Kỹ sư từng làm việc cho các Tập đoàn đa quốc gia và hành trình dài "vùi mình" với máy giám sát điện, nước
Kỹ sư từng làm việc cho các Tập đoàn đa quốc gia và hành trình dài "vùi mình" với máy giám sát điện, nước
Khải Phạm
Thứ sáu, ngày 28/04/2023 08:00 AM (GMT+7)
"Thay đổi hành vi tiêu dùng điện nước của người dân theo hướng tiết kiệm và hiệu quả" là sứ mệnh mà công ty LC Tech của CEO & Founder Nguyễn Thành Công muốn hướng đến.
Doanh nghiệp Việt ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) chưa đủ sâu
Công nghệ thông tin là một phần không thể thiếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Việc ứng dụng CNTT sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí đưa sản phẩm đến tay khách hàng.
Từng là một kỹ sư triển khai hệ thống CNTT cho cho các Tập đoàn đa quốc gia, anh Nguyễn Thành Công đã nhận thấy nhu cầu ứng dụng CNTT trong quản trị doanh nghiệp lớn.
"Việc ứng dụng CNTT trong quản trị doanh nghiệp hiện nay vô cùng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ chưa thực sự đủ sâu và chưa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp", anh Công chia sẻ lý do quyết định khởi nghiệp.
Song hành với công việc làm kỹ sư CNTT, anh công cùng 2 người bạn thành lập công ty Startup về phần mềm riêng để phát triển vào năm 2010.
Anh Công cho biết, thời điểm mới thành lập công ty phần mềm gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm 2012, hai người đồng hành cùng anh có định hướng riêng và đã không còn làm cùng nhau nữa. Đó là sự khó khăn của giai đoạn đầu khi những người làm cùng đã có ngã rẽ riêng. Sau đó, anh vẫn theo đuổi đam mê duy trì công ty phần mềm trước khi thành lập LC Tech vào năm 2014.
Trong quá trình phát triển, LC Tech gặp rất nhiều khó khăn đến từ nguồn lực hữu hạn nên phải kết hợp với các đơn vị nghiên cứu khác.
"Khó khăn nhất với một doanh nghiệp Startup là tài chính và nguồn lực trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, tôi luôn giữ cho mình lửa đam mê để từ những thách thức đó tìm ra những phương pháp để vượt qua khó khăn", anh Công nói.
Đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, thách thức luôn là nguồn tài chính và nguồn lực về con người hạn chế. Do đó, việc kết hợp với những doanh nghiệp, đối tác để cùng nhau phát triển luôn là con đường ngắn giúp các Startup có thể thành công.
"Chính vì hữu hạn về nguồn lực, chúng tôi phải kết hợp với những doanh nghiệp khác và các đơn vị nghiên cứu như viện nghiên cứu, trường đại học uy tín ở Hà Nội. Với kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực, tôi đã kết hợp được với các đơn vị nghiên cứu và bù trừ được nguồn lực cho nhau.
Những đối tác có nguồn lực từ con người đến cơ sở hạ tầng, máy móc và chuyên gia, chúng tôi có kinh nghiệm chuyên sâu nên sự kết hợp cho thấy hiệu quả", CEO & Founder Nguyễn Thành Công LC Tech chia sẻ.
"Khó khăn với một doanh nghiệp có sản phẩm phần cứng là khi ra thị trường đòi hỏi quá trình nghiên cứu, phát triển, quá trình triển khai thực tế và cải tiến mất rất nhiều thời gian. Chính vì thế, sản phẩm của chúng tôi đã ra đời khá lâu, có khách hàng lớn sử dụng thí điểm nhưng hiện giờ vẫn chưa thể sang giai đoạn sản xuất đại trà bởi vẫn bị hạn chế về những vấn đề nguồn lực".
CEO & Founder Nguyễn Thành Công LC Tech chia sẻ về quá trình khởi nghiệp. Video Khải Phạm.
Từ phần mềm đến phần cứng, thay đổi thói quen sử dụng điện nước
Xuất phát triển từ kỹ sư phần mềm, anh Công cho biết đã trải qua nhiều giai đoạn và giờ kết hợp sản xuất thiết bị phần cứng ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.
"Xuất phát điểm của công ty tôi là làm phần mềm, bản thân là kỹ sư điện tử nên mong muốn làm ra các thiết bị điện tử tự động hóa để ứng dụng trong cuộc sống. Giai đoạn đầu kết hợp với chuyên gia trong mảng điện tử với sản phẩm đầu tiên là máy phục vụ trong lĩnh vực marketing và chúng tôi đã cung cấp cho một số công ty sự kiện để phục vụ trong công việc", CEO & Founder công ty LC Tech kể lại.
Năm 2017, cơ duyên giúp chúng tôi có cơ hội làm việc với một số chuyên viên của các đơn vị nghiên cứu và đặt vấn đề về giải pháp điện, nước.
"Tôi nhận thấy nhu cầu về điện nước rất lớn. Do đó, LC Tech bắt tay vào sản xuất các thiết bị giảm sát điện, nước, hay còn gọi là máy đọc chỉ số điện, nước, gas thông minh ra đời vào cuối năm 2017", anh Công nói về sản phẩm chính của công ty hiện nay.
Nói về mục tiêu trong tương lai với sản phẩm máy đọc chỉ số nước, điện, gas thông minh, CEO & Founder công ty LC Tech đặt ra mục tiêu phổ cập thiết bị phần cứng của người Việt ra trên toàn thế giới.
Sản phẩm máy đọc chỉ số điện, nước thông minh của LC Tech. Ảnh Khải Phạm.
Sản phẩm của LC Tech đã được tham gia nhiều cuộc thi sáng tạo, đổi mới ở khu vực và đạt được một số chứng nhận từ thị trường Singapore và Ấn Độ. Tuy nhiên, sản phẩm hiện nay vẫn chưa được sản phẩm xuất đại trà và vẫn chưa được các công ty điện, nước ứng dụng rộng rãi là vấn đề người đứng đầu LC Tech luôn đau đáu.
Nói về việc sản phẩm chưa được ứng dụng rộng rãi, anh Thành Công chia sẻ: "Sản phẩm hướng đến điện, nước rất đặc thù ở Việt Nam bởi các công ty cấp nước hầu hết là công ty nhà nước, cũng có công ty cổ phần. Mặc dù vậy, việc triển khai giải pháp này vào các công ty cấp nước thực sự là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Startup".
Kỳ vọng lộ trình phát triển LC Tech, anh Công mong muốn sản phẩm máy đo chỉ số điện, nước, gas thông minh sẽ được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày và được các công ty điện, nước sử dụng.
Bên cạnh đó, CEO & Founder Nguyễn Thành Công - LC Tech mong muốn Chính phủ sẽ có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Startup triển khai thực tế các sản phẩm cho ngành đặc thù như điện, nước kích thích đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, anh Công mong muốn Đề án 844 sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ cho sản phẩm nghiên cứu mang tính chiều sâu và phổ dụng lớn cho các công ty công nghệ. Ngoài ra, nếu được Chính phủ xem xét ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho những người làm công nghệ, chính sách hỗ trợ sản phẩm có cơ hội triển khai thực tế.
Sứ mệnh của LC Tech là "Thay đổi hành vi tiêu dùng điện nước của người dân theo hướng tiết kiệm và hiệu quả" với những sản phẩm máy đọc chỉ số điện, nước, gas thông minh. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Startup này là chưa triển khai và nhân rộng sản phẩm đến cuộc sống của người dân thông qua các công ty.
Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) được Thủ tướng ban hành qua thời gian 7 năm đã mang đến nhiều sự hỗ trợ tích cực cho cộng đồng start-up.
Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Năm 2021, Việt Nam là quốc gia có số lượng nhà đầu tư rất cao, đứng thứ hai chỉ sau Singapore.
Dẫu Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dài hạn tại khu vực Đông Nam Á nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng không tránh khỏi các tác động từ suy thoái chung. Bằng chứng là sau mức đỉnh năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp năm 2022 chỉ đạt 855 triệu USD (giảm 40% so với mức 1,4 tỷ USD năm 2021) , số thương vụ cũng giảm từ 165 (năm 2021) xuống còn 85.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức đầu tư, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.