Khánh Hoà: Chỉ một chiêu ứng dụng đèn Led, hiệu quả đánh bắt hải sản tăng hơn 50%
Khánh Hoà: Chỉ một chiêu ứng dụng đèn Led, hiệu quả đánh bắt hải sản tăng hơn 50%
Công Tâm
Thứ bảy, ngày 04/07/2020 09:33 AM (GMT+7)
Để tăng thu nhập, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản, bà con ngư dân cần tìm hiểu qua các phương tiện thông tin, tham khảo thêm các tài liệu về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản, từ đó mạnh dạn áp dụng vào thực tế để tăng thu nhập...
Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nhiệp với chủ đề "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác thủy sản xa bờ" vừa diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa). Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Khánh Hoà tổ chức hội nghị.
Tổ chức lại sản xuất, giúp ngư dân bám biển
Ông Võ Nam Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Khánh Hòa cho biết, thủy sản là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, với 4.079 tàu cá. Trong đó, có 768 tàu chiều dài từ 15m trở lên. Có khoảng 550 tàu thường xuyên khai thác hải sản trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, DK I.
Khánh Hòa hiện có 7 cảng cá, bến cá và 2 khu neo đậu tránh bão. Tỉnh cũng đang rất quan tâm cơ sở phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề nghị Sở NNPTNT Khánh Hoà cũng như các tỉnh thành khác quan tâm nhiều hơn tới các chính sách, hỗ trợ kịp thời cho các ngư dân.
Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần quan tâm xây dựng các mô hình có áp dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại để giúp bà con nâng cao hiệu quả đánh bắt, khai thác.
Sản lượng khai thác thủy sản bình quân hàng năm của tỉnh Khánh Hòa đạt 97.000 tấn, cá ngừ đại dương đạt khoảng 2.650 tấn. Toàn tỉnh có khoảng 83.000 lao động đi biển, số lao động trực tiếp khai thác thủy sản khoảng 33.000 người.
Theo ông Thắng, bên cạnh những thuận lợi kết quả đã đạt được, nghề khai thác thủy sản của tỉnh cũng gặp một số khó khăn cần khắc phục.
Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ chuỗi sản xuất từ khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm cho đến tổ chức liên kết sản xuất trong khai thác xa bờ còn nhiều hạn chế.
Ông Thắng cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, Khánh Hòa đang tập trung triển khai các cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện cho ngư dân hiện đại hóa tàu cá, ứng dụng công nghệ tiến bộ trong khai thác xa bờ để tổ chức lại sản xuất, bám biển, bám ngư trường, vừa khai thác có hiệu quả, vừa kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, đến nay cả nước có trên 30.500 tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác hải sản sử dụng nhiều lao động mang tính thủ công, năng suất lao động thấp, sản phẩm khai thác đưa vào bờ mang hàm lượng khoa học công nghệ không cao, tổn thất sau thu hoạch từ 15 - 20%.
Để nâng cao hiệu quả trong khai thác, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động trên tàu, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cần đi trước một bước.
Ông Tuấn chia sẻ, trên thế giới có nhiều công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu cá được áp dụng như: Thiết bị cấp đông, thiết bị xử lý sơ chế sản phẩm; công nghệ sản xuất đá vẩy, nước biển lạnh; bảo quản bằng nitơ lỏng, công nghệ làm đông tế bào sống.
Tại Việt Nam, công nghệ bể hạ nhiệt nhanh, thiết bị làm chết nhanh và sơ chế cá ngừ, hệ thống làm lạnh thấm, hầm bảo quản sản phẩm, hệ thống bảo quản bằng nước biển lạnh… được nhiều chủ tàu của cả nước mạnh dạn áp dụng.
Mạnh dạn áp dụng đèn led
Các chuyên gia Nguyễn Phi Uy Vũ, Bùi Đức Lỉnh (Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, qua khảo sát chi phí trung bình của mỗi chuyến biển đối với tàu sử dụng đèn led chỉ chiếm khoảng 78,2% so với sử dụng đèn MH.
Doanh thu của tàu lưới vây sử dụng đèn led cao hơn tàu sử dụng đèn MH khoảng 21,7% và lợi nhuận chuyến biển cao hơn hoảng 52,5% so với đèn MH.
Đặc biệt, khả năng tập trung đàn cá và sản lượng đánh bắt của tàu hiệu quả hơn. Trung bình, tàu cá lưới vây sử dụng đèn led tiết kiệm bình quân khoảng 65 lít dầu/đêm. Đồng thời, đèn led không gây hại cho mắt, nhìn trực tiếp không bị đau mắt.
Tại hội nghị, trên 31 câu hỏi đã được bà con ngư dân gửi tới các chuyên gia, nhà khoa học về các vấn đề: Đầu tư máy dò ngang, các thiết bị bảo quản hải sản, chính sách hỗ trợ vay vốn cho các ngư dân, tầm quan trọng của la bàn, việc quản lý chất nổ trong đánh bắt thủy sản, hiệu quả việc bố trí máy đàm thoại, máy tầm xa, khắc phục thẻ vàng… Các câu hỏi đã được chuyên gia giải đáp chi tiết, cụ thể, giúp ngư dân giải toả băn khoăn, vướng mắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.