ĐBQH: Kiểm soát giá cả không để đầu cơ lũng đoạn làm cho lạm phát tăng cao như hồi năm 2008
ĐBQH: Kiểm soát giá cả không để đầu cơ lũng đoạn làm cho lạm phát tăng cao như hồi năm 2008
Huyền Anh
Thứ ba, ngày 09/11/2021 15:49 PM (GMT+7)
Cần tăng cường quản lý và kiểm soát giá cả, không để đầu cơ lũng đoạn làm cho lạm phát tăng cao như hồi những năm 2008. Đó là một trong những giải pháp được ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh tại phiên thảo luận chiều nay, 9/11.
Chiều 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế -xã hội; ngân sách Nhà nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ động vaccine, không để đầu cơ lũng đoạn giá
Phát biểu trong phiên thảo luận chiều nay, ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã tác động nghiêm trọng nhiều mặt, nhiều lĩnh vực đến kinh tế - xã hội, và dịch bệnh hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp – rất đáng quan ngại.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai ông Ngân thấy rằng Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển cao và tăng tốc. Quá trình đổi mới và cơ cấu lại nền kinh tế đã giúp cho Việt Nam có được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo được cân đối lớn của nền kinh tế. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, các thị trường lớn về xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ và châu Âu đang phục hồi rất mạnh. Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển từ 14 FTA.
Với những thành tố nêu trên, ĐBQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự đồng ý với 16 chỉ tiêu kế hoạch về kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 6 – 6,5%. Thậm chí theo ông Ngân, nếu kiểm soát dịch tốt, tăng trưởng GDP có khả năng còn tăng cao hơn.
Ông Ngân cũng cơ bản đồng tình với 12 nhóm giải pháp quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ đã trình bày, để thực hiện mục tiêu nêu trên.
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh thêm một số giải pháp sau đây.
Thứ nhất, về kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ông Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm thêm vấn đề tự chủ vaccine. Bởi vaccine mang thương hiệu Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho chúng ta chủ động nguồn vaccine để cung cấp và đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để sớm hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine Nanocovax và vaccine Covivac. Ông Ngân cũng đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp, tránh bị động.
Hai là, tăng cường quản lý và kiểm soát giá cả không để đầu cơ lũng đoạn giá làm cho lạm phát tăng cao trở lại như hồi những năm 2008, lạm phát lên tới 23%, năm 2011 là 18,26% và 2012 gần 10%.
"Để lạm phát cao sẽ phá vỡ việc thực hiện các kế hoạch đã đề ra", ông Ngân nhấn mạnh.
Nợ công giảm nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính Phủ đã gần chạm trần
Ba là, tập trung giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch và hiệu quả.
"Năm 2021 chúng ta có kế hoạch đầu tư công 477.300 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 65%, còn lại trên 160.000 nghìn tỷ đồng cần phải tập trung giải ngân để tạo đà phát triển cho giai đoạn tới.
Năm 2022, kế hoạch đầu tư công lên tới 526.100 tỷ đồng – đây vừa là cơ hội vừa là thử thách lớn. Nếu cần nâng đầu tư công lên nữa chúng ta cần chú ý đến yếu tố giải ngân và xem xét ưu tiên đầu tư các khu vực ưu tiên trọng điểm có tính lan tỏa, để góp phần tăng nguồn thu ngân sách giai đoạn tới. Bởi hiện nay tuy nợ công có giảm nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã lên tới 24,8% so với trần 25%", ông Ngân nói.
Cuối cùng, để kinh tế tăng trưởng 6 – 6,5%, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân phải huy động được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong nhân dân gần 2 triệu tỷ đồng.
Muốn vậy, Chính phủ phải có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, mức hỗ trợ từ 2 – 3% cho khoản dư nợ từ 1 triệu tỷ đến 2 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu hỗ trợ trong 2 năm, nguồn lực để hỗ trợ là 40.000 – 60.000 tỷ đồng. Nguồn này có thể lấy từ đầu tư công chưa phân bổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.