Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Tăng không ngừng, dự báo "nóng" về giá dầu

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 05/04/2023 08:05 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Giá dầu trên thị trường thế giới vẫn vững đà đi lên. Giá dầu WTI vượt 81 USD/thùng còn giá dầu Brent hướng mốc 86 USD/thùng.
Bình luận 0

Giá dầu thô tiếp tục biến động nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay khi các nhà đầu tư đánh giá kế hoạch giảm sẳn lượng của OPEC+ với dữ liệu kinh tế yếu tại Mỹ và Trung Quốc.

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Kéo dài chuỗi tăng khi nguồn cung khan hiếm

Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 5/4 (7h48 giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 81,173 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 85,375 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Tăng không ngừng, dự báo "nóng" về giá dầu - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Vững đà đi lên

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Tăng không ngừng, dự báo "nóng" về giá dầu - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Vững đà đi lên

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Tăng không ngừng, dự báo "nóng" về giá dầu - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Vững đà đi lên

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Tăng không ngừng, dự báo "nóng" về giá dầu - Ảnh 4.

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Vững đà đi lên

Giá dầu hôm nay vững đà đi lên trong bối cảnh dự trữ dầu thô tại Mỹ đang trên đà sụt giảm.

Trước đó, một loạt các quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã tuyên bố tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí cho tới cuối năm 2023. OPEC+ đã mô tả việc cắt giảm sản lượng là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ thị trường dầu ổn định.

Phó Thủ tướng Nga cho biết, nước này sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí thêm 500.000 thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng 2 cho tới cuối năm 2023.

Tuyên bố của Nga đưa ra sau khi một loạt các quốc gia thành viên của OPEC+ bao gồm Ả rập Xê út, Kuwait, Oman, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Algeria cũng đưa ra tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm.

Chính phủ các nước UAE, Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt công bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023.

Theo nhận định của các chuyên gia, lạm phát tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới do giá dầu tăng cao sẽ có thể thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn từ các ngân hàng trung ương và dần dần đẩy các nền kinh tế đến gần suy thoái hơn. Nhu cầu di chuyển của người dân từ đó cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu leo thang. Tuy nhiên, trong dài hạn, nhu cầu năng lượng có thể sụt giảm nếu các nhà máy lọc dầu giảm hoạt động để đối phó với chi phí đầu vào tăng.

Trong diễn biến khác, hoạt động sản xuất yếu kém ở Trung Quốc vào tháng trước cũng làm trầm trọng thêm tình hình. Sản xuất ở Trung Quốc đã mất đà vào tháng 3 trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu vẫn còn yếu, cản trở đà phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Á này. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu khiêm tốn cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay là khoảng 5% sau khi chỉ tăng 3% vào năm ngoái, một trong những mức tăng yếu nhất trong gần nửa thế kỷ.

Dữ liệu kinh tế yếu hơn đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm. Thêm vào đó, giá vàng vượt qua mức quan trọng 2.000 USD khi các nhà đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn an toàn.

Các tín hiệu kinh tế đi cùng với những lo ngại về lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, khi giá dầu tăng dẫn đến lãi suất cao hơn.

Việc hạn chế sản xuất khiến nhiều nhà phân tích nâng dự báo giá dầu Brent lên mức 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay và 100 USD/thùng vào năm 2024.

Trong khi đó, hoạt động khai thác của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm vào tháng 3 và có thể giảm hơn nữa do tín dụng thắt chặt hơn.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước

Tại thị trường trong nước, ngày 3/4, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 3/4. 

Ở kỳ điều chỉnh ngày 3/4, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng nhẹ 60 - 128 đồng/lít. Còn dầu hỏa giảm tới 425 đồng/lít, xuống 19.037 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tiếp tục thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).

Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Tăng không ngừng, dự báo "nóng" về giá dầu - Ảnh 5.

Ở kỳ điều chỉnh ngày 3/4, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng nhẹ 60 - 128 đồng/lít. Còn dầu hỏa giảm tới 425 đồng/lít, xuống 19.037 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 5/4 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 22.082 đồng/lít (tăng 60 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 1.043 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 23.125 đồng/lít (tăng 87 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 19.430 đồng/lít (tăng 128 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 19.037 đồng/lít (giảm 425 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.429 đồng/kg (giảm 50 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/3/2023-03/4/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tâm lý lo ngại về biến cố của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã giảm bớt sau khi các ngân hàng được giải cứu; lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu từ Iraq, kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga và thông tin về dự trữ dầu thô của Mỹ…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/3/2023 và kỳ điều hành ngày 03/4/2023 là: 93,822 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 1,581 USD/thùng, tương đương tăng 1,71% so với kỳ trước); 98,294 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 1,783 USD/thùng, tương đương tăng 1,85% so với kỳ trước); 94,828 USD/thùng dầu hỏa (giảm 2,324 USD/thùng, tương đương giảm 2,39% so với kỳ trước); 96,891 USD/thùng dầu diesel (tăng 0,574 USD/thùng, tương đương tăng 0,6% so với kỳ trước); 409,928 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 2,709 USD/tấn, tương đương giảm 0,66% so với kỳ trước).

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định: Giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện nay và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm bảo đảm biến động giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; tạo dư địa Quỹ BOG để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 10 đợt điều chỉnh, trong đó có 6 đợt tăng, 3 đợt giảm và một đợt giữ nguyên.

Mới đây, tại cuộc họp với Tổ điều hành thị trường trong nước, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho biết số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 12, tổng hạn mức tín dụng của 27 ngân hàng thương mại cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu còn 96.000 tỷ đồng. Song, các doanh nghiệp phản ánh rất khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Quý I/2023, các doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn nhưng nhìn chung bức tranh tài chính của doanh nghiệp xăng dầu vẫn chưa khả quan do tình trạng thua lỗ nặng nề suốt năm 2022.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sát sao hơn về chính sách tín dụng để giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, nới lỏng điều kiện cho vay, lãi suất; cơ cấu nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp đầu mối mà còn cả thương nhân phân phối xăng dầu, đại lý. Đặc biệt, tạo điều kiện để doanh nghiệp được giãn nợ thuế, giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn như hiện tại.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem