Hướng tới Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Đột phá từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, 5 năm tăng 1.761 tỷ (Bài 1)
Hướng tới Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Đột phá từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, 5 năm tăng 1.761 tỷ (Bài 1)
Hồng Cẩm-Nguyên Vỹ-Văn Long-Trần Hậu
Thứ sáu, ngày 01/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Trong nhiệm kỳ Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2018- 2023), chỉ trong 5 năm, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt tới 1.761,2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 11,5%, vượt chỉ tiêu; nâng tổng nguồn vốn quỹ toàn hệ thống Hội đạt 4.827 tỷ đồng, tạo thành nguồn vốn không thể thiếu cho hội viên nông dân phục vụ sản xuất.
Từ số báo này, Báo điện tử Dân Việt sẽ đăng tải loạt bài đột phá từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, một trong những chỉ tiêu cơ bản được đề ra tại Nghị quyết các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam.
Quỹ Hỗ trợ nông dân Đồng Nai giúp nông dân làm giàu
Năm 2018, Hội Nông dân TP Long Khánh ra mắt mô hình Tổ hội nông dân nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang. Ban đầu, Tổ có 41 hội viên tham gia. Hoạt động của Tổ hướng tới mục tiêu giúp đỡ, cùng hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, góp phần đổi mới hình thức hoạt động Hội.
Ông Văn Anh Thơ, thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang cho biết, đây là mô hình tốt, giúp nông dân trao đổi kỹ thuật, liên kết với nhau.
Ngoài gặp gỡ hàng ngày, định kỳ 3 tháng, các thành viên trong Tổ hội họp 1 lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời Tổ tìm nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá tốt, ổn định cho các thành viên. Nhờ đó, việc đầu tư, chăm sóc cây bưởi của các hộ đi vào nề nếp, cho thu nhập khá.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Long Khánh cho biết, Hội Nông dân thành phố luôn xác định phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội.
Sau 1 năm thành lập, Tổ được Hội Nông dân TP.Long Khánh tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh với dự án vay 400 triệu đồng.
Đến nay, số diện tích trồng bưởi tăng lên, các thành viên trong Tổ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây, tạo cây có trái quanh năm, năng suất và chất lượng bưởi tăng so với những năm đầu thành lập.
"Nhờ đó các thành viên trong Tổ có sự liên kết, giải quyết được đầu ra sản phẩm. Thu nhập hàng năm của các hộ cũng tăng, giúp các thành viên ổn định hơn trong cuộc sống", ông Dũng nói.
Bà Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng dư nợ cho vay nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh hiện nay là 115,97 tỷ đồng, phát vay cho 2.521 hộ với 260 dự án nhóm hộ. Nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, giải ngân kịp thời đến hội viên, nông dân.
Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã giúp nông dân liên kết, hợp tác xây dựng, thành lập mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; phát triển hàng nghìn mô hình tổ, nhóm liên kết, hợp tác, hợp tác xã về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ.
Các mô hình kinh tế tập thể này góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. Đây là một trong các hoạt động rất thiết thực, hiệu quả để thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội. Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giàu, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Để tiếp tục đạt, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 -2028 đề ra, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn từ Đề án Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giai đoạn 2021-2025
"Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ chủ động tham mưu cho cấp ủy, đề xuất chính quyền tạo điều kiện để phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn ngân sách; đồng thời, đẩy mạnh vận động ủng hộ từ nguồn ngoài ngân sách, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp được giao", bà Sự chia sẻ.
Quỹ Hỗ trợ nông dân Lâm Đồng: Nông dân khá giả nhờ trồng hoa
Với số tiền 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã giúp cho hàng chục hộ nông dân tại phường 12 (TP Đà Lạt) có vốn phát triển nghề trồng hoa cúc, ổn định kinh tế và cuộc sống.
Những ngày cuối năm, người dân tại Làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP.Đà Lạt) đang tất bật xuống giống những lứa hoa mới để cung cấp cho thị trường với hy vọng một mùa bội thu. Đối với 10 nông hộ được vay vốn từ Dự án Trồng hoa cúc trong nhà kính do Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện thì hy vọng về thị trường, giá hoa càng lớn để sớm trả được số tiền đã vay.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đồng đang chăm sóc vườn hoa cúc nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng.
Đang chăm sóc những luống hoa cúc phát triển xanh tốt trong vườn, ông Nguyễn Văn Đồng (phường 12, TP.Đà Lạt) cho biết: "Gia đình tôi đang trồng hoa cúc trên diện tích 6.000m2, mỗi lần trồng được khoảng 36.000 cây theo hình thức cuốn chiếu. Năm 2021, do giá hoa giảm, ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kinh tế gia đình khá khó khăn. Sau khi được Hội Nông dân phường 12 phổ biến về dự án thì gia đình tôi đã đăng ký vay vốn, tháng 3/2022 thì được giải ngân 50 triệu đồng, tôi dùng để tu sửa nhà kính, mua giống, phân bón trồng hoa cúc.
Nếu giá hoa ổn định, thị trường tiêu thụ được thì với diện tích trên tôi thu được khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí thì còn dư khoảng 500 triệu đồng. Từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp người dân chúng tôi phát triển sản xuất, được chuyển giao kỹ thuật, rút kinh nghiệm sau mỗi vụ sản xuất, học tập kinh nghiệm, từ đó phát triển kinh tế bền vững".
Theo khảo sát của phóng viên, 10 hộ dân tại phường 12, TP.Đà Lạt sau khi được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân đều sử dụng đúng mục đích và đánh giá hiệu quả khá cao. Cũng từ nguồn vốn vay này, người dân đã có thêm vốn để phát triển nghề trồng hoa theo hướng bền vững, mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tăng doanh thu.
Ông Bùi Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, Dự án Trồng hoa cúc trong nhà kính được thực hiện từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền khoảng 500 triệu đồng. Dự án trên có 10 hộ tham gia với nghề chính là trồng hoa cúc tại Làng hoa Thái Phiên, thời gian cho vay là 24 tháng. Thông qua dự án này, mục tiêu sẽ hình thành các Tổ Hội nông dân nghề nghiệp, vừa giúp bà con liên kết lại sản xuất. Từ sản xuất nhỏ lẻ trước đây, không cạnh tranh được thì nay sẽ được tiếp cận khoa học kỹ thuật, được học tập kinh nghiệm và được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
"Thông qua dự án này, với mô hình trồng hoa cúc trong nhà kính, tương lai các hộ nông dân sẽ giải quyết thêm được hàng trăm công lao động thời vụ và lao động thường xuyên, có thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng người/tháng, nâng cao đời sống cho nông dân và khuyến khích nhân rộng mô hình trên địa bàn phường và trong toàn thành phố.
Ngoài việc sản xuất kinh doanh ra, Hội Nông dân còn vận động các hộ tham gia dự án tuyên truyền kết nạp hội viên nông dân, xây dựng các Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhằm trao đổi, học tập, xây dựng mô hình sản xuất hoa cúc công nghệ cao, xây dựng mô hình vườn rau xanh, sạch, đẹp để xử lý rác thải và bảo vệ môi trường...", ông Bùi Văn Hùng cho biết thêm.
Nói về Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Bùi Văn Hùng cho biết, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đều kiến nghị địa phương cân đối ngân sách bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông để có vốn hỗ trợ nông dân sản xuất. Tại tỉnh Lâm Đồng, trước đây mỗi năm Quỹ Hỗ trợ nông dân được bổ sung 1 tỷ, năm 2022 được bổ sung 2 tỷ, năm 2023 3 tỷ, trong đó, có huyện thành đã bổ sung được hàng tỷ đồng. Đây chính là nguồn vốn để Hội Nông dân cân đối, hỗ trợ nông dân sản xuất.
Nông dân trồng sầu riêng An Giang được Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp sức
Nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) hỗ trợ kịp thời đã giúp cho gia đình anh Lê Trường Giang (ấp Long An, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vượt qua giai đoạn khó khăn, chuẩn bị cho mùa vụ mới hứa hẹn nhiều thành công.
Anh Lê Trường Giang chia sẻ: gia đình anh có hơn 5 công đất, trước đây sản xuất hoa màu nhưng thu nhập bấp bênh. Khoảng năm 2019, anh quyết định chuyển đổi giống cây trồng. Sau thời gian thử một vài giống cây ăn trái anh quyết định chọn cây sầu riêng.
Để kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả, anh Giang đã sang các nhà vườn trồng sầu riêng ở Tiền Giang học tập kỹ thuật và sau đó mạnh dạn lên liếp 2.600m2 đất, mua 40 gốc sầu riêng về trồng.
Để lấy ngắn nuôi dài, khoảng 3.000m2 đất còn lại của gia đình anh tiếp tục trồng màu để có tiền trang trải cuộc sống. Sau 2 năm 40 gốc sầu riêng phát triển tốt, anh mạnh dạn lên liếp hết phần đất còn lại trồng thêm 52 gốc sầu riêng.
"Vùng đất Chợ Mới xưa giờ bà con chỉ trồng lúa và hoa màu, tôi là một trong số những người đầu tiên đưa cây sầu riêng về vùng đất này để trồng nên ban đầu tôi cũng rất lo lắng. Sau 2 năm thấy cây sầu riêng phát triển tốt nên tôi mới tự tin chuyển hết toàn bộ gần 6.000m2 đất gia đình sang trồng sầu riêng"- anh Giang nói.
Sau 4 năm, 40 gốc sầu riêng đầu tiên cho trái chiến, anh Giang thu hoạch được 120 triệu đồng. Đến nay vườn sầu riêng của anh Giang đã thu hoạch được 4 năm, riêng vụ cuối năm 2022 và năm 2023 anh thu hoạch được tổng 5 tấn, bán với giá 100 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 400 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm bán sầu riêng được giá cao, anh Giang cho biết: Ngay từ đầu anh đã xác định trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, nên anh đã tự tìm tòi cách ủ phân hữu cơ từ đậu nành để bón cho cây nên chất lượng sầu riêng của anh luôn đặc biệt hơn các nhà vườn khác.
Tiếng lành đồn xa, bà con khắp nơi đổ về vườn anh để mua sầu riêng mỗi khi vào vụ. Với diện tích nhỏ, (gần 6.000m2), anh Giang nghĩ ra ý tưởng mở cửa cho khách tham quan, thu hoạch và bán sầu riêng lẻ tại vườn.
Bên cạnh, để phục vụ khách tham quan, anh cất 5 tum trong vườn sầu riêng phục vụ ăn uống cho khách khi đến vườn sầu riêng tham quan, mua trái. Từ đó nguồn thu nhập của gia đình cũng tăng thêm được một phần.
Để thực hiện kế hoạch mở cửa cho khách tham quan, thu hoạch và mua trái tại vườn, anh Giang kết hợp với một số người bạn quảng bá hình ảnh vườn sầu riêng trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Zalo, Facebook... Chính từ cách làm đó mà vụ sầu riêng cuối năm 2022 và năm 2023 anh Giang đều bán được giá 100 nghìn đồng/kg.
Đầu tháng 10 vừa qua, để có thêm nguồn vốn làm trái cho đợt sầu riêng trái vụ và mở thêm các tum trong vườn phục vụ khách, anh giang được Hội Nông dân xã hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND.
"Do năm nay gia đình tôi đầu tư cất lại căn nhà, làm thêm các tum trong vườn để vụ sầu riêng sau phục vụ đủ lượng khách tham quan nên nguồn vốn bị hụt. May mà được Hội Nông dân xã kịp thời hỗ trợ nguồn vốn mà gia đình tôi sắp xếp được lúc chật vật nhất, thực hiện được kế hoạch, không phải vay tiền "nóng" bên ngoài"- anh Giang cho biết.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Kiến, từ năm 2016 đến nay xã Long Kiến đều có nguồn vốn Quỹ HTND. Hiện trên địa bàn xã có 3 dự án, gồm 1 dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND cấp Trung ương, 1 dự án cấp tỉnh và 1 dự án cấp huyện, với tổng nguồn vốn là 1,350 tỷ đồng, hỗ trợ cho 31 hộ vay; trung bình mỗi hộ vay từ 30-80 triệu đồng.
"Tuy nguồn vốn Quỹ HTND hỗ trợ cho mỗi hộ dân không quá lớn nhưng nguồn vốn này luôn hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng nên phát huy được ý nghĩa, mang lại hiệu quả tích cực. Từ đó bà con hội viên, nông dân rất phấn khởi, tin tưởng vào vai trò của tổ chức hội tại địa phương hơn"- Anh Nguyễn Ngọc Thành cho biết.
Quỹ Hỗ trợ nông dân Đà Nẵng: Điểm tựa vững chắc cho nông dân phát triển kinh tế
Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Đà Nẵng là một trong những nguồn tín dụng quan trọng giúp nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Từ nguồn vốn này, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có những cách làm hay, hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình mới, giúp hội viên, nông dân chủ động gia tăng liên kết trong sản xuất, kinh doanh để vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố đạt 45,489 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 79,9 tỷ đồng, xây dựng được 349 dự án với 2.809 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Tăng trưởng nguồn vốn đạt 21 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Để tăng tính hiệu quả của nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội đã đổi mới phương thức cho vay, triển khai hỗ trợ 147 dự án với 30,028 tỷ đồng cho 674 hộ vay tại các Chi, Tổ hội nghề nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
Nhiều hội viên nông dân sau khi được vay vốn làm ăn có hiệu quả đã tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ và tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân chưa được vay vốn để phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.
Ông Dũng cho hay, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho các hội viên nông dân được vay vốn quỹ để khởi nghiệp, sáng tạo theo định hướng nông nghiệp của thành phố. Chú trọng hỗ trợ vốn cho các Chi hội nghề nghiệp nông dân mới thành lập ở các phường chưa có Hội Nông dân cơ sở....
Được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, anh Thái Văn Công (42 tuổi, trú phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) quyết định nghỉ làm công nhân để khởi nghiệp với niềm đam mê trồng hoa treo chậu mini.
Anh Công phấn khởi nói: "Nhờ có sự tiếp vốn kịp thời từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, tôi quyết tâm cải tạo mặt bằng, vườn tạp, đầu tư màng phủ chống cỏ dại, hệ thống mái che, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để xây dựng mô hình trồng hoa công nghệ cao.
Hiện nay, vườn hoa của tôi rộng hơn 5.000m2, với khoảng 30.000 chậu hoa treo và gần 20.000 chậu hoa trang trí các loại, mang lại cho gia đình tôi thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Đồng thời tạo việc làm cho 10 nhân công là lao động địa phương, với mức lương trung bình 6.000.000 đồng/người/tháng".
"Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện giúp đỡ hộ hội viên nông dân tiếp nhận, sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả và mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại trong việc bảo lãnh, hỗ trợ nguồn tín dụng ưu đãi để nông dân có điều kiện phát triển sản xuất...", ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho hay.....
Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Quỹ Hỗ trợ nông dân ngày càng tỏ rõ là công cụ, phương tiện, điều kiện quan trọng để tập hợp, vận động đông đảo hội viên, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân...
Được sự đồng ý của Ban Bí thư TƯ Đảng và Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) thành lập ngày 2/3/1996 theo Quyết định số 80/QĐ-HND của Ban Thường vụ TƯ Hội NDVN Việt Nam.
Hoạt động Quỹ HTND theo mô hình đặc thù, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính; Không kinh doanh tiền tệ, không vì mục tiêu lợi nhuận, hỗ trợ nhưng phải bảo toàn và phát triển vốn…
Quỹ HTND thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam, là công cụ, phương tiện, điều kiện quan trọng để tập hợp, vận động đông đảo hội viên, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới: Xây dựng chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã trong nông thôn, sản xuất hàng hóa, tham gia vào các chuỗi giá trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.