Lỗ hổng quản lý livestream game: Hậu quả nhãn tiền, ảnh hưởng tương lai (Kỳ 2)

Anh Dân Thứ tư, ngày 14/07/2021 08:22 AM (GMT+7)
Việc những livestream game có nội dung độc hại, kích động bạo lực trên internet có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, nhất là thế hệ trẻ.
Bình luận 0

Hậu quả nhãn tiền từ những livestream game độc hại

Còn nhớ năm 2019, một vụ xả súng kinh hoàng tại New Zealand khiến 49 người thiệt mạng. Đặc biệt, trước khi bước ra khỏi xe để đi vào nhà thờ, tên sát nhân kêu gọi mọi người "hãy đăng ký kênh của Pewdiepie nhé" - YouTuber có nhiều người đăng ký theo dõi nhất thế giới (khoảng 89 triệu người) - đồng thời cũng là một game thủ chuyên nghiệp.

Lỗ hổng trong quản lý livestream game (Kỳ 2): Hậu quả nhãn tiền, ảnh hưởng tương lai - Ảnh 1.

Một game thủ chuyên nghiệp thành sát nhân.

Vụ thảm án do chính tên sát nhân Brentont Tarrant livestream khiến nhiều người liên tưởng ngay đến các hoạt động tương tự như các game bắn súng nhập vai, có thể kể đến như game Pubg.

Tại Việt Nam, lời khai của nghi phạm lớp 11 tại Nghệ An khai giấu bé trai 5 tuổi dẫn tới cái chết thương tâm là do "làm theo game" khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình. Năm 2018, vụ án mạng xảy ra ở huyện Quế Phong, Nghệ An khi cậu bé 11 tuổi dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong. Nguyên nhân do hai người tranh luận về một nhân vật trong game dẫn tới xích mích.

Trước đó năm 2017, ở Bình Thuận, do mâu thuẫn trong lúc chơi game một thiếu niên 14 tuổi đã rút dao đâm bạn tử vong. Để kiếm tiền chơi game online, một thiếu niên ở Hải Dương đã giết cha của mình. Một trẻ khác tại Hà Nội đầu độc em họ của mình sau khi mưu toan bắt cóc đòi tiền chuộc để chơi game bất thành…

Lỗ hổng trong quản lý livestream game (Kỳ 2): Hậu quả nhãn tiền, ảnh hưởng tương lai - Ảnh 2.

Một tựa game bạo lực.

Các hành vi bạo lực trên những livestream game khiến người tiếp xúc với sẽ cảm thấy vui thích và bình thường hóa với những hoạt động bạo lực trên game. Cá nhân đó không còn phản ứng cảm xúc đối với hình ảnh máu me trên game bạo lực, có hành vi máu lạnh nhiều hơn.


Theo thống kê gần nhất của Bộ Công an năm 2019, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Từ đó có thể thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra ngày càng trẻ hóa với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý giới trẻ

Việc chơi và xem game bạo lực sẽ bị gây ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh của vùng trán trước. Vùng trán trước có chức năng điều khiển, kiểm định và kiểm soát thông tin. Tức là khi chơi và xem game bạo lực, người chơi sẽ bị ức chế, hoạt động thần kinh cấp cao của chúng ta suy giảm khiến họ có xu hướng sử dụng những hành vi bốc đồng.

Các nhà khoa học tại Anh đã làm thí nghiệm trên 60 người có cả nam lẫn nữ và ở độ tuổi trung bình là 21 tuổi. Cụ thể, các nhà khoa học đã cho 30 người thường xuyên chơi và xem livestream game bạo lực và số còn lại chơi game không có bạo lực.

Sau đó, họ đã nhận ra rằng, 30 người chơi và xem game bạo lực rất ít khi thông cảm cho nhau giống như những người chơi game không bạo lực. Thậm chí, họ còn có thái độ dửng dưng, dễ cáu gắt hoặc mắng chửi những “đồng đội” kém hơn mình.

Theo chuyên gia tâm lý, PSG.TS Trần Thành Nam cho biết: "Mỗi điều những streamer chia sẻ ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người và đặc biệt là khán giả trẻ. Vì hiệu ứng "hào quang" nên những phát ngôn này sẽ khiến giới trẻ tin tưởng một cách tự động, không có sự phản biện. Chính vì vậy nếu những thông tin này lệch chuẩn, thiếu chuẩn mực sẽ khiến người khác chấp nhận và bắt chước một cách vô thức."

Cần có chế tài quản lý ngay lập tức

Hiện này gần như chưa có chế tài nào quản lý việc livestream và đặc biệt là livestream game trên internet. Các game bạo lực, máu me, có nội dung độc hại được livestream mà không cần dán nhãn giới hạn độ tuổi. 

Thậm chí ngay những streamer thực hiện những livestream này cũng chưa có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng. Họ gần như nhận thấy ảnh hưởng xấu của mình khi livestream những game bạo lực, độc hại cho người xem.

Cùng với đó, các nền tảng livestream như Facebook, Youtube, Nimo,... cũng đang buông lỏng quản lý. Các nền tảng này gần như chỉ chạy theo doanh thu, cố gắng tối ưu lượt xem, số lượng người xem mà chưa chú ý đến nội dung mà streamer thực hiện.

Theo chị Đặng Mỹ Ngọc - một phụ huynh chia sẻ: "Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay bố mẹ cũng rất khó có thể kiểm soát 24/24 con cái mình xem cái gì. Việc các nền tảng và streamer vô tư thực hiện các nội dung xấu và độc hại rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và cách hành xử của giới trẻ".

Có nhận định tương tự, anh Nguyễn Quang Huy - một phụ huynh khác cho biết: "Livestream game có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, như con tôi có thể dành từ 1-2 tiếng mỗi ngày để xem và giải trí. Cần có biện pháp ngăn chặn, phân loại các livestream này sao cho phù hợp với độ tuổi".

Lỗ hổng trong quản lý livestream game (Kỳ 2): Hậu quả nhãn tiền, ảnh hưởng tương lai - Ảnh 5.

Trẻ em sẽ chịu tác động nhanh chóng khi xem những video như vậy.

Vấn đề quản lý livestream game hiện nay đang đứng trước thách thức lớn do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự ra đời và phát triển ngành công nghiệp game cả ở trong nước và trên thế giới. Trong khi đó, ở nước ta vẫn chưa có một cơ quan, tổ chức chuyên môn nào có nhiệm vụ đánh giá và phân loại trò chơi điện tử, cũng như quản lý những người làm streamer. 

Livestream game cũng giống như phim ảnh trên mạng, có những nội dung hay, tốt nhưng cũng có những nội dung mang nội dung bạo lực, đồi trụy. Điều quan trọng là việc lựa chọn loại hình game nào cũng như nhận thức của người chơi. Bên cạnh đó, yêu cầu thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong phát hành và quản lý chơi game online cần phải được chặt chẽ, hơn nữa trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để có thể định hướng, giáo dục trẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem