Đồng Nai: Giao thông đường bộ quá tải, thường xuyên kẹt xe, ngập nước, tai nạn giao thông

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 21/07/2024 18:00 PM (GMT+7)
Áp lực dân số và các phương tiện giao thông tăng nhanh trong khi tốc độ phát triển đường bộ Đồng Nai còn chậm và chưa đồng bộ khiến tình trạng kẹt xe, ngập nước và nhất là tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.
Bình luận 0

Giao thông đường bộ Đồng Nai thường xuyên ùn tắc

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 4 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 233km, 2 cao tốc với chiều dài là trên 93km, có 24 tuyến đường tỉnh với chiều dài gần 500km và 227 tuyến đường huyện với chiều dài là trên 1.300km.

Thế nhưng, do áp lực gia tăng dân số, cũng như gia tăng các phương tiện nên lưu lượng xe trên các tuyến đường bộ rất lớn, nhất là xe ben, xe tải, xe container và xe khách.

Trong khi đó, tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh Đồng Nai chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, gây áp lực rất lớn đến hệ thống giao thông đường bộ.

Kẹt xe ở nút giao giữa quốc lộ 51 và đường dẫn lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành). Ảnh: T.L

Kẹt xe ở nút giao giữa quốc lộ 51 và đường dẫn lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành). Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Văn An, người dân ở TP.Biên Hòa cho biết, tại các nút giao thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe như tại ngã ba Vũng Tàu, nút giao tại vòng xoay Cổng 11, nút giao giữa quốc lộ 51 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hay nút giao tại ngã ba Trị An. "Một số tuyến đường trong nội ô TP.Biên Hòa cũng hay ùn ứ vào giờ cao điểm", ông An kể.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Hiện lưu lượng xe đã vượt 25% so với năng lực. Ông Nguyễn Xuân Đoán, một tài xế ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) thường đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai bằng tuyến đường cao tốc này.

Ông Đoán kể, chỉ cần 1 vụ tai nạn hay va chạm nhỏ là cao tốc đã kẹt cứng, ô tô nằm chôn chân nhiều giờ liền. Việc phương tiện lưu thông quá cao, đặc biệt từ khi kết nối đồng bộ 2 đoạn cao tốc Phan Tiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết càng làm bùng nổ lượng xe qua đây, nguy cơ ùn tắc luôn hiển hiện.

"Lượng phương tiện qua tuyến cao tốc này sẽ càng tăng mạnh trong thời gian tới đây, đặc biệt khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động", ông Đoán dự báo.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, 6 tháng đầu năm có 325 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 228 người chết, 176 người bị thương.

Nguyên nhân do người tham gia thiếu quan sát chiếm 30%; các phương tiện đi sai làn đường chiếm 14,7%; vi phạm chuyển hướng chiếm 11,6%; vượt sai quy định, chiếm 4% và sử dụng chất kích thích chiếm 4%. Các nguyên nhân còn lại khác chiếm trên 35%.

Kẹt xe trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Nguyên Vỹ

Kẹt xe trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Dương Thị Mỹ Châu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch cho rằng không thể không đề cập tới nguyên nhân do hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay.

"UBND tỉnh đã tập trung đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. "Đường đầu tư mới, mở rộng ít hơn số ô tô, mô tô đăng ký mới hàng năm", bà Châu nói.

Giảm tải cho giao thông đường bộ Đồng Nai

Ông Lê Quang Bình - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho rằng việc đầu tư làm mới cũng như duy tu đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Việc bố trí kinh phí kịp thời cho công tác bảo trì đường bộ sẽ hạn chế tình trạng mặt đường xuống cấp, và giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Hiện Đồng Nai còn 3 điểm đen, 2 điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và 3 điểm bất cập về tổ chức giao thông trên tuyến quốc lộ. Sở Giao thông Vận tải sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2024.

Trên hệ thống đường tỉnh, nhiều nơi còn hiện tượng đọng nước. Theo ông Bình, thực tế đã xảy ra việc xây dựng, lấn chiếm hành lang đường bộ. Điều này khiến nước không thoát được, sẽ chảy tràn lên mặt đường, phá vỡ kết cấu nền đường rất nhanh. Đây cũng là nguyên nhân làm hư hỏng đường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Tốc độ phát triển giao thông đường bộ Đồng Nai chưa đồng bộ. Sửa chữa, nâng cấp một tuyến đường ở huyện Thống Nhất. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tốc độ phát triển giao thông đường bộ ở Đồng Nai còn chậm và chưa đồng bộ. Sửa chữa, nâng cấp một tuyến đường ở huyện Thống Nhất. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn chậm do nhiều nguyên nhân.

Trước hết là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Đồng Nai cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, trong đó có khó khăn trong việc khai thác nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiến nghị mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu, các nút giao thông trọng yếu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Việc đẩy nhanh phát triển hệ thống đường sắt cũng chia sẻ bớt áp lực với giao thông đường bộ.

Đồng Nai sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch như đường cao tốc, vành đai và các tuyến đường tỉnh để kết nối sân bay Long Thành.

"Các kết nối này sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng", bà Hoàng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem