Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Điểm trường trung tâm Trường Tiểu học Chiềng Nơi (xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) khắc phục hậu quả mưa lũ đón học sinh vào năm học mới.
Mưa lũ làm Trường Tiểu học Chiềng Nơi thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Sau trận mưa lũ lịch sử sáng ngày 24/7 do cơn bão số 2 gây ra, khuôn viên Trường Tiểu học Chiềng Nơi ngập sâu trong biển nước hơn 1m và đống bùn đất, đá, rác từ 0,5m đến 1m.
Theo báo cáo của Trường Tiểu học Chiềng Nơi, mưa lũ đã làm chết 2 học sinh (sạt lở đất) ở bản Hua Pư; thiệt hại 19 phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh. Hơn 200m tường rào xung quanh trường bị đổ và hỏng toàn bộ.
Các thiết bị dạy và học tại điểm trường trung tâm bị hư hỏng. Cụ thể, 30 bộ sách giáo viên, 30 bộ sách giáo khoa dạy học bị hư hỏng. Tại thư viện, 50 bộ sách giáo khoa học sinh lớp 1, 2, 3, 4 và 2.000 cuốn sách thư viện bị ngập, rách nát; 5 giá sách thư viện và 1 máy tính để bàn bị hỏng.
Mưa lũ cũng làm thiệt hại 100 bộ bàn ghế học sinh, 5 bộ bàn ghế giáo viên; 4 máy lọc nước bị hỏng; 150 cặp lồng, 2 nồi cơm điện và 1 tủ lạnh bị cuốn trôi và hư hỏng. Ước tính thiệt hại cơ sở vật chất trên 860 triệu đồng.
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, nhiều tổ chức, cá nhân và người dân đã cùng với thầy và trò Trường Tiểu học Chiềng Nơi khắc phục hậu quả. Theo đó, nhà trường đã nhận 300 công lao động của nhân dân, trường bạn để dọn dẹp vệ sinh các phòng học.
Nhận được hỗ trợ hiện vật: 4 máy lọc nước, 2 tủ lạnh, 20 bộ bàn ghế học sinh, 2 nồi cơm điện loại 10kg, 96 cái màn và 80 cái chiếu cho học sinh bán trú, 192 cái cặp lồng, 960 quyển vở học sinh. Ngân hàng Vietcombank Hà Nội trao trực tiếp 62 triệu đồng cho 62 học sinh bị ảnh hưởng.
Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, sẵn sàng cho năm học mới
Để chuẩn bị cho năm học mới, anh Cầm Văn Khởi, bản Nhụng Trên, xã Chiềng Nơi, bảo: "Gác lại mọi công việc của gia đình, hôm nay, tôi cùng với hơn 160 phụ huynh của bản Nhụng Trên đến giúp thầy trò Trường Tiểu học Chiềng Nơi dọn dẹp bùn đất, vệ sinh sân trường và lau các phòng học. Nhờ sự chung tay của phụ huynh và giáo viên nhà trường, sân trường và nhiều phòng học đã trở lại trạng thái bình thường, sẵn sàng đón năm học mới".
Đang tích cực tham gia dọn dẹp cùng hàng trăm phụ huynh học sinh, thầy giáo Sùng A Chua chia sẻ, ngay sau khi nước rút, tôi cùng với các giáo viên trong trường đã đến dọn dẹp bùn đất và vệ sinh các phòng học, chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới.
"Với phương châm nước rút đến đâu tổ chức dọn dẹp đến đó, mặc dù trong quá trình khắc phục trời mưa liên tục khiến công tác dọn dẹp trở nên vất vả. Tuy nhiên, các thầy cô cùng với phụ huynh và lực lượng công an, dân quân, đoàn thanh niên đều đoàn kết nỗ lực dọn dẹp, vệ sinh các lớp học để các học sinh của nhà trường đón năm học mới đúng kế hoạch".
Trao đổi với PV, thầy giáo Hà Minh Công – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Nơi, cho biết, ngay sau khi nước rút, Ban Giám hiệu đã họp và huy động toàn bộ lực lượng thầy, cô giáo của trường, các trưởng bản, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên của xã Chiềng Nơi cùng chung tay khắc phục hậu quả.
"Đầu tiên, chúng tôi tiến hành dọn dẹp, rửa trong các lớp học, phòng kho, thư viện. Đối với sân trường, lượng bùn đất, rác, cây rất lớn, khoảng 700m3 nên nhà trường phải huy động 1 máy súc và 2 ô tô vào chở bùn đất ra khỏi nhà trường. Sau khi dọn dẹp xong bùn đất, tiến hành dùng máy bơm phun rửa toàn bộ khu vực sân trường", thầy Công nói.
Theo thầy Công, đến nay, cơ bản bùn đất tại các phòng học đã được dọn dẹp sạch sẽ và học sinh có thể ở tạm được. Phần không thể khắc phục được là tường rào, nhà trường sẽ huy động người dân rào tạm lại bằng các vật dụng cũ để làm sao trường có tường rào để đảm bảo tiến độ năm học và khai giảng vào ngày 5/9.
Thầy cô giáo căng dây, dìu nhau vượt suối để đến điểm trường Huổi Sàng. Video: Thầy giáo Cầm Văn Thơm.
Gian nan con đường đến trường
Điểm trường trung tâm đã sẵn sàng cho năm học mới, song điểm trường Huổi Sàng (Trường Tiểu học Chiềng Nơi) vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về việc đưa học sinh đến trường, bởi cây cầu treo dân sinh duy nhất đến trường của hàng trăm em học sinh đã bị lũ cuốn trôi.
Cung cấp hình ảnh với PV, thầy giáo Cầm Văn Thơm dạy lớp 2 tại điểm Huổi Sàng chia sẻ, hiện dòng nước vẫn đang chảy xiết. Để đến được với điểm trường Huổi Sàng, các thầy cô rất vất vả. Với giáo viên nam khỏe mạnh thì có vác đồ lên vai mặc quần đùi qua suối. Với giáo viên nữ và giáo viên tuổi cao phải được giáo viên nam dìu qua suối.
Thông tin với PV, thầy giáo Bùi Xuân Thành – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Nơi – trực tiếp phụ trách điểm trường Huổi Sàng cho biết: Năm nay, điểm trường Huổi Sàng có 10 giáo viên, 233 học sinh là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, với 7 phòng học, chủ yếu học bán trú. Đi qua con suối là cách duy nhất để các em học sinh đến trường. Nhưng do cầu treo duy nhất bị lũ cuốn trôi nên Ban giám hiệu và các thầy cô đang đau đầu bài toán đưa học sinh đến học.
Theo thầy Thành, năm học 2024 – 2025, điểm trường Huổi Sàng có 40 em học sinh học lớp 1. Tuy nhiên trong sáng nay (20/8), chỉ có 4 em học sinh sống tại bản Huổi Sàng đi học, còn lại tất cả các em học sinh ở các bản khác (Ban, Sài Khao, Phiêng Khá, Phiêng Thẳm) đều không thể đến trường để học.
Thầy Thành cho biết thêm, hiện nay, Ban Giám hiệu và các thầy cô vẫn chưa tìm ra phương án nào khả thi để đưa các em học sinh đến học tại điểm trường Huổi Sàng.
"Chúng tôi cũng đã báo cáo chính quyền địa phương và làm việc với các trưởng bản, bí thư để làm cầu tre tạm để các em học sinh đến trường. Phương án làm cầu tre rất nguy hiểm vì hiện nay trời vẫn đang mưa liên tục. Chẳng may, làm xong mà các em học sinh và phụ huynh đang đi xảy ra vấn đề gì thì ai chịu trách nhiệm. Nhà trường mong muốn Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay góp sức làm cho một cây cầu nhanh qua suối trong vòng 20 ngày thì mới giải quyết được bài toán đưa học sinh đến trường học", thầy Thành mong muốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.