Gia đình hiện đại, ngoại tình gia tăng

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 28/06/2015 06:26 AM (GMT+7)
Trong “cơn bão” thị trường và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, gia đình đang có sự thay đổi lớn về chuẩn mực. Khoảng cách gia đình giữa thành thị và nông thôn cũng không còn xa. 
Bình luận 0

10% nữ, 19,6% nam đối mặt với ngoại tình

Tại Hội thảo về thách thức gia đình hiện đại do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế, môi trường trong phát triển (iSEE) tổ chức ngày 25.6, bà Nguyễn Hồng Mai – giảng viên về văn hóa gia đình (Đại học Văn hóa) nhận định: “Khi nhiều người vẫn còn thích giữ cái “vỏ” gia đình mà không quan tâm tới “nội dung” là tình cảm thì việc ngoại tình sẽ tất yếu xảy ra và xảy ra ngày càng nhiều”.

img
Gia đình người đồng tính chưa được công nhận nhưng họ vẫn hài lòng với hạnh phúc của mình.   Ảnh do iSEE cung cấp

Bà Mai phân tích, ngoại tình dù ở hoàn cảnh nào cũng không phải là chuyện hay ho gì, lại có nguy cơ để lại nhiều hậu quả rắc rối, phiền phức... Tuy nhiên người ta vẫn ngoại tình. Đó có thể là vì trong gia đình đã có những khoảng trống (về tình cảm, về tình dục, kinh tế) khiến người ta phải tìm sự bù đắp bên ngoài.

 

Chị Hoàng Thị Trúc (33 tuổi, ở Nghệ An) có chồng di cư đi làm ăn xa. Suốt 7 năm nay, anh ta đã lập “phòng nhì” tận TP.HCM. Người đàn bà đó thậm chí còn về quê thăm “bố mẹ chồng”. Chị rất tủi hổ nhưng không dám ly hôn. Chị sợ bố mẹ buồn phiền, lo con cái thiếu hụt cha mẹ sẽ hư hỏng, ngại làng xóm, họ hàng cười chê. Chị chỉ làm ruộng nên trong tay chẳng có tài sản gì, nếu ly hôn sẽ không có nơi mà ở. Chị lầm lũi, tủi hổ cam chịu trở thành “quản gia” cho chồng.

Còn theo bà Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu văn hóa), mọi người vẫn có những khuôn mẫu về hạnh phúc gia đình- gia đình dị tính đủ bố mẹ, bố giỏi kiếm tiền, mẹ đảm đang nội trợ, có con ngoan, khỏe mạnh, học giỏi. Theo bà Phương, đề cao, kỳ vọng và phấn đấu đi theo các khuôn mẫu đó, vô hình trung, mọi người sẽ kỳ thị, chê cười những gia đình “không khuôn mẫu” như gia đình đồng tính, người vô sinh, mẹ đơn thân, độc thân (lớn tuổi). “Nhiều người đã vì sự “vẹn toàn” gia đình mà bỏ qua hoặc lờ đi các mâu thuẫn gia đình, chấp nhận tồn tại cho dù gia đình chỉ còn là cái vỏ rỗng. Điều đó gây tổn thương cho tất cả các thành viên trong gia đình” – bà Phương chia sẻ.

Theo khảo sát trên 1.500 người của iSEE tiến hành trong tháng 5 và tháng 6 năm 2015, chỉ có 40,6% nam và 54,3% nữ thỏa mãn với sự chung thủy của bạn đời. Có đến 13,4% nữ và 14,5% nam không thỏa mãn, còn lại là “tạm thời chấp nhận”. Tuy nhiên, lại có đến 10% nữ và 19,6% nam đang phải đối mặt với vấn đề ngoại tình. Ngoài ra còn có các áp lực khác như kiếm tiền nuôi gia đình (45,8%), cân bằng giữa công việc và gia đình (32,6%), can thiệp của ông bà/cha mẹ vào đời sống riêng (17,3%)…

Hôn nhân không phải là “tù ngục” của tình yêu

Theo bà Mai, các chức năng và giá trị gia đình đang thay đổi chóng mặt. Chức năng kinh tế chỉ còn là “đơn vị” tiêu dùng chứ không còn chức năng sản xuất; nhiều cặp không có con vẫn sống hạnh phúc hoặc người ta sinh con nhưng không kết hôn vẫn là gia đình hạnh phúc; chức năng giáo dục đã có nhiều tổ chức xã hội làm thay… Chỉ còn chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm là giữ nguyên giá trị. Tuy nhiên, vai trò giữa cha mẹ và con cái không còn kiểu độc đoán, cha mẹ áp đặt con cái, hoặc hiện nay quyền thuộc về trẻ em mà cha mẹ chỉ còn là người “đáp ứng”. Trong nhiều gia đình con một, trẻ em trở thành “thượng đế” chỉ đạo ông bà nội ngoại và cha mẹ xoay tít thò lò xung quanh.

Chia sẻ kết quả khảo sát, bà Phạm Thanh Trà (iSEE) cho biết, trong nghiên cứu, các giá trị liên quan đến tinh thần, tình cảm được đề cao như yêu thương (74,5%), tự do cá nhân và sự riêng tư (nông thôn 34,7%, thành thị 44,1%), trung thực (nông thôn 29,7%, thành thị 40,6%).

Trong khi đó các giá trị vốn được xem là cốt lõi của gia đình truyền thống lại không được cho là quan trọng như gia đình tam tứ đại đồng đường- ông bà sống chung với con cháu (13,2%), gia đình được họ hàng, làng xóm tôn trọng (nông thôn 19,5%, thành thị 11,3%), mẹ đảm đang-cha là trụ cột kinh tế (18,8%). Ngay cả quan niệm gia đình cần đầy đủ cha mẹ cũng chỉ có 46,7% người được hỏi coi trọng.

“Có thể nhận thấy sự khác biệt đáng kể trong quan niệm của người dân thành thị và nông thôn. Người nông thôn vẫn muốn một gia đình có “thể diện” với làng xóm, thích sống quây quần nhiều thế hệ và lệ thuộc vào nhau hơn” – bà Trà nhận định.

Ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) đánh giá: “Nghiên cứu đã chỉ ra có đến 74,5% người được hỏi đề cao giá trị yêu thương trong gia đình. Điều này cho thấy, dù cuộc sống có nhiều thay đổi thì mọi người vẫn coi trọng giá trị cốt lõi của gia đình: Yêu thương tôn trọng lẫn nhau chứ không chỉ là “cái vỏ” để làm đẹp dư luận. Tuy nhiên, để giữ được cốt lõi yêu thương thì vợ chồng, con cái đều phải nỗ lực, vun đắp từng ngày chứ hôn nhân không phải là “tù ngục” giam giữ tình yêu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem