EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng năm 2023: Giá điện rục rịch tăng?

An Linh Thứ năm, ngày 10/10/2024 08:48 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận số lỗ hơn 21.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 872 triệu USD.
Bình luận 0

EVN lỗ "ngót" tỷ USD năm 2023

Bộ Công thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN. Đây là kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện của các Bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 trên 528.604 tỷ đồng, gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.

EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng năm 2023: Giá điện rục rịch tăng? - Ảnh 1.

EVN lỗ năm 2023 gần 22.000 tỷ đồng (Ảnh: EVN)

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đ/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022 (trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).

Tổng chi phí khâu phát điện là 441.356,37 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.744,12 đ/kWh; so với năm 2022, chi phí năm 2023 tăng 29.112,84 tỷ đồng.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 18.879,15 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 74,61 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 66.773,11 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 263,87 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.595,60 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,31 đ/kWh.

Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 428, 54 tỷ đồng.

Theo báo cáo, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2023 là 253,05 tỷ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359,28 tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đ/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.

Cân đối từ các kết quả trên, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Cân đối các khoản thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng. Nhờ đó, số lỗ giảm xuống lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Bộ Công Thương cho biết, kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 khoảng 18.032,07 tỷ đồng, bao gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá (CLTG) thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020-2023.

Trước đó, năm 2022, EVN có số lỗ 20.747 tỷ đồng, tổng số lỗ năm 2022-2023 dự kiến của EVN tăng lên khoảng 47.500 tỷ đồng.

Trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã được điều chỉnh tăng 2 lần (3% vào tháng 5/2023 và mức 4,5% vào tháng 11/2023). Với 2 lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Ngày 15/5/2024, Chính phủ bán hành Quyết định số 05/2024 về quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trong đó giá điện bán lẻ bình quân được điều chỉnh 3 tháng/ lần (tương đương 4 lần/năm).

Giá điện bán lẻ bình quân được điều chỉnh trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành - quản lý ngành.

Các khoản chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó chi phí các khâu có tính đến các khoản giảm trừ giá thành theo quy định.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2024, Bộ Công Thương và EVN chưa điều chỉnh tăng, giảm giá điện lần nào theo Quyết định nói trên. Rất có thể, trong thời gian ngắn tới giá điện sẽ được điều chỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem