Giá xăng dầu hôm nay 11/12: “Lao dốc không phanh”, giá xăng dầu trong nước giảm bao nhiêu?
Giá xăng dầu hôm nay 11/12: “Lao dốc không phanh”, giá xăng dầu trong nước giảm bao nhiêu?
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 11/12/2022 09:01 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 11/12: Giá xăng dầu ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong nhiều tháng, gần 10%, do lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng bất chấp nhiều yếu tố tăng giá. Giá dầu Brent lùi về mức 76 USD/thùng. Trong nước, giá xăng dầu dự báo cũng sắp giảm...
Triển vọng kinh tế toàn cầu u ám với những dấu hiệu suy thoái ngày càng rõ ràng ở các nền kinh tế lớn tiếp tục phủ bóng lên nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, qua đó khiến giá dầu đứng ở mức thấp nhất trong năm.
Khép phiên 9/12, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 44 USD xuống 71,02 USD/thùng, đánh dấu mức thấp mới cho năm 2022. Giá dầu thô Brent cũng giảm 5 USD xuống còn hơn 76 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 9/12 với cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều ghi nhận mức giảm theo tuần lớn nhất trong nhiều tháng, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng đã xóa đi sự hỗ trợ giá dầu do tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường.
Hiện bất kỳ mối lo ngại nào về nguồn cung cũng chỉ là thứ yếu so với những lo lắng về nền kinh tế.
Đầu phiên, giá dầu đã tăng hơn 1% sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới có thể cắt giảm sản lượng để đối phó chính sách áp trần giá lên dầu thô xuất khẩu của nước này.
Tuy nhiên, thông tin về giá sản xuất tại Mỹ tăng cao hơn một chút so với dự kiến trong tháng 11, cùng việc khởi động lại một phần đường ống Keystone đã chấm dứt đà tăng đó và đẩy các loại dầu tiêu chuẩn xuống thấp hơn 1 USD. Trước đó, đường ống Keystone phải đóng cửa vào đầu tuần này sau vụ rò rỉ 14.000 thùng dầu ở Kansas.
Việc giá sản xuất tăng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục chính sách tăng mạnh lãi suất, làm gia tăng lo ngại về khả năng xuất hiện một cuộc suy thoái cho nền kinh tế lớn số một thế giới.
Trong tuần qua, thị trường dầu đã hứng chịu một loạt yếu tố bất lợi, trong đó chủ yếu là nỗi lo khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Việc Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp giá trần lên dầu xuất khẩu của Nga cùng lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ thứ hai có vẻ ít tác động tới thị trường.
Phiên đầu tuần 5/12, giá dầu thế giới giảm vì hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ mạnh hơn dự kiến trong tháng 11, thổi bùng lại những lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Giá dầu Brent lần thứ hai xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng trong năm nay vào phiên 6/12, khi các nhà đầu tư rời khỏi thị trường đầy biến động trong bối cảnh kinh tế nhiều bất ổn.
Phiên 7/12, giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay và đánh mất toàn bộ đà tăng sau xung đột tại Ukraine. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 2,18 USD xuống 77,17 USD/thùng, trong khi mức đóng cửa thấp nhất của năm ngoái là 78,98 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 2,24 USD xuống 72,01 USD/thùng, một trong những mức thấp nhất trong năm.
Giá dầu giảm phiên thứ năm liên tiếp trong ngày 8/12, với cả hai loại dầu đều chốt phiên ở mức thấp nhất trong gần một năm.
Với mức giảm trong phiên 9/12, giá dầu WTI kỳ hạn đã mất 11,2% trong tuần còn giá dầu Brent cũng mất 11,1%. Đó là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2022 đối với dầu WTI và kể từ đầu tháng 8 đối với dầu Brent.
Hồi tháng 3, giá dầu đã tăng lên xấp xỉ 140 USD/thùng, gần với mức cao chưa từng có trong lịch sử, sau khi Nga tiến hành dịch đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã giảm dần trong những tháng cuối năm khi các nhà kinh tế dự báo về sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, một phần do chi phí năng lượng tăng cao.
Commerzbank sẽ theo dõi báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào tuần tới để xem liệu cơ quan này có còn cho rằng sản lượng dầu hàng ngày của Nga sẽ giảm mạnh vào cuối quý I năm 2023 và thấp hơn 2 triệu thùng so với trước khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine hay không. Trên thực tế, sản lượng dầu của Nga đã tăng trở lại vào tháng 11/2022.
Commerzbank cho rằng cũng rất đáng tìm hiểu xem IEA có tăng dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu hay không khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế liên quan đến coronavirus, vì cơ quan này cho đến nay đã dự báo nhu cầu thế giớii giảm trong quý đầu tiên năm 2023.
Nếu đánh giá về nhu cầu ở châu Âu cũng lạc quan hơn, thì nguồn cung có thể sẽ thiếu so với nhu cầu toàn cầu sớm hơn dự kiến, vì sản lượng của OPEC+ theo dự kiến sẽ giảm mạnh. Theo Commerzbank, điều này sẽ ngăn đà giảm của giá dầu.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/12, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/12.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu lần thứ nhất tháng 12, liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá xăng dầu giảm từ 832 đồng đến 1.588 đồng từ 15 giờ chiều ngày 1/12.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel ở mức 700 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 11/12 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.679 đồng/lít (giảm 992 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 1.025 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 22.704 đồng/lít (giảm 1.083 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 23.213 đồng/lít (giảm 1.588 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 23.562 đồng/lít (giảm 1.078 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.953 đồng/kg (giảm 832 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Cũng theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022 và kỳ điều hành ngày 01/12/2022 là: 89,324 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 6,217 USD/thùng, tương đương giảm 6,51% so với kỳ trước); 93,965 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 7,235 USD/thùng, tương đương giảm 7,15% so với kỳ trước); 115,686 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,788 USD/thùng, tương đương giảm 7,06% so với kỳ trước); 117,690 USD/thùng dầu điêzen (giảm 14,763 USD/thùng, tương đương giảm 11,15% so với kỳ trước); 391,780 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 37,006 USD/thùng, tương đương 8,63% so với kỳ trước).
Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra hai kịch bản về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1 có tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3/tấn xăng dầu; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,7 triệu m3/tấn.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu đến năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng cường năng lực sản xuất và các doanh nghiệp nhà nước tăng khối lượng nhập khẩu xăng dầu ít nhất đến tháng 6/2023.
Các doanh nghiệp đầu mối cần thực hiện nghiêm túc hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu đã được phân giao từ đầu năm và bổ sung. Đồng thời, tiếp tục rà soát đề xuất cập nhật kịp thời chi phí phát sinh vào công thức tính giá cơ sở để tiếp tục điều chỉnh (nếu có).
Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là hành vi đầu cơ, trục lợi hoặc găm hàng chờ tăng giá.
Dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trên thị trường Singapore, giá xăng A92 là 87,26 USD/thùng, xăng A95 là 91,3 USD/thùng, dầu diesel là 115,8 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá 21/11 và 1/12 (ở mức 89,324 USD/thùng với xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92), 93,965 USD/thùng xăng RON 95 và 117,690 USD/thùng dầu diesel).
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, giá dầu thế giới gần đây liên tục giảm mạnh. Nếu xu hướng giảm tiếp tục được duy trì, trong kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Mức giảm tùy thuộc vào việc trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu và diễn biến giá dầu thế giới trước ngày điều chỉnh.
Nếu đà giảm của giá dầu thế giới giữ như hiện nay, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành tới được dự báo giảm mạnh, doanh nghiệp dự báo và cho biết thêm nếu không trích quỹ BOG, giá xăng trong nước có thể giảm khoảng 800 - 1.100 đồng/lít, dầu diesel giảm ít hơn.
Cũng có một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhận định, mức giảm sẽ phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG nhưng đối với mặt hàng xăng có thể giảm từ 1.000 - 1.200 đồng/lít; giá các loại dầu có thể giảm từ 500 - 800 đồng/lít.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.