Lãng phí tài sản công: Mất 4 năm, Chủ tịch UBND huyện ký 6 công văn nhưng chưa thể "đòi" trụ sở bị bỏ hoang

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 13/05/2024 07:19 AM (GMT+7)
Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) có ít nhất 6 lần ký công văn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan, đề nghị giao lại trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện, về địa phương quản lý. Tuy nhiên, mọi chuyện đang ở trên giấy và huyện vẫn cứ "chờ".
Bình luận 0

Huyện "bất lực" nhìn tài sản công bị xuống cấp, cỏ mọc um tùm

Đây là câu chuyện khá nghịch lý, hi hữu trong việc "đòi" tài sản công tại tỉnh Bình Định. Bởi, nhà đất là tài sản công có giá trị lớn của Nhà nước, cần được sử dụng tiết kiệm hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí.

Nhưng, trên thực tế, tại Bình Định lại đang tồn tại tình trạng, địa phương giao đất không thu tiền sử dụng đất cho cơ quan trực thuộc của Trung ương, xây dựng trụ sở mới.

Trụ sở mới xây xong, trụ sở cũ bị bỏ hoang gây xuống cấp, lãng phí, trong khi địa phương lại rất cần sử dụng, nhưng "đòi" mãi không xong.

Lãng phí tài sản công: Mất 4 năm, Chủ tịch UBND huyện ký 6 công văn nhưng chưa thể "đòi" trụ sở bị bỏ hoang- Ảnh 1.

Mất 4 năm, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, Bình Định đã ký 6 công văn đề nghị giao trụ sở cũ của Toà án nhân dân huyện về địa phương quản lý, nhưng vẫn chưa được. Ảnh: Dũ Tuấn.

Toà án nhân dân huyện Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định giao đất xây dựng trụ sở mới với diện tích gần 5.000m2 và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2019, tại số 2 Đô Đốc Bảo, thị trấn Phú Phong.

Từ đó đến nay, trụ sở làm việc cũ của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn tại số 85 Phan Đình Phùng bị bỏ hoang, không có người quản lý, không dọn vệ sinh nên xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng. Có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân xung quanh và học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ.

Điều nghịch lý, phần lớn các cơ quan Nhà nước của huyện Tây Sơn phòng làm việc còn rất khó khăn, một số cơ quan chuyên môn thuộc huyện vẫn còn thiếu, phải bố trí phòng làm việc chung giữa lãnh đạo và công chức, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Cận cảnh trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện Tây Sơn, tại số 85 Phan Đình Phùng. CLIP: Dũ Tuấn.

Trước vấn đề cấp thiết, từ năm 2020 đến nay, 2 đời Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn là ông Đỗ Văn Sỹ và ông Phan Chí Hùng, đã có ít nhất 6 lần ký công văn đề nghị giao lại trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện, về cho địa phương quản lý.

Thậm chí, quá "sốt ruột", Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn có công văn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, đề nghị quan tâm xem xét giao lại cho địa phương vì trụ sở đã xuống cấp và có nguy cơ gây ra tình huống xấu. Tuy nhiên, hơn 4 năm trôi qua, mọi chuyện đang ở trên giấy và huyện vẫn cứ "chờ".

Lãng phí tài sản công: Mất 4 năm, Chủ tịch UBND huyện ký 6 công văn nhưng chưa thể "đòi" trụ sở bị bỏ hoang- Ảnh 2.

Suốt gần 5 năm, trụ sở cũ của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, không có người quản lý. Ảnh: Dũ Tuấn.

Về phía Trung ương, trong công văn số 13688 ngày 12/12/2023 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ký gửi phản hồi Toà án nhân dân tối cao, thì chỉ thống nhất với đề xuất chuyển giao địa phương quản lý, cơ sở nhà đất trụ sở cũ của Toà án nhân dân huyện Tuy Phước, tại số 67 Đào Tấn, thị trấn Tuy Phước.

Còn riêng trụ sở làm việc mới và cũ của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn, Bộ Tài chính cho rằng, tại biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà đất ngày 22/11/2020 do Toà án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp cùng với địa phương lập, ghi nhận trong khuôn viên trụ sở mới của Toà án nhân dân huyện, có 1 ngôi nhà cấp 4 có diện tích sàn gần 110m2, đang bố trí làm nhà công vụ.

Bộ Tài chính đề nghị Toà án nhân dân tối cao làm rõ mục đích, nhu cầu về nhà công vụ của đơn vị và sự phù hợp với tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước, theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP.

Lãng phí tài sản công: Mất 4 năm, Chủ tịch UBND huyện ký 6 công văn nhưng chưa thể "đòi" trụ sở bị bỏ hoang- Ảnh 3.

Bên trong trụ sở cũ của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn tại số 85 Phan Đình Phùng bị bỏ hoang. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngoài ra, trao đổi với UBND tỉnh Bình Định về sự phù hợp của hiện trạng sử dụng nhà đất với mục đích sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất.

Trên cơ sở đó, Toà án nhân dân tối cao có văn bản gửi Bộ Tài chính để xem xét, cho ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý 2 cơ sở nhà đất cũ và mới của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn.

Từ đó đến nay, mọi chuyện vẫn ở trên giấy và số phận trụ sở cũ của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn vẫn bỏ không, xuống cấp, dẫn đến tình trạng nhếch nhác, lãng phí tài sản công.

Lãnh đạo Tỉnh uỷ Bình Định yêu cầu rút kinh nghiệm

Theo UBND huyện Tây Sơn, một trường hợp trụ sở khác bị bỏ hoang, gây lãng phí tài sản công, là trụ sở cũ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện này.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định giao đất xây dựng trụ sở mới và đưa vào sử dụng kể từ tháng 3/2022 tại số 23 Thuận Ninh, thị trấn Phú Phong.

Từ đó đến nay, trụ sở cũ tại số 196 Phan Đình Phùng không sử dụng, không có người quản lý, gây lãng phí tài sản công.

Lãng phí tài sản công: Mất 4 năm, Chủ tịch UBND huyện ký 6 công văn nhưng chưa thể "đòi" trụ sở bị bỏ hoang- Ảnh 4.

Trụ sở cũ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn số 196 Phan Đình Phùng bị bỏ hoang. Ảnh: Dũ Tuấn.

Từ tháng 6/2023, UBND huyện Tây Sơn đã có công văn gửi Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Định đề nghị giao trụ sở cũ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện cho địa phương quản lý, nhưng vẫn chưa được.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho rằng, huyện vẫn giữ quan điểm tiếp tục kiên trì đề nghị bàn giao 2 trụ sở cũ trên, cho địa phương quản lý.

"Huyện làm văn bản đề nghị liên tục và có nhờ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Trung ương, đề nghị giao trụ sở cũ của toàn án huyện về địa phương quản lý, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn "im ru", chưa có kết quả. Trong khi đó, địa phương rất cần những trụ sở này để sử dụng và cải tạo, chỉnh trang đô thị", ông Nguyễn Văn Khánh nói.

Lãng phí tài sản công: Mất 4 năm, Chủ tịch UBND huyện ký 6 công văn nhưng chưa thể "đòi" trụ sở bị bỏ hoang- Ảnh 5.

Ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và mong sự quan tâm về đề nghị, bàn giao trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện về cho địa phương sử dụng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tại Hội nghị của Tỉnh uỷ Bình Định mới đây, bà Lê Bình Thanh – Bí thư Huyện uỷ Tây Sơn tiếp tục phản ánh và đề nghị tỉnh có ý kiến tháo gỡ, từ câu chuyện Toà án nhân dân huyện và Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới khang trang, hiện đại, nhưng trụ sở cũ vẫn chưa bàn giao, cho địa phương.

Vì vậy, hai trụ sở này đang hoang tàn, xuống cấp nặng nề, dẫn đến lãng phí tài sản công của Nhà nước.

"Hiện nay, huyện đang thực hiện chỉnh trang đô thị và thực hiện một số dự án, thì bị vướng. Đặc biệt, dự án mở rộng đường Phan Đình Phùng đang chuẩn thi công nhưng vướng mặt bằng trụ sở cũ Toà án huyện, không biết thực hiện như thế nào", bà Lê Bình Thanh nói.

Trước đề xuất của Bí thư Huyện uỷ Tây Sơn, ông Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định cho biết, đối với 2 cơ sở nhà đất trên, phía tỉnh đã có đề nghị Trung ương, bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Trước đây trụ sở cũ Toà án nhân dân huyện Tây Sơn, Toà án nhân dân tối cao có gửi văn bản cho tỉnh, đề nghị bán trụ sở này nhưng tỉnh không đồng ý. 

"Vì khi xây dựng, địa phương giao đất không thu tiền sử dụng đất. Nếu Toà án nhân dân tối cao muốn bán, thì bán vật kiến trúc trên đất vì đó là tài sản của toà án, nhưng không được phép bán đất. Do vậy, mới thôi quyết định bán trụ sở này", ông Lê Kim Toàn cho hay.

Vẫn theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định, sau đó tỉnh tiếp tục kiến nghị giao trụ sở cũ của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn về cho địa phương quản lý, sử dụng và hiện nay, trụ sở này đã chuyển về Cục quản lý công sản - Bộ Tài chính.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã nhiều lần làm việc và có đề nghị với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Đại biểu Quốc hội tại tỉnh Bình Định.

Lãng phí tài sản công: Mất 4 năm, Chủ tịch UBND huyện ký 6 công văn nhưng chưa thể "đòi" trụ sở bị bỏ hoang- Ảnh 6.

Lãng phí tại sản công khi gần 5 năm trụ sở cũ của Toà án nhân dân huyện Tây Sơn, Bình Định bị bỏ hoang, dù địa phương nhiều lần có kiến nghị. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Lê Kim Toàn yêu cầu, Sở Tài chính tỉnh Bình Định tiếp tục liên hệ Cục quản lý công sản - Bộ Tài chính, để có đề xuất và xử lý kịp thời.

"Không để tình trạng tài sản công của Nhà nước để lâu, không ai quản lý, không sử dụng, dẫn đến việc xuống cấp, rất phản cảm", ông Lê Kim Toàn yêu cầu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định cho rằng, tỉnh này cần rút kinh nghiệm, từ nay trở đi các cơ quan Trung ương muốn cấp đất xây dựng trụ sở mới, thì yêu cầu, phải làm cam kết với tỉnh.

"Tỉnh sẵn sàng bố trí quỹ đất mới đẹp, thuận lợi để xây trụ sở mới và không thu tiền sử dụng đất nhưng xây xong, trụ sở cũ bắt buộc phải bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Tỉnh không tiếc gì cả nhưng phải phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lãng phí tài sản công", ông Lê Kim Toàn nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem