Giá xăng dầu hôm nay 8/12: Dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay
Giá xăng dầu hôm nay 8/12: Dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay
Nguyễn Phương
Thứ năm, ngày 08/12/2022 08:26 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 8/12: Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay, đánh mất dần những lợi nhuận đã đạt được suốt cả năm. Sự lao dốc của giá dầu càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng toàn cầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 8/12/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 72,58 USD/thùng, tăng 0,57 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 7/12, giá dầu WTI giao tháng 1/2023 đã giảm tới 1,77 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 77,69 USD/thùng, tăng 0,52 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 1,93 USD so với cùng thời điểm ngày 7/12.
Giá dầu hôm nay tăng chủ yếu do đồng USD mất giá và thị trường đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng mạnh vào mùa đông.
Kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên. Ở diễn biến mới nhất, sau khi nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch, Trung Quốc được cho sẽ sớm mở cửa trở lại nền kinh tế khi sắp thông báo gỡ bỏ một số biện pháp chống dịch.
Thống kê trong tháng 11/2022 cho thấy, lượng dầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 12% so với cùng kỳ 2021, đạt mức cao nhất 10 tháng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu ngày 8/12 là khá hạn chế so với mức giảm trong 3 phiên gần đây khiến giá dầu thô trượt xuống mức thấp nhất trong năm.
Trong phiên 7/12, giá dầu thô tiếp đà giảm mạnh khi thị trường ghi nhận thông tin về dự trữ các sản phẩm hoá dầu của Mỹ tăng đột biến, làm gia tăng mạnh mẽ về triển vọng tiêu thụ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần tính đến ngày 2/12, tồn kho các sản phẩm chưng cất của nước này đã tăng 6,2 triệu thùng, vượt xa con số dự báo 2,2 triệu thùng; tồn kho tăng 5,3 triệu thùng so với kỳ vọng tăng 2,7 triệu thùng; dữ trữ dầu thô giảm 5,2 triệu thùng.
Viện Dầu khí Mỹ (API) trước đã đã đưa dự báo dự trữ dầu thô của nước này giảm khoảng 6,4 triệu thùng.
Giá dầu có xu hướng giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây còn do lo ngại tác động của nhà đầu tư về việc áp trần giá dầu thô Nga của EU và G7 hạ nhiệt khi các dữ liệu phân tích cho thấy động thái này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu.
Ở diễn biến khác, Ả Rập Xê-út đã quyết định giảm giá dầu thô sẽ bán cho châu Á vào tháng 1/2023 xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, trong bối cảnh có dấu hiệu nhu cầu mờ nhạt tại thị trường nhập khẩu dầu quan trọng nhất thế giới.
Việc Ả Rập Xê-út giảm giá báo hiệu sự bất an về triển vọng nhu cầu dầu ở khu vực nhập khẩu chính, châu Á, nơi các biện pháp phòng dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang đè nặng lên tâm lý thị trường. Ngoài ra, cấu trúc thị trường gần đây của các tiêu chuẩn chính đã cho thấy dấu hiệu nhu cầu yếu và nguồn cung đủ, bất chấp lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/12.
Trước đó, ngày 7/12, thị trường dầu bủa vây giữa cả hai luồng tin tức tích cực và tiêu cực.
Về mặt tích cực, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các biện pháp chống dịch. Động thái này cho thấy các nhà chức trách đang tìm cách cân bằng mục tiêu chống dịch song song với tăng trưởng kinh tế, bởi phần lớn các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước này đã bị tê liệt trong phần lớn thời gian của năm nay.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng đang thảo luận và đặt ra mức tăng trưởng trong năm 2023 là 5%, thấp hơn mức tăng trưởng mục tiêu của năm nay là 5,5%. Tuy nhiên, vì phải chống chọi với dịch bệnh trong năm nay, nên nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không đạt được mức tăng trưởng mục tiêu trong năm nay. Do đó, mức tăng trưởng 5% cũng là một mục tiêu mang tính tích cực và “tham vọng” với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Các tin tức này có thể cải thiện triển vọng tiêu thụ đối với dầu thô, nhưng trong ngắn hạn, sức mua vẫn bị hạn chế bởi đà tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng và điều này sẽ khiến cho giá dầu tiếp tục gặp sức ép bán.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu vẫn đang dừng chân ở mức hỗ trợ 74 USD. Lực bắt đáy ở vùng hỗ trợ này trong 2 lần gần nhất vào ngày 28/9 và ngày 28/11 đều đủ mạnh để đưa giá phục hồi. Tuy nhiên, trong phiên hôm qua giá dầu đã có mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 1 tới nay. Khối lượng giao dịch tăng dần đều trong các phiêm giảm, cho thấy xác suất giảm vẫn đang nhỉnh hơn.
Tờ nhật báo Vedomosti ngày 7/12 cho biết, Nga đang cân nhắc ba lựa chọn, trong đó có việc cấm bán dầu cho một số nước và thiết lập mức ưu đãi tối đa cho những nơi nước này sẽ bán dầu của mình, để đối phó với mức giá trần do các cường quốc phương Tây áp đặt.
Giá dầu đã giảm hơn 1% trong ba phiên liên tiếp, xóa bỏ gần hết mức tăng đạt được trong năm nay.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/12, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/12.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu lần thứ nhất tháng 12, liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá xăng dầu giảm từ 832 đồng đến 1.588 đồng từ 15 giờ chiều ngày 1/12.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel ở mức 700 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 8/12 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.679 đồng/lít (giảm 992 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 1.025 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 22.704 đồng/lít (giảm 1.083 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 23.213 đồng/lít (giảm 1.588 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 23.562 đồng/lít (giảm 1.078 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.953 đồng/kg (giảm 832 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Cũng theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022 và kỳ điều hành ngày 01/12/2022 là: 89,324 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 6,217 USD/thùng, tương đương giảm 6,51% so với kỳ trước); 93,965 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 7,235 USD/thùng, tương đương giảm 7,15% so với kỳ trước); 115,686 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,788 USD/thùng, tương đương giảm 7,06% so với kỳ trước); 117,690 USD/thùng dầu điêzen (giảm 14,763 USD/thùng, tương đương giảm 11,15% so với kỳ trước); 391,780 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 37,006 USD/thùng, tương đương 8,63% so với kỳ trước).
Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra hai kịch bản về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1 có tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3/tấn xăng dầu; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,7 triệu m3/tấn.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu đến năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng cường năng lực sản xuất và các doanh nghiệp nhà nước tăng khối lượng nhập khẩu xăng dầu ít nhất đến tháng 6/2023.
Các doanh nghiệp đầu mối cần thực hiện nghiêm túc hạn ngạch nhập khẩuxăng dầu đã được phân giao từ đầu năm và bổ sung. Đồng thời, tiếp tục rà soát đề xuất cập nhật kịp thời chi phí phát sinh vào công thức tính giá cơ sở để tiếp tục điều chỉnh (nếu có).
Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là hành vi đầu cơ, trục lợi hoặc găm hàng chờ tăng giá.
Trước đó trong tháng 10, Bộ Công Thương đã họp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu quý IV.
Bộ Công Thương khẳng định đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp...
Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua...
Đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.