Ngày 27/6, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết Trung tâm Đột quỵ của cơ sở y tế này vừa kịp thời cứu sống một bệnh nhân mắc loại đột quỵ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao.
Đó là trường hợp bà H.T.L (63 tuổi, trú tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Trước đó, bà L khởi phát với triệu chứng đau đầu nhiều, không có yếu liệt tay chân. Bệnh nhân được điều trị ở bệnh viện tuyến dưới trong 6 ngày, nhưng bệnh không cải thiện, tình trạng đau đầu ngày càng tăng.
Đến ngày 22/6, bệnh nhân được tuyến dưới chuyển lên điều trị tại Khoa Nội A, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 với chẩn đoán: Viêm não, màng não. Các bác sĩ đã chỉ định chụp phim cắt lớp sọ não kịp thời, nghi ngờ có tình trạng xuất huyết dưới nhện, một dạng đột quỵ nguy hiểm thường do vỡ túi phình mạch não.
Ngay sau đó, một cuộc hội chẩn cấp cứu trực tuyến giữa các bác sĩ Khoa Nội A, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 với các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế qua hình ảnh trên mạng PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) đã được kết nối giữa các khoa trong toàn viện.
Qua hội chẩn xác định xuất huyết dưới nhện nghi do vỡ phình mạch não. Bệnh nhân được khẩn trương chuyển viện vào Trung tâm Đột quỵ. Tại đây, kết quả chụp mạch não phát hiện một túi phình mạch não phía bên phải có kích thước 5mmx3mm, động mạch mang phình uốn cong nhiều đoạn và đặc biệt nguy hiểm do túi phình đang chảy máu.
Các bác sĩ nhận định đây là một tình huống cấp cứu, phải khẩn trương tối đa, vì chỉ cần chậm trễ vài phút là tính mạng bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, việc can thiệp đặt coil (những vòng xoắn kim loại) bít túi phình mạch não và cầm máu được tiến hành khẩn trương, thủ thuật thành công chỉ sau hơn 30 phút từ lúc khởi mê.
Hiện tại, sau 3 ngày can thiệp, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, không có yếu liệt tay chân và sẽ được xuất viện trong tuần tới.
Theo các bác sĩ, xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch não là một loại đột quỵ nguy hiểm và thường bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm vì thông thường người bệnh chỉ có biểu hiện đau đầu, không có yếu liệt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường tử vong hoặc để lại di chứng tàn phế. Tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến gần 80% nếu túi phình vỡ lại hoặc đang chảy máu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.