Giá tiêu xuất khẩu tăng sốc ở các nước sản xuất lớn, vì sao?
Giá tiêu xuất khẩu tăng sốc ở các nước sản xuất lớn, vì sao?
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 09/03/2021 14:24 PM (GMT+7)
Diễn biến thị trường xuất khẩu tiêu 2 tháng đầu năm 2021 cho thấy, giá tiêu xuất khẩu tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam. Trong khi lượng tồn kho tại Việt Nam không còn nhiều, dự báo giá hạt tiêu còn tăng trong thời gian tới.
Theo Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản của Bộ Công Thương, tháng 02/2021, giá tiêu đen xuất khẩu tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn, trừ Indonesia. Tương tự, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng mạnh ở các nước sản xuất Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 26/02/2021 giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng mạnh 175 USD/tấn (tăng 4,8%) so với ngày 29/01/2021, lên mức 3.850 USD/tấn.
Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 225 USD/ tấn so với ngày 29/01/2021, lên mức 5.250 USD/tấn.
Tại cảng Kochi (Ấn Độ), giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 118 USD/tấn so với ngày 29/01/2021, lên mức 4.847 USD/tấn.
Tại cảng khu vực TP.Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 26/01/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng tăng 250 USD/tấn (tăng 8,4%) so với ngày 29/01/2021, lên mức 3.155 USD/ tấn và 3.236 USD/tấn; giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 300 USD/tấn (tăng 6,7%) so với ngày 29/01/2021, lên mức 4.800 USD/tấn.
Diện tích giảm, giá tiêu tăng "nóng"
Giá tiêu xuất khẩu tăng chóng mặt đã thúc đẩy giá tiêu trong nước tăng phi mã. Theo thống kê, tháng 02/2021, giá hạt tiêu đen trong nước tăng so với tháng 01/2021. Ngày 27/02/2021, giá hạt tiêu đen tăng từ 1.000 – 3.500 đồng/kg (tương đương mức tăng từ 1,9 – 6,7%) so với ngày 29/01/2021.
Mức tăng thấp nhất là 1.000 đồng/kg (tăng 1,9%) tại huyện Gia Nghĩa. Đắk Nông; mức tăng cao nhất là 3.500 đồng/kg (tăng 6,7%) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lên mức 53.000 – 55.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng tăng 6.000 đồng/ kg so với cuối tháng 01/2021, lên mức 78.000 đồng/kg
Trong khi giá tiêu xuất khẩu đang tăng thì lượng hàng tồn kho của Việt Nam từ vụ trước không còn nhiều, dự báo sản lượng hạt tiêu năm 2021 thấp hơn năm 2020.
Nguyên nhân là do tại Việt Nam, hầu hết các vùng trồng hạt tiêu lớn đều giảm diện tích do giá thấp. Năm 2020, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 59% thị phần xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu với 285.292 tấn.
Đởn cử như tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích trồng cây tiêu đạt trên 11.300 ha, giảm gần 2.000 ha so với năm 2020, sản lượng giảm 1.750 tấn.
2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 32.000 tấn, trị giá 93 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 02/2021 đạt 15.000 tấn, trị giá 44 triệu USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với tháng 01/2021, so với tháng 02/2020 giảm 41,9% về lượng và giảm 23,6% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 32.000 tấn, trị giá 93 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 02/2021 ước đạt mức 2.933 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 01/2021 và tăng 31,4% so với tháng 2/2020.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.
Hạt tiêu Việt Nam chiếm 66,7% thị phần tại Mỹ
Xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ đang có nhiều triển vọng khi hạt tiêu Việt Nam chiếm đến 66,7% thị phần tại thị trường này.
Theo thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong năm 2020 đạt 86,55 nghìn tấn, trị giá 249,72 triệu USD, tăng 2,6% về lượng, nhưng giảm 4,3% về trị giá so với năm 2019.
Năm 2020, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Mỹ đạt mức 2.885 USD/tấn, giảm 6,8% so với năm 2019.
Năm 2020, Mỹ tăng nhập khẩu hạt tiêu ở nhiều thị trường cung cấp chính, như: Việt Nam, Brazil, Indonesia nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 66,7%, ổn định so với năm 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.