỗ trợ tiền mặt gây lạm phát, đề nghị nới bội chi, nợ công - Ảnh 1.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

"Nếu không nới bội chi và nợ công, chúng ta sẽ có thể bỏ hết các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ thời kỳ dân số vàng hay từ các hiệp định thương mại tự do, chúng ta sẽ lỡ nhịp cuộc chơi và tụt hậu", ông Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, việc nghiên cứu nới bội chi và nợ công phải trên nguyên tắc làm quy mô nền kinh tế lớn lên. Khi đó, bội chi và nợ công sẽ tự giảm xuống, có thể cao hơn số cũ một chút nhưng có thể chấp nhận được.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu không nới nợ công và bội chi nền kinh tế sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Khi đó, nền kinh tế không thể phát triển mà nợ công, bội chi vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, trả lời đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) về giải pháp và chủ trương cụ thể để đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế thời gian tới, Bộ trưởng Dũng cho biết sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính:

Thứ nhất là tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc mở cửa sẽ chắc chắn, an toàn, có lộ trình và phù hợp với chiến lược chống dịch và khả năng tiêm vaccine cũng như nguồn cung thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

Thứ hai là hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ các đối tượng diện chính sách, người lao động, đào tạo, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Thứ ba là hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, gồm hỗ trợ sức chống chịu đặc biệt ở một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Bộ đang xem xét, trình Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài, gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp; cấp bù lãi suất cho một số doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên vay.

Thứ tư là phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP; đẩy mạnh đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược, trọng điểm quốc gia, mang động lực lớn; đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập.

Thứ năm là tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; có chính sách quản trị rủi ro, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem