Kon Tum: Nuôi thứ heo sọc dưa, bán một con heo giống bé thôi mà giá tới 2,2 triệu đồng

Chủ nhật, ngày 23/08/2020 19:01 PM (GMT+7)
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) tích cực hỗ trợ, vận động người dân phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, hiệu quả. Trong đó, mô hình nuôi heo sọc dưa (heo rừng lai) dù mới được triển khai nhưng bước đầu cho thấy nhiều triển vọng...
Bình luận 0

 Mô hình nuôi heo sọc dưa (heo rừng lai) mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum).

Năm 2019, từ nguồn Quỹ phát triển sinh kế (được trích lập từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng), UBND xã Đăk Pxi cho người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng vay không lãi suất và hỗ trợ, hướng dẫn họ tham gia mô hình chăn nuôi heo sọc dưa. Hiện có 24 hộ dân tham gia mô hình với tổng kinh phí hỗ trợ ban đầu là 250 triệu đồng.

imgĐàn heo sọc dưa của anh Lưu Hồng Nam, Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) . Ảnh: H.T

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi heo sọc dưa của anh Lưu Hồng Nam ở thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) . Bắt đầu nuôi heo rừng lai từ tháng 11/2019, đến nay, đàn heo rừng lai dưa của gia đình anh Nam phát triển được 3 con heo nái và 20 con heo con.

Anh Nam cho biết, loài heo sọc dưa này thích hợp với hệ thống chuồng trại rộng rãi, thoáng mát, gần với thiên nhiên. Vì vậy, từ diện tích 1.000m2 đất ban đầu, anh đã mở rộng lên 4.000m2 dành để xây thêm chuồng trại và tạo không gian để thả rông đàn heo rừng lai.

Anh còn kết hợp trồng thêm cà phê và cỏ voi để tạo không gian gần giống với môi trường tự nhiên cho đàn heo sọc dưa phát triển tốt. Anh giải thích, với không gian rộng rãi thì đàn heo sọc dưa sẽ chạy nhảy nhiều hơn. Từ đó thịt heo rừng lai sẽ dai và ngon hơn hẳn heo thường.

Mô hình chăn nuôi heo sọc dưa kết hợp giữa nuôi nhốt và thả rông trong vườn của anh Nam cho thấy sự hiệu quả. Cách nuôi heo rừng lai này vừa đỡ công chăm sóc đàn heo, vừa tạo ra chất lượng thịt heo ngon nên phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay.

“Heo sọc dưa mẹ mỗi năm sinh sản từ 2-3 lứa, mỗi lứa đẻ 6-7 con. Heo rừng lai con từ 1,5-2 tháng tuổi đã có thể cai sữa, tách đàn và bán heo giống. Đối với heo sọc dưa thịt thì khi nuôi từ 5-6 tháng, mỗi con heo đạt trọng lượng khoảng 20-30 kg là có thể xuất bán với giá 140.000-160.000 đồng/kg. Sắp tới tôi sẽ bán lứa heo rừng lai giống đầu tiên với giá trung bình từ 2-2,5 triệu đồng/con” - anh Nam chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Loan (thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), dù bắt đầu nuôi heo sọc dưa muộn hơn gia đình anh Nam (vào tháng 5/2020), nhưng đến nay cũng đã cho thấy hiệu quả. Đàn heo rừng lai nuôi thịt (gồm 12 con) của gia đình chị lớn rất nhanh, con to nhất đã đạt trọng lượng khoảng 30kg.

Chị Loan chia sẻ, được chính quyền xã hỗ trợ hoàn toàn về chọn heo rừng giống và kỹ thuật chăn nuôi heo rừng lai nên tôi không gặp khó khăn gì. Thức ăn dành cho heo sọc dưa chủ yếu là rau, củ, quả nên chuồng trại ít mùi hôi, không phải dọn dẹp nhiều. Mặt khác, heo sọc dưa rất dễ bán, giá cả luôn ổn định vì được người tiêu dùng tin tưởng do giống heo này được nuôi hoàn toàn bằng nguồn thức ăn có trong tự nhiên. Lứa heo rừng lai này tôi dự định giữ 1 cặp làm heo giống, số còn lại sẽ bán hết, dự kiến lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.

Với giá cả ổn định cộng với nhu cầu cao của thị trường, thêm vào đó lại tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, mô hình nuôi heo sọc dưa ở xã Đăk Pxi, (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đang mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi tại địa phương.

Ông Nguyễn Phúc Đoan cho biết, chính quyền xã Đăk Pxi phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum mở lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi heo sọc dưa. Qua đó, hướng dẫn người dân nắm rõ về quy trình kỹ thuật, các biện pháp chăn nuôi giống heo này nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. 

Theo ông Đoan, địa phương cũng đã tổ chức các chuyến tham quan cho bà con để học hỏi mô hình nuôi heo sọc dưa tại tỉnh ta như ở huyện Sa Thầy, huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Tô... Hiện tại, mô hình nuôi heo sọc dưa đang hứa hẹn nhiều triển vọng trong phát triển chăn nuôi, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân trên địa bàn.

Heo sọc dưa có đặc điểm dễ nuôi, không kén thức ăn nên tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như cây cỏ, các loại rau củ; thịt heo sọc dưa lại nhiều nạc, thơm ngon nên rất được thị trường ưa chuộng. Đây chính là cơ hội để mô hình phát triển, góp phần giảm nghèo cho người dân - ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết.

Hoàng Thanh (Báo Kon Tum)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem