Hàng loạt công nhân Công ty cổ phần Dệt 19/5 kêu cứu vì bị nợ đọng BHXH kéo dài

Thùy Anh Thứ tư, ngày 22/02/2023 16:09 PM (GMT+7)
4 năm dài kể từ năm 2019, 190 lao động của Công ty cổ phần Dệt 19/5 bị công ty nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Sự việc chỉ được phát hiện khi có công nhân ốm, nằm viện.
Bình luận 0

Công ty cổ phần Dệt 19/5 bị nợ BHXH khiến công nhân, lao động khốn đốn 

Chị Trịnh Thị Thuỳ Dương (SN 1985, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một những công nhân Chi nhánh Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội tại Hà Nam chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Chị Dương nằm trong số những công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất ở đây.

Chị Dương kể, chồng chị mất từ năm 2019, một mình chị phải nuôi 3 con nhỏ ăn học. 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương. Thế nhưng tiền lương thấp, lại ăn theo sản phẩm nên tháng nhiều được 5-6 triệu đồng, tháng ít thì chỉ được hơn 4 triệu đồng. Điều này khiến cho cuộc sống của chị gặp muôn vàn khó khăn.

nợ BHXH tại Cong ty cổ phần 19/5

Chị Trịnh Thùy Dương (bên trái ảnh) cùng bà Lê Thị Hiền tới chi nhánh công ty tại Hà Nam đòi quyền lợi nhưng công ty đã "cửa đóng, then cài". Ảnh: Hà Anh

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, chị Dương buồn bã: “Tôi gắn bó 17 năm với nhà máy dệt. Trước đây, khi công ty gặp khó khăn, ông Đỗ Văn Minh luôn gặp gỡ, động viên chúng tôi gắn bó cùng doanh nghiệp, chúng tôi đã đồng hành cùng công ty vượt khó, ra sức lao động… Nhưng giờ chúng tôi bị lãnh đạo công ty đối xử ngược lại. Chúng tôi bị nợ lương nhiều tháng, nợ BHXH (từ năm 2019)".

Để lo toan cho cuộc sống, chị phải làm đủ công việc thời vụ. Sáng thì bán xôi, trưa chiều thì đi phụ hồ, tối đến lại đi rửa bát thuê cho nhà hàng. "Có đợt con ốm, không còn một đồng trong túi để đưa con vào viện tôi đã phải đi vay. Tết đến cũng không có đồng nào sắm Tết", chị Dương kể.

Mong ước lớn nhất lúc này của chị là được công ty đóng hết BHXH để chị chốt sổ xin việc ở nơi khác, đồng thời mong công ty trả nợ tiền lương để có tiền trả nợ người thân và đi khám bệnh.

Không chỉ chị Dương nhiều lao động còn gặp khó khăn vì không được thanh toán BHYT khi đi khám bệnh, nhiều lao động đến tuổi về hưu vẫn không thể nhận được lương hưu.

Người lao động khởi kiện lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội ra toà vì nợ bảo hiểm xã hội

Trước thực tế bị công ty nợ đọng BHXH, tiền lương kéo dài, mới đây vào ngày 19/2, tập thể người lao động tại công ty này đã nộp đơn khởi kiện lần thứ 3 đối với ông Đỗ Văn Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội, chi nhánh tại Hà Nam (trụ sở tại 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

nợ BHXH

Công nhân ngừng làm việc, công ty dừng sản xuất khiến cho hàng đống máy móc phải "đắp chiếu", tài sản Nhà nước bị thất thoát. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch công đoàn nhà máy dệt thuộc Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội Chi nhánh tại Hà Nam cho biết, nội dung đơn kiện là khởi kiện ông Đỗ Văn Minh nợ tiền lương công nhân nhà máy dệt ba tháng lương vào các tháng 9, tháng 10-và tháng 11 năm 2022; ông Đỗ Văn Minh không thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ tháng 1/2019 đến nay, trong đó có nhiều người đã nghỉ việc từ năm 2020, 2021; tính đến nay công ty đã nợ tiền BHXH của người lao động là hơn 13,4 tỷ đồng.

Theo người lao động, năm 2022, hàng trăm người lao động của công ty cũng không thể nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vì công ty nợ đóng BHXH. 

190 công nhân Công ty cổ phần Dệt 19/5 kêu cứu vì bị nợ đọng BHXH kéo dài - Ảnh 4.

Nội dung đơn kiện của người lao động bị nợ BHXH tại Công ty Cổ phần Dệt 19/5 vừa gửi Tòa án Nhân dân Thị xã Duy Tiên. Ảnh: NVCC

"Chúng tôi mong muốn Tòa án Nhân dân Thị xã Duy Tiên xét xử vụ việc theo đúng quy định của pháp luật để làm sáng tỏ vụ việc, nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của luật pháp cũng như đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động", bà Hiền nói.

Trong ngày 21 và 22/2, phóng viên Báo Dân Việt đã nhiều lần liên hệ hẹn làm việc với ông Đỗ Văn Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Dệt 19/5 (Số 203 Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) bằng cả số điện thoại cá nhân và số công ty, tuy nhiên không có người nghe máy.

Ngày 31/12/2019, Công ty Cổ phần Dệt 19/5 đã có công văn thông tin về việc dừng đóng vào quỹ Hưu trí và tử tuất do doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất.

Văn bản nêu, do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, nên công ty tạm dừng đóng BHXH (Hưu trí và tử tuất). Các quỹ nhỏ như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, công ty vẫn duy trì đóng để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người lao động.

Văn bản này khẳng định, việc tạm dừng đóng 2 quỹ lớn trên là không ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động và vẫn đảm bảo tính liên tục theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Tới tháng 9/2022, khi có lao động của công ty gặp tai nạn lao động nhưng không được giải quyết quyền lợi thì mới phát hiện công ty không đóng BHXH cho người lao động. Đại diện công đoàn công ty đã có đơn gửi BHXH thị xã Duy Tiên (Hà Nam) yêu cầu kiểm tra.

Ngày 30/9/2022, BHXH thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã có Công văn số 197 trả lời đơn thư của người lao động.

Công văn nêu rõ: "Chi nhánh Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội tại Hà Nam có đăng ký tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN (bảo hiểm thất nghiệp), BHTNLĐ - BNN (bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) cho 190 lao động tại BHXH thị xã Duy Tiên, tuy nhiên công ty không thực hiện trách nhiệm đóng BHXH đúng phương thức hàng tháng. Số tiền chậm đóng và nợ kéo dài đến tháng 09/2022 là 12.297.038.355 đồng (hơn 12 tỷ đồng).

Công ty mới đóng cho người lao động các quỹ: BHYT đến hết tháng 2/2021; BHTNLĐ - BNN đến hết tháng 5/2019; BHTN đến hết tháng 6/2019; BHXH đến hết tháng 2/2019.

BHXH thị xã Duy Tiên đã gửi công văn đôn đốc, làm việc với lãnh đạo công ty về việc đóng BHXH và các khoản bảo hiểm nêu trên cho người lao động nhưng công ty vẫn chưa thực hiện. Do công ty không đóng tiền và nợ kéo dài nên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Vi phạm các hành vi nghiêm cấm theo khoản 2, Điều 17 của Luật BHXH. Hiện BHXH thị xã Duy Tiên cũng đã hoàn thiện hồ sơ kiến nghị BHXH tỉnh Hà Nam tiến hành thanh tra tình trạng nợ đọng kéo dài tại Công ty cổ phần Dệt 19/5.

Đơn vị này kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam xử lý hành chính và ngày 4/7/2022, Chủ tịch tỉnh Hà Nam cũng ban hành quyết định xử phạt hành chính về BHXH với công ty, với số tiền là 150.000.00 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng).

Đến ngày 7/7/2022, BHXH tỉnh Hà Nam cũng ban hành kết luận thanh tra, có văn bản kết luận công ty có nợ các khoản BHXH, BHYT, BHTNLĐ- BHTN của người lao động. Tuy nhiên, cho tới thời điểm 30/9/2022, công ty vẫn chưa chấp hành kết luận thanh tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem