Sóc Trăng: Nuôi lươn dày đặc trong bể nuôi ếch bỏ hoang, nuôi vụ nào trúng vụ đấy, ai cũng bất ngờ

Trường Thạnh - Chúc Ly Chủ nhật, ngày 23/08/2020 07:01 AM (GMT+7)
Anh Trương Hoài Anh (ngụ ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) là một trong những hộ đầu tiên nuôi lươn không bùn. Anh tận dụng bể nuôi ếch bỏ không để thả nuôi 6.000 con lươn giống. Hiện nay, anh đã phát triển lên 12 bể nuôi lươn không bùn, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ.
Bình luận 0

Là một trong những hộ tiên phong triển khai mô hình nuôi lươn thịt, anh Trương Hoài Anh (ngụ ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: "Nuôi lươn không bùn là mô hình còn khá mới ở địa phương nên thời gian đầu thực hiện gia đình gặp nhiều khó khăn...".

Sóc Trăng: Tận dụng bể nuôi ếch nuôi lươn không bùn, anh nông dân xứ cồn thắng lớn - Ảnh 1.

Nuôi lươn không bùn không phẩm có nhiều lợi thế hơn so với cách nuôi truyền thống. Cận cảnh một bể nuôi lươn không bùn của gia đình anh Hoài Anh, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trường Thạnh.

Theo anh Hoài Anh, từ cách chăm sóc lươn đến khâu phòng trị bệnh cho lươn. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi từ sách báo gia đình mới có thể phát triển nghề nuôi lươn hiệu quả như hiện nay...

Tận dụng bể nuôi ếch sẵn có anh Hoài Anh mạnh dạn thả nuôi 6.000 con lươn giống. Sau vài tháng thả nuôi, anh có thể xuất bán đợt đầu tiên với số lượng 200kg lươn thịt, giá bán lươn thịt là 195.000 đồng/kg. 

Thành công bước đầu đã giúp gia đình yên tâm hơn với nghề nuôi lươn. Nhờ vậy hiện trại nuôi lươn của anh đã phát triển được 12 bể nuôi lươn với số lượng mỗi bể là 1.200 con lươn.

"Kinh nghiệm nuôi lươn của tôi là chăm sóc con lươn càng kỹ lưỡng càng tốt. Thứ hai là phải giữ môi trường sống cho lươn thật sạch. Mỗi lần trước khi cho lươn ăn là tôi phải thay nước. Chú ý trong quá trình thay nước nếu còn sót nước bẩn mình cần phải xả nước xuống liền, nếu không kỹ thì con lươn uống nước bẩn thì sẽ bị bệnh đường ruột", anh Hoài Anh chia sẻ.

Theo tính toán của anh Hoài Anh, với số lượng lươn thịt thương phẩm đang nuôi trong vụ này, sau khoảng 10 tháng nuôi, mỗi con lươn đạt trọng lượng khoảng 400gr. Theo giá bán lươn thịt trên thị trường, sau khi trừ chi phí và hao hụt, anh có thể thu lãi trên 300 triệu đồng.

Sóc Trăng: Tận dụng bể nuôi ếch nuôi lươn không bùn, anh nông dân xứ cồn thắng lớn - Ảnh 2.

Hiện nay, anh Hoài Anh, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có 12 bể nuôi lươn không bùn.

Hiện nay, hình thức nuôi lươn có bùn tồn tại nhiều khuyết điểm là không kiểm soát được thức ăn và tỷ lệ sống, dẫn tới lươn nuôi dễ nhiễm bệnh, hiệu quả kinh tế không cao. 

Trong khi mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn nhân tạo, con lươn giống đồng cỡ, quản lý thức ăn, chủ động nguồn nước trước khi đưa vào bể nuôi, nên dịch bệnh ít xảy ra, lươn thịt thương phẩm có tỷ lệ sống cao.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lư Vĩnh Phúc – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới và nhận được sự quan tâm của nông dân. Mô hình khắc phục được những hạn chế của cách nuôi lươn truyền thống...".

Theo ông Lư Vĩnh Phúc, nuôi lươn không bùn có khả năng thâm canh cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Nhờ đó, góp phần đa dạng hóa đối tượng sản xuất và tăng thu nhập cho nông hộ.

Sóc Trăng: Tận dụng bể nuôi ếch nuôi lươn không bùn, anh nông dân xứ cồn thắng lớn - Ảnh 3.

Từ 6.000 con giống ban đầu, hiện anh Hoài Anh, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng phát triển lên 12 bể nuôi lươn không bùn. Ảnh: Trường Thạnh.

Với chi phí đầu tư không cao, đầu ra ổn định, giá thành khá lý tưởng nên hiện mô hình nuôi lươn không bùn đang phát triển tại một số địa phương trong tỉnh như TX Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, Cù Lao Dung, TP Sóc Trăng. 

Tuy nhiên, nông hộ chủ yếu học hỏi kỹ thuật nuôi lươn lẫn nhau nên chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Vì vậy, nông dân cần tham gia các lớp tập huấn, để nắm rõ những quy trình kỹ thuật trong từng khâu nuôi lươn, hướng đến có thể nhân rộng trong tương lai.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp phát triển khiến diện tích đất hoang cũng như đầm lầy ngày càng thu hẹp khiến một số loài sinh vật tự nhiên trong đó có con lươn ngày càng ít đi, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường ngày càng tăng. Từ thực tiễn đó, phong trào nuôi lươn đặc biệt là hình thức nuôi lươn không bùn bắt đầu nở rộ ở các tỉnh miền Tây.

Lươn là một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, lành tính và giàu dinh dưỡng nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều kiện nuôi lươn cũng khá đơn giản, dễ phát triển với quy mô nhỏ, hộ gia đình người nuôi cũng có thể tận dụng lại chuồng chăn nuôi sẵn có để cải tạo thành bể nuôi lươn.

Hiện nay có 2 hình thức nuôi lươn chủ yếu là nuôi lươn trong bùn đất và nuôi lươn thâm canh trong bể xi măng (hay còn gọi là nuôi lươn không bùn) với mật độ từ 60-250 con/m2.

Sóc Trăng: Tận dụng bể nuôi ếch nuôi lươn không bùn, anh nông dân xứ cồn thắng lớn - Ảnh 4.

Với 12 bể lươn không bùn, sau vụ nuôi, anh Hoài Anh có thể thu lãi trên 300 triệu đồng. Ảnh: Trường Thạnh.

Sau nhiều năm cố gắng duy trì diện tích, những năm gần đây cây mía không còn mang đến vị ngọt như đã từng, ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã hướng bà con chuyển đổi sang các mô hình có hiệu quả kinh tế hơn. Bên cạnh một số đối tượng như cây ăn trái, cá kèo hay con tôm thẻ, thì nuôi lươn thương phẩm là một trong những mô hình được bà con xứ cồn phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem