Ký ức Hà Nội: 10 năm thơ ấu giữa phố phường Hà Nội

Nguyễn Quốc Tiến Thứ tư, ngày 08/06/2022 07:48 AM (GMT+7)
Kỷ niệm tuổi thơ đầu tiên của tôi là sung sướng được làm "cái đuôi" của mẹ, lẽo đẽo theo mẹ đi khắp các con phố to nhỏ của Hà Nội.
Bình luận 0

Có lúc, tôi được đi xích lô, tàu điện, thấy thích lắm, vì không phải đi bộ mỏi chân. Cháu tôi bây giờ bảo được ngồi xích lô ngày xưa, thấy sướng hơn ngồi "con mẹc" bây giờ.

Trên những con phố dài ngoằng, tôi không nhớ mẹ kể cho nghe chuyện gì, mua cho ăn cái gì, ngoài những ngơ ngác của một thằng nhóc trước mọi vật, cái gì cũng to đùng và lạ lẫm.

Khi phải qua cửa nhà hàng phố nào có con chó to nhe răng dữ tợn, hay những buổi tối trời hun hút gió lạnh, dưới ánh đèn đường vàng vọt, bỗng nghe thấy tiếng rao kéo dài ma quái của ông già mù tẩm quất, tôi sợ hãi rúm hết cả người và nép chặt vào mẹ, tưởng như không cất nổi bàn chân.

Ký ức Hà Nội: 10 năm thơ ấu giữa phố phường Hà Nội - Ảnh 1.

Ảnh tàu điện giữa phố phường Hà Nội của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức Thomas Billhardt

Sáu tuổi học vỡ lòng, đến lớp một buổi, một buổi tôi được đi chơi thoải mái, bố mẹ đi làm cả ngày. Lang thang với bạn chơi khăng, đuổi bắt, xô vê, xút xanh, tam cúc, tu lơ khơ, hò hét váng nhà.

Bọn tôi thích lượn quanh hồ Hale ở đầu phố để trèo cây, bắt ve, vớt thủy trần, bắt giun dưới bùn cống về nuôi lũ cá chọi, cá khổng tước rẻ tiền. Lúc ấy, lũ trẻ hâm mộ sái cổ chồng cô giáo "tay chơi", nuôi hẳn một bể cá thần tiên.

Ở bờ hồ này, có lần tôi bị đấm giữa mặt đến toé máu mũi, nẩy đom đóm mắt vì vô tình nói với đứa bạn cụm từ "tổ trưởng nông trường nuôi ong", đúng lúc một thằng lạ hoắc, người to đùng, mặt rỗ chằng chịt đi ngang qua nghe thấy.

Góc hồ chỗ Nguyễn Du và Trần Bình Trọng, có quán bánh tôm, bánh rán. Ông béo quanh năm mặc bộ quần áo cánh ta màu gụ, ngày đứng rán bánh thơm phức, tối đẩy xe bán rong lục tào xá, chí mà phù. Và còn bao thức quà ngon lành, hấp dẫn nữa!

Tôi cho rằng, những kỷ niệm phố phường dịu ngọt, cao hơn nữa là tình yêu quê hương đất nước, có lẽ không cần phải giáo dục nhiều, cũng thấm nhuần con người ta một cách sâu sắc ngay từ thủa ấu thơ qua việc duy trì thú vui... ăn quà đều đặn mỗi ngày. Còn nói văn vẻ là trau dồi văn hoá ẩm thực đường phố.

Ngày ấy, chỗ bờ hồ gần ngã ba Quang Trung, Trần Nhân Tôn hay có một gánh hát xẩm "quốc dân" ngồi biểu diễn. Gồm 4 người, một đôi vợ chồng và hai đứa con. Ngoài hát solo, họ còn hát diễn các vở có tuồng tích đàng hoàng.

Ký ức Hà Nội: 10 năm thơ ấu giữa phố phường Hà Nội - Ảnh 3.

Một góc phố Thủ đô Hà Nội những năm 60. Ảnh Thomas Billhardt

Một người hát được hai, ba vai, tôi phục lăn đứa con gái bé tý có giọng hát trong vắt. Người xem xúm xít đứng ngồi vòng trong vòng ngoài, nghe chạc là chính. Ai văn minh thì thả tiền vào cái chậu đồng bé tý để dưới đất, nghe leng keng những đồng 5 xu, 2 xu, họa có người một hào.

Khi được "đi chơi xa", tôi ra Bách hoá Nghi Xương phố Hàng Bài đi tàu điện lên Bờ hồ leo "núi" Tháp Bút trước cổng đền Ngọc Sơn. Thằng bé ngồi đỉnh núi ngắm tháp rùa ăn quả dưa chuột chấm muối, hỏi đời còn mong muốn gì hơn?

Đi tiếp tàu điện lên Bách Thảo cây cao bóng cả như một khu rừng để xem voi, hổ và mấy con khỉ nhắng nhít hay chổng cái mông đỏ choét vào người xem mà gãi cành cạch.

Được vào rạp Kim Đồng xem phim trẻ con và có thẻ đọc sách Thiếu nhi ở Thư viện Trung ương phố Tràng thi, là hai mốc quan trọng đối với tôi.

Nhưng vẫn nghịch kinh người, thích trèo lên mái ngói, mái bằng các ngôi nhà hai, ba tầng và chạy biểu diễn trên bờ tường cao 5m. Bị mách, bố mẹ mắng quá trời mà không chừa.

Có lần tôi và thằng bạn ra sông Hồng chơi, trèo lên các bè tre, bè gỗ san sát ở bờ sông rồi nhảy nhót lung tung từ bè nọ sang bè kia, nhảy cả vào một khúc gỗ tròn nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Thế là ngã tùm xuống sông, hai tay chới với, mồm sặc sụa nước, may chạm được tay vào mép bè tre leo lên. Không may bị chui vào gầm các bè tre gỗ, mắc ở trong đó, chết là cái chắc. Sau cú này, tôi nhận ra sự nguy hiểm của các trò nghịch dại với sông nước.

Thấy tôi lêu lổng nghịch, mẹ gửi tôi vào một tổ gia công khâu khuy khuyết quần áo trẻ con do các cụ bà và mấy anh chị nhà bác tổ trưởng tác nghiệp. Chả hiểu sao tôi thay đổi tính nết, ít nghịch ngợm, làm việc chăm chỉ, được các cụ khen, còn kiếm được vài hào cho mẹ.

Chưa kể, các cụ thuộc thôi rồi các truyện thơ Nôm như Kiều, Nhị độ mai, Tống Trân Cúc Hoa và câu đố dân gian.

Đến lúc biết đi xe đạp tôi thấy vui phơi phới, được khám phá phố phường nhiều hơn trước, vốn chỉ loanh quanh theo các trục đường xe điện.

Những năm 60 xe đạp còn hiếm lắm, ai có thì giữ như vàng. Tôi may mắn được toàn quyền quần thảo chiếc xe đạp của người bác rể trong những lúc bác chưa đi đâu.

Bác gái, rồi các anh chị cũng chẳng ai quan tâm tôi "phá" chiếc xe đạp Pháp đạp nhẽ bẫng của bác ra sao. Tôi thích thả xe dốc Hàng Than và liều đạp xe qua cầu Long Biên để lao dốc từ đầu cầu xuống phố Ngọc Lâm. Nhiều lần bị ngã xe, cong cả đùi đĩa, phải dắt bộ về hàng sửa xe quen rồi xin tiền mẹ trả.

Năm 1964, tôi 9 tuổi, đã lờ mờ cảm thấy chiến tranh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Năm ấy, tôi được dự hai lễ kỷ niệm lớn: 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ở Sân vẫn động Hàng Đẫy và 10 năm Giải phóng Thủ đô tại triển lãm Vân Hồ.

Một năm sau, khi 10 tuổi, tôi phải sơ tán khỏi Hà Nội để tránh bom Mỹ, dứt hẳn những năm thơ ấu ở Hà Nội chuyển sang giai đoạn sống sơ tán ở ngoại thành. 

Bài viết 10 năm thơ ấu giữa phố phường Hà Nội dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem