Trần Oánh
Thứ bảy, ngày 13/01/2024 12:10 PM (GMT+7)
Với những gì có trong tay, câu hỏi mà nhiều người quan tâm, đó là HLV Troussier có "chơi tất tay" với Nhật Bản hay không, hay là xếp đội hình phụ, thi đấu cầm chừng, giữ sức để giải quyết trận gặp đối thủ trực tiếp là Indonesia?
Nhật Bản là đội bóng hàng đầu châu lục, gặp Nhật Bản luôn là vấn đề đối với ĐT Việt Nam, chưa kể họ đang có 1 phong độ đáng sợ, cùng thói quen vùi dập các đối thủ mỗi khi gặp mặt. Điều đó được thể hiện ở bảng thống kê kết quả 10 trận đấu gần đây của ĐT Nhật Bản. Dường như những người hâm mộ bóng đá Việt Nam hiểu rằng, chiến thắng, hay có điểm trước ĐT Nhật Bản bây giờ là nhiệm vụ bất khả thi đối với thầy trò HLV Troussier. Họ chỉ mong rằng ĐT Việt Nam sẽ không bị thua quá đậm và các cầu thủ của chúng ta cũng có thể trình diễn được ít nhiều về lối đá trước đối thủ được cho là mạnh nhất châu lục này.
Câu hỏi đặt ra là các học trò của HLV Troussier sẽ đá thế nào trước Nhật Bản?
Cứ mỗi lần ĐT Việt Nam gặp 1 đối thủ mạnh là người ta lại nhắc đến HLV Park Hang-seo, không chỉ vì những kết quả khả quan khi đối đầu những đối thủ mạnh hơn mà còn vì lối đá đặc thù rất khó chịu của các cấp ĐT Việt Nam với sự dẫn dắt của vị HLV bậc thầy về lối đá phòng ngự phản công này. Họ cho rằng trước 1 đối thủ quá mạnh, lối đá kiểm soát của HLV Troussier là không khả thi.
Thực tế, nếu hiểu rằng đội bóng của HLV Troussier luôn tìm cách kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận trước mọi đối thủ là chưa đủ. HLV Troussier đang muốn xây dựng 1 đội bóng có thể kiểm soát trận đấu khi gặp các đối thủ vừa tầm, kiểm soát bóng, ban đập, phối hợp, dồn ép đối thủ, tạo cơ hội và ghi bàn. Còn trước các đối thủ mạnh hơn, ông vẫn chủ trương phòng ngự phản công, chỉ khác là cách tổ chức các đợt phản công đó như thế nào thôi.
Trước sức ép cực lớn của đội Nhật Bản, chắc chắn các cầu thủ của chúng ta sẽ chủ yếu là phòng ngự, chống đỡ các đợt tấn công, cố gắng chịu đòn và chờ cơ hội phản công. Họ sẽ có rất ít thời gian kiểm soát bóng. Các cầu thủ của chúng ta cũng sẽ khó được thấy các pha ban đập, phối hợp tấn công ở khu vực giữa sân. Chúng ta ta chỉ hy vọng sẽ được thấy điều mà HLV Troussier và các học trò đang cố gắng thực hành, đó là sau khi cướp được bóng, hàng phòng ngự cố gắng phối hợp để cầm bóng, tìm cơ hội phản công thuận lợi, đưa bóng lên 1 cách có ý tưởng thay vì hậu vệ đá phát một hướng lên phía tiền đạo cắm.
Điều này cũng sẽ rất khó khăn và nhiều rủi ro. Các cầu thủ Nhật Bản sẽ chơi pressing, họ tạo sức ép mọi lúc, mọi nơi. Có thể có những khoảng nghỉ, giảm sức ép, nhưng phổ biến thì các cầu thủ hậu vệ ĐT Việt Nam sẽ luôn bị các cầu thủ tấn công Nhật Bản tranh cướp bóng quyết liệt mỗi khi cầm bóng.
Trong một số trận đấu gần đây, gặp các đối thủ mạnh hơn, sau khi cướp được bóng, các cầu thủ Việt Nam đã phối hợp cầm bóng, chờ nhịp thuận lợi để đưa ra những đường chuyền dài vượt tuyến và đã tạo được những tình huống nguy hiểm trước khung thành đối phương chứ không phối hợp ban đập ở giữa sân. Dù rất mạnh, thể lực rất dồi dào, nhưng các cầu thủ Nhật Bản cũng không thể luôn luôn pressing hiệu quả, hy vọng là trước Nhật Bản, chúng ta cũng thực hiện được những pha bóng như vậy, phối hợp thoát pressing, tuyến trên di chuyển hợp lý, đón những đường chuyền cự lý dài và trung bình và tạo cơ hội dứt điểm.
Một vấn đề gây lo lắng cho người hâm mộ đó là tình trạng đội bóng đang không thể có sự phục vụ của nhiều cầu thủ trụ cột vì lý do chấn thương. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đội tuyển, nhưng có vẻ HLV Troussier không quá quan ngại về điều này. Ngay từ đầu, ông đã có xu hướng tìm kiếm, tin tưởng vào các cầu thủ trẻ. Đã có nhiều ý kiến phản đối việc ông ít sử dụng 1 số cầu thủ cựu trào của ĐT. Nhưng dường như xu hướng tin dùng cầu thủ trẻ của ông đang là cứu cánh cho đội bóng khi hàng loạt cầu thủ đã thành danh đang gặp những vấn đề về chấn thương và phong độ.
Với những gì có trong tay, câu hỏi mà nhiều người quan tâm, đó là HLV Troussier có "chơi tất tay" với Nhật Bản hay không, hay là xếp đội hình phụ, thi đấu cầm chừng, giữ sức để giải quyết trận gặp đối thủ trực tiếp là Indonesia? Thực tế, kể cả là xem xong trận đấu, chúng ta cũng khó có câu trả lời thống nhất cho câu hỏi này chứ đừng nói là đoán trước trận đấu. Lý do là khác với HLV Park Hang-seo, chúng ta có thể ta rất dễ dàng lên danh sách đội hình chính của đội tuyển dù gặp đối thủ nào, thì với HLV Troussier, chúng ta rất khó khó định hình đâu là đội hình chính, còn đâu là đội hình phụ của ông. Có thể là do đến giờ, chúng ta vẫn chủ yếu chứng kiến những thử nghiệm của ông. Hoặc có thể cách cầm quân của ông là như vậy, luôn có nhiều phương án.
Gặp Nhật Bản, với phong cách của HLV Troussier, có thể ĐT Việt Nam sẽ vẫn đưa ra đội hình mạnh nhất, phù hợp nhất theo cách nhìn của ông. Có những lo lắng rằng các cầu thủ trụ cột có thể bị chấn thương, đội bóng sẽ không có được đội hình tốt nhất cho trận đấu quyết định trước Indonesia. Nhưng được thi đấu trận này cũng có thể giống như bước chạy đà, tạo ra tình trạng sung sức thể thao tốt nhất cho các cầu thủ, chuẩn bị cho những trận tiếp theo. Mặt khác, như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua, dường như cách xây dựng đội hình chính của ông Troussier không giống với ông Park Hang-seo.
Một thế trận hợp lý, một tỷ số không quá cách biệt, đó là những gì người hâm mộ bóng đá Việt Nam trông đợi ở thầy trò HLV Troussier khi đối đầu với Nhật Bản. Nhưng biết đâu đấy, các cầu thủ Việt Nam có thể làm được điều gì đó hơn thế, ví dụ như 1 bàn thắng, ví dụ 1 điểm may mắn …, chúc cho thầy trò HLV Troussier gặp nhiều may mắn trong trận đấu khó khăn này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.