Loại rau lá trái tim, cuống mọng nước đem nấu món bún cực ngon, giải nhiệt vào mùa hè
Loại rau lá trái tim, cuống mọng nước đem nấu món bún cực ngon, giải nhiệt vào mùa hè
Hòa Phạm
Thứ năm, ngày 08/06/2023 08:21 AM (GMT+7)
Bún sườn nấu với loại rau này là món ăn có cách làm đơn giản nhưng lại mang đến hương vị thanh mát giúp giải nhiệt cực tốt trong những ngày thời tiết nắng nóng.
Rau dọc mùng là loại rau quen thuộc với nhiều người. Loại rau này còn gọi là môn thơm, tên khoa học là Alocasia indica, Alocasia odora.
Loại rau này có mặt trong nhiều món ẩm thực của người Việt như các món canh chua, món bún...
Theo Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát và hơi có độc và thường được dùng để thanh nhiệt giải khát. Bên cạnh đó, cứ trong khoảng 100g dọc mùng thì chứa 95g nước, 0,25g protein và lương bột đường là 3,8g.
Loại rau này cũng chứa lượng lớn phốt pho, kali, canxi, magie, sắt... và một số chất khác tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, loại rau này giàu chất xơ có tác dụng thẩm thấu chất béo và cholesterol, cản trở quá trình hấp thu các chất này ở trong ruột. Bún sườn mọc nấu với loại rau này là một món ăn có cách làm đơn giản nhưng lại mang đến hương vị thanh mát giúp giải nhiệt cực tốt trong những ngày thời tiết nắng nóng.
Dân Việt giới thiệu công thức nấu món bún sườn mọc dọc mùng như sau:
Nguyên liệu làm bún dọc mùng:
- Bún: 1kg (cho khoảng 5-6 người ăn)
- Sườn thăn: 500gr
- Thịt chân giò rút xương: khoảng 400gr
- Chân giò: 1 cái
- Giò sống: 300gr
- Dọc mùng: 500gr
- Dứa: 1/2 quả
- Cà chua:2 quả
Mộc nhĩ, nấm hương, quả sấu (hoặc me), nước mắm, hạt tiêu, bột nêm, hành củ khô, hành lá, mùi tàu, mùi ta, rau sống ăn kèm, đường, chanh, ớt.
Cách nấu bún dọc mùng:
- Cà chua rửa sạch bổ múi cau
- Dứa 1/4 quả thái lát vừa ăn, 1/4còn lại để cho vào nồi nước ninh cho ngọt.
- Hành lá, mùi tàu, mùi ta rửa sạch thái nhỏ.
- Rau ăn kèm nhặt sạch, rửa sạch, ngâm nước muối xong vớt ra để ráo nước.
- Sườn, chân giò, thịt chân giò (lấy dây quấn để luộc thịt) trần qua nước sôi rồi cho nước vào luộc. Cho thêm 1 thìa cà phê bột canh và 1 củ hành khô đập dập, 1/4 quả dứa vào nồi cho thơm, để ý vớt bọt cho nước trong. Thịt chân giò sẽ chín trước nên khi chín sẽ vớt ra trước.
* Làm mọc: làm bằng giò sống hay thịt nạc đều được, nếu làm bằng thịt thì nên chọn thịt có cả nạc và mỡ. Làm mọc bằng giò sống như sau: trộn 300gr giò sống cùng môc nhĩ và nấm hương ngâm nở rửa sạch đã thái nhỏ cùng với 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa cà phê hạt nêm. Sau khi trộn đều vo viên hình tròn thả vào nồi nước dùng đang ninh sườn và chân giò. Mọc chín sẽ nổi lên thì vớt ra để riêng, thịt- chân giò- sườn chín vớt ra để riêng.
- Dọc mùng tước vỏ, thái miếng vừa ăn, đeo bao tay và cho muối vào bóp đến khi dọc mùng ngấu thì rửa lại khoảng 2 lần nước cho hết mặn và vắt kiện nước để riêng. Mục đích bóp muối là để dọc mùng hết ngứa và giòn.
- Làm nước dùng: băm nhỏ 1 củ hành khô cho vào nồi phi thơm, cho 1/2 cà chua bổ múi cau và dứa vào xào sơ rồi đổ phần nước luộc vào để làm nước dùng. Cho thêm 5 quả sấu, thêm 2 thìa nước mắm, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa hạt nêm (nêm nếm gia vị tuỳ khẩu vị). Sau đó cho dọc mùng vào nồi nước dùng, tiếp đến cho mọc, sườn và 1/2 chỗ cà chua còn lại chờ sôi là được.
- Trình bày ra bát: trụng bún qua nước sôi cho vào bát và cho thêm thịt chân giò thái mỏng, chân giò, mọc, sườn, 1 miếng cà chua, dứa, dọc mùng và hành cùng rau thơm đã thái nhỏ. Chan nước dùng nóng lên ăn kèm rau sống, thịt- chân giò- mọc- sườn có thể chấm cùng nước mắm chua ngọt hay mắm tôm ăn rất ngon.
Chúc các bạn thành công khi nấu bún với loại rau này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.