Loại nông sản gì phải cạnh tranh vị trí với Thái Lan ở thị trường Trung Quốc?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 15/02/2021 18:37 PM (GMT+7)
Năm 2020, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng do nước này tăng tốc sản xuất lốp phục vụ ngành công nghiệp ô tô. Hiện, Việt Nam thuộc top 5 nước xuất khẩu cao su sang Trung Quốc, cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc.
Bình luận 0

Việt Nam giữ vững vị trí thứ 2 xuất khẩu cao su sang Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su rất quan trọng của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 1,36 triệu tấn , trị giá 1,83 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 18,1% về trị giá.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu cao su bình quân đạt 1.343 USD/tấn, tăng 0,6% so với năm 2019. 

Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, chiếm 83,32% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2020, với 1,13 triệu tấn, trị giá 1,55 tỷ USD, tăng 23,7% về lượng và tăng 24,7% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.370 USD/tấn, tăng 0,9% so với năm 2019. 

Trong năm 2020, một số chủng loại cao su xuất khẩu sang Trung Quốc đạt được sự tăng trưởng khá cả về lượng và trị giá so với năm 2019, đáng chú ý như: Latex tăng 52,6% về lượng và tăng 67,3% về trị giá; SVR 20 tăng 38,3% về lượng và tăng 31,2% về trị giá.

Cao su tái sinh tăng 18,2% về lượng và tăng 64,5% về trị giá; cao su tổng hợp tăng 322,7% về lượng và tăng 300,5% về trị giá; SVR CV60 tăng 8,6% về lượng và tăng 10,9% về trị giá.

 Sở dĩ xuất khẩu cao su sang Trung Quốc năm 2020 vẫn đạt được sự tăng trưởng so với năm 2019 dù chịu tác động của dịch Covid-19 là do nhu cầu cao su của Trung Quốc tăng nhanh sau khi chính quyền các địa phương kích thích sử dụng xe ô tô nhỏ, từ đó thúc đẩy các hãng sản xuất lốp xe tăng sản lượng gấp 3 lần. 

Loại nông sản gì phải cạnh tranh vị trí với Thái Lan ở thị trường Trung Quốc? - Ảnh 1.

Năm 2020, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 1,36 triệu tấn , trị giá 1,83 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 18,1% về trị giá. Ảnh: I.T

Trong khi sản lượng cao su ở Trung Quốc giảm do những trận bão lớn ở đảo Hải Nam và hạn hán ở Vân Nam.

Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. 

Trong năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,78 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2019. 

Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2020 chiếm 16,29%, tăng so với mức 14,43% của năm 2019. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu cao su sang Trung Quốc của Thái Lan có xu hướng giảm nhẹ.

Giá cao su ổn định do xuất khẩu cao su thuận lợi

Cùng với xu hướng tăng giá của thế giới, từ đầu tháng 2/2021 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có biến động so với cuối tháng 1/2021.

Ngày 05/2/2021, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng được giữ ở mức 335 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 1/2021; giá thu mua mủ tạp ở mức 250 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 1/2021.

Trong khi đó, đầu tháng 2/2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng trở lại do nhu cầu tại Mỹ hồi phục khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới sẽ giúp nền kinh tế hồi phục; thị trường cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu mủ tự nhiên của các nhà máy tăng mạnh do nhu cầu sử dụng thiết bị y tế tăng cao trong đại dịch. 

Thái Lan, một trong những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đã xuất khẩu được 4,6 triệu tấn cao su trong năm 2020, trị giá 192,5 tỷ Baht (tương đương 6,41 tỷ USD), giảm 4,4% về lượng và giảm 5,6% về trị giá so với năm 2019. 

Trong đó, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 58,38% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020 với 2,68 triệu tấn, trị giá 109,51 tỷ Baht (tương đương với 3,65 tỷ USD), tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 0,1% về trị giá so với năm 2019. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem